6 quốc gia không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm COVID-19 nào

Đại dịch COVID-19 hiện đang hoành hành trên khắp thế giới, thế nhưng có một số quốc gia đã may mắn “thoát nạn”, hầu hết là những hòn đảo xa xôi và dân cư thưa thớt nằm ở Thái Bình Dương. Họ đã làm điều đó như thế nào?

cook islands

Cook Islands Source: Getty

1. Quần đảo Cook

Mặc dù có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và một số lượng lớn người dân Quần đảo Cook sống ở New Zealand, nơi này đã nhanh chóng đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020. Thu nhập giảm, nhưng bù lại người dân quay trở lại với lối sống tự cung tự cấp, làm vườn và đánh bắt cá. 

Hành lang du lịch giữa Quần đảo Cook và New Zealand bắt đầu từ ngày 17/5/2021, nhưng chỉ những người đã ở New Zealand ít nhất 14 ngày trước khi khởi hành mới được phép nhập cảnh. Trong khi đó, hành lang du lịch giữa Úc và New Zealand đã bị tạm ngừng cho đến ít nhất là cuối tháng Chín.

2. Niue

Nằm ở trung tâm của tam giác hình thành bởi Quần đảo Cook, Tonga và Samoa, Niue là một đảo quốc nhỏ, thưa dân và ít phụ thuộc vào du lịch hơn so với các nước láng giềng ở vùng Thái Bình Dương.

Trước đại dịch, kết nối duy nhất của Niue với thế giới bên ngoài là thông qua một chuyến bay hai lần mỗi tuần đến Auckland. Từ tháng 4/2020, chuyến bay này đã giảm xuống còn một lần mỗi tuần, chỉ bao gồm cư dân hồi hương và các nhân viên thiết yếu. Tất cả những người đến đều phải cách ly trong 14 ngày, và đảo quốc này đã không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào.

3. Palau

Là một quần đảo gồm 500 hòn đảo nằm ở phía đông nam Philippines, nguồn thu nhập chính của Palau là du lịch, thế nhưng đảo quốc này đã đóng cửa biên giới vào cuối tháng 3/2020 và chỉ mở cửa trở lại vào tháng 5/2021 với sự kiểm soát chặt chẽ.

Hiện tại, chỉ những du khách đã được chủng ngừa đầy đủ mới được phép nhập cảnh, và phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng ba ngày kể từ ngày khởi hành đến Palau. Người ngoại quốc phải ở tại một cơ sở do chính phủ quy định trong 5 ngày sau khi đến và đeo khẩu trang trong thời gian đó.
The sun sets over the ocean at Palau Pacific Resort in Palau.
The sun sets over the ocean at Palau Pacific Resort in Palau. Source: AAP

4. Tonga

Quần đảo này đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đóng cửa biên giới đối với tất cả công dân nước ngoài cho đến tháng 8/2021. Ngành du lịch của Tonga, vốn đón 94,000 du khách vào năm 2019, bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng bù lại đảo quốc này không ghi nhận ca nhiễm nào.

Sự vắng mặt các bác sĩ thú y từ New Zealand, vốn điều hành chương trình triệt sản chó, đã khiến số lượng chó ở đây bùng nổ. Ước tính có hơn 20,000 con chó trên đảo chính Tongatapu.

5. Tuvalu

Tuvalu bao gồm chín đảo đá ngầm và đảo san hô thấp nằm giữa Hawaii và Úc. Ngay từ tháng 1/2020, chính phủ Tuvalu đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Y tế COVID-19, ban bố tình trạng khẩn cấp từ tháng Ba và đóng cửa biên giới đối với tất cả các máy bay và tàu thuyền, chỉ có thủ tướng mới có thể cung cấp miễn trừ cho y tế, thực phẩm, nhiên liệu và các nguồn cung cấp khẩn cấp khác. Tình trạng Khẩn cấp được áp dụng cho đến ngày 6/11/2021.

6. Nauru

Là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới, Nauru bắt đầu cấm du khách từ đầu tháng 3/2020. Đến giữa tháng Ba, đảo quốc này đình chỉ tất cả các chuyến bay ngoại trừ tuyến Brisbane, giảm lịch bay xuống còn một chuyến mỗi hai tuần. Tất cả những người nhập cảnh phải cách ly 14 ngày trong khách sạn. Với tỷ lệ chủng ngừa cao, Nauru có thể sẽ sớm mở hành lang du lịch với New Zealand.

Theo trang , tất cả các nước kể trên đều có các điểm chung: tất cả đều nhận ra mối đe dọa của coronavirus, phản ứng nhanh chóng và đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Hầu hết những hòn đảo này đã hy sinh nguồn thu nhập từ du lịch, nhưng điều này gây thiệt hại ít hơn là để cho COVID-19 hoành hành.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 1 September 2021 10:24pm
By Đăng Trình

Share this with family and friends