Rất nhiều sinh viên và du học sinh gặp khó khăn khi viết luận văn (essay) tại Úc, dù ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh khá vững. Vấn đề nằm ở chỗ: Các bạn không biết cách trình bày ý tưởng của mình sao cho rõ ràng và thuyết phục!
Thực ra, viết luận tiếng Anh không quá khó như nhiều bạn vẫn nghĩ. Bạn chỉ cần nhớ: Với đề luận tiếng Anh, không có đáp án nào là đúng hoặc sai! Điều giám khảo trông chờ là bạn thể hiện chính kiến của mình và đưa ra được các lập luận để bảo vệ ý kiến đó.
Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn 5 bước cơ bản để viết một bài luận tiếng Anh. Dĩ nhiên trong tiếng Anh có nhiều kiểu luận khác nhau, so sánh (comparison), phân tích (analysis), nghị luận (argument)... nhưng khi mới bắt đầu tập viết, bạn chưa nên đi sâu tìm hiểu các kiểu luận này.
5 bước sau đây có thể áp dụng cho hầu hết các đề Writing bạn sẽ gặp!
Để các bạn dễ theo dõi, tôi sẽ dùng đề bài sau để minh hoạ cho 5 bước viết luận: "Write about a family member with whom you have shared happy and sad memories."
Bước 1: Lên ý tưởng
Để lên ý tưởng, bạn hãy lấy 1 tờ giấy trắng và 1 cây viết. Trong vòng 3-5 phút, hãy viết ra tất cả những gì bạn có thể nghĩ được về chủ đề này. Bạn cứ viết, không nhất thiết phải theo một trình tự nào, cũng không nhất thiết phải viết đúng chính tả!
Ví dụ, với chủ đề gia đình, bạn có thể ghi ra những cụm từ như: grandma, Daddy, sibling, traveling, when I was young, lost his toy,…
Sau 3-5 phút, hãy đọc lại những từ bạn vừa viết để xem những ý tưởng nào có thể sử dụng được.
Quá trình này sẽ giúp bạn tận dụng hết những ý tưởng mình có thể nghĩ ra được. Nếu bạn chỉ nghĩ trong đầu mà không viết ra giấy, bạn sẽ bỏ phí rất nhiều ý tưởng hay, và bài luận sẽ kém phần phong phú!
Bước 2: Xác định luận đề (thesis statement)
Luận đề (thesis statement) là một khái niệm khá xa lạ đối với nhiều người học tiếng Anh, nhưng lại vô cùng quan trọng, bởi nó giúp bài viết đi đúng hướng, mạch lạc và thống nhất.
Luận đề được trình bày ở đoạn văn đầu tiên của bài luận. Các đoạn văn tiếp theo được dùng để minh chứng cho luận đề ấy. Ngoài ra, luận đề phải là một câu khẳng định hoàn chỉnh! Nó không thể là một cụm từ hoặc một câu hỏi.
Ví dụ, với đề bài trên, luận đề có thể là: "My brother is my best friend," hoặc "In my family, grandma is the one I share most memories with."
Lưu ý: Rất nhiều bạn mắc lỗi không xác định luận đề ngay từ đầu, mà chỉ suy nghĩ chung chung là: Tôi sẽ viết về anh trai/ bà ngoại của mình (?!) Điều này sẽ khiến bài luận lan man, dễ lạc đề.
Bước 3: Lập dàn ý (outline)
Từ luận đề xác định ở trên, hãy bắt đầu lập dàn ý cho bài luận.
- Mở bài: gồm câu dẫn nhập, luận đề…
- Thân bài: gồm 2-3 đoạn văn, mỗi đoạn có 1 topic sentence (câu chủ đề) nhằm củng cố cho luận đề bạn đã đưa ra ở mở bài + một vài ví dụ.
- Kết luận: nhắc lại luận đề và 2-3 ý chính bạn đã nêu ở thân bài + lời kết
Nếu có thể, hãy ước tính luôn số chữ bạn sẽ viết cho mỗi phần để bài luận nhìn cân đối hơn. Ví dụ, nếu bài luận yêu cầu viết 500 chữ, tôi sẽ dành 100 chữ cho mở bài, 100 chữ cho kết luận, và mỗi ý trong thân bài từ 100 đến 150 chữ.
Ví dụ, với luận đề: "My brother is my best friend," bạn có thể lập dàn ý như sau:
- Mở bài: "Among all members of our family, I see my brother as my best friend…"
- Thân bài:
Topic sentence 1. "We share a great number of hobbies…"
Topic sentence 2. "He always helps me out of my troubles…"
- Kết luận: "My brother and I make the best team…"
Bước 4: Viết
Khi đã xác định được luận đề và lập dàn ý, thì việc viết luận đã dễ hơn rất nhiều rồi phải không? Bạn chỉ cần nhớ sử dụng các từ nối (transition words) như firstly, secondly, finally… hoặc moreoever, on the other hand,… để liên kết các đoạn văn lại với nhau.
Ngoài ra, đối với câu chủ đề (topic sentence) của mỗi đoạn văn, mặc dù bạn có thể đặt nó ở đầu hoặc cuối đoạn, hầu hết các giáo viên đều khuyên tôi nên đặt ở đầu đoạn văn khi mới tập viết. Đây là một mẹo vặt hữu ích, giúp giám khảo chỉ cần lướt mắt qua cũng có thể nắm được ý chính của toàn bộ bài luận.
Bước 5: Đọc lại bài luận
Khi đọc lại bài luận, bên cạnh việc sửa lỗi chính tả và ngữ pháp, bạn cũng nên chú ý câu mở đầu và câu kết (vốn hay bị nhiều bạn xem nhẹ mà chỉ dồn sức cho thân bài!)
- Câu mở đầu: Mở đầu phải thật ấn tượng để thu hút người đọc. Tránh dùng những câu như "This essay is about” hoặc "The topic of this essay is"...
- Câu kết: Đoạn kết của bài luận phải thể hiện được thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải qua bài luận. Bạn muốn người đọc ghi nhớ điều gì nhất sau khi đọc xong?
Tôi muốn kết thúc bài viết bằng một câu chuyện nhỏ, thể hiện sự khác biệt giữa tập làm văn Việt ngữ và bài luận Anh ngữ: Ở cấp trung học, bạn thường được dạy rằng phải giới thiệu tác giả tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, bối cảnh xã hội,… trong phần mở bài, nhằm cung cấp cho người đọc một số thông tin cơ bản. Tôi vẫn giữ thói quen này khi lên đại học. Lần đầu học với một giảng viên người Mỹ, thầy đã gạch chừng 2-3 câu mở đề của tôi và nói:
"If you know this and I know this, why do you have to state it?"
(Nếu bạn và tôi đều đã biết điều này, tại sao bạn phải lặp lại nó?)
Phong cách viết luận tiếng Anh yêu cầu người viết phải trình bày rõ ý kiến và quan điểm riêng của mình. Những thông tin khác (facts) chỉ mang tính hỗ trợ (to support idea) chứ không phải là phần chính của một bài luận.
Đó là lý do trước khi bắt tay vào viết luận, bạn phải xác định được luận đề (thesis statement) của mình là gì, sau đó mới nêu ra các lập luận chính để củng cố cho thesis statement ấy.