Key Points
- Nhóm nghiên cứu đã xem xét nồng độ của các hạt vi nhựa trong 38 hồ nước ngọt ở 23 quốc gia.
- Một hồ nước ở Úc nằm trong số những hồ ô nhiễm nhất thế giới và những hồ khác có thể ở tình trạng tương tự.
- Nồng độ vi hạt nhựa ở một số hồ cao hơn các mảng rác thải trên đại dương.
Một hồ nước ở Úc nằm trong số những hồ ô nhiễm nhất thế giới về mức độ hạt vi nhựa, và một chuyên gia cảnh báo những hồ khác có thể đang ở trong tình trạng tương tự.
Một nghiên cứu quốc tế mang tính bước ngoặt đã xem xét nồng độ của các hạt nhựa cực nhỏ trong 38 hồ nước ngọt ở 23 quốc gia.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hạt vi nhựa ở trong những hồ nước xa xôi hẻo lánh nhất.
Một số hồ bị ảnh hưởng nặng nề nhất có nồng độ hạt vi nhựa cao hơn các mảng rác rộng lớn đã hình thành trên biển.
Nồng độ vi hạt nhựa của hồ nước ở Brisbane ‘gây lo ngại’
Nghiên cứu cho thấy nơi ô nhiễm thứ sáu là Forest Lake, một hồ chứa nước ở ngoại ô Brisbane với khoảng ba hạt nhựa trên một mét khối nước.
Mặc dù con số đó ít hơn đáng kể so với hồ có thành tích kém nhất là hồ Lugano, một hồ băng ở biên giới giữa Thụy Sĩ và miền bắc nước Ý với gần 12 hạt nhựa trên một mét khối nước, nhưng nó vẫn “gây lo ngại”.
Giáo sư David Hamilton thuộc Đại học Griffith, đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng mặc dù Forest Lake là hồ nhân tạo, nhưng là trường hợp khá điển hình cho các hồ đô thị và có thể chỉ ra những vấn đề tương tự ở những nơi khác tại Úc bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động của con người.
Hồ nhận nước mưa chảy vào từ môi trường đô thị xung quanh, mà ông Hamilton cho biết có thể là nguồn gốc của hạt vi nhựa.
“Đây là một hồ nước đô thị điển hình. Nó có một số vấn đề khác, một trong số đó là hiện tượng tảo nở hoa (do dòng chảy giàu chất dinh dưỡng gây ra) ... những vấn đề này phản ảnh hoạt động của con người trong lưu vực,” ông nói.
“Tôi tin rằng Forest Lake cũng không khác với bất kỳ hệ thống nào khác với số lượng dân cư tương tự.”
Báo động đỏ về cuộc khủng hoảng nhựa
Ông Hamilton cũng là thành viên của một nhóm chuyên gia làm việc để giải quyết các vấn đề của Forest Lake. Ông cho biết nghiên cứu này là một báo động đỏ khi thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhựa ngày càng gia tăng.
“Về cơ bản, các hồ nước giống như những người lính gác,” ông nói.
“Bởi vì nước được giữ lại trong hồ trong một thời gian dài, chúng bắt đầu phản ảnh cách chúng ta tương tác với môi trường, và đặc biệt là những gì chúng ta làm trong các lưu vực.
“Nồng độ vi nhựa cao hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người trong chúng tôi và vượt quá các mảng rác thải ngoài đại dương, điều này cũng khá hợp lý bởi vì đại dương có thể pha loãng mọi thứ, nhưng mọi thứ đều nằm lại trong hồ.”
cho thấy một số hồ bị ô nhiễm nhất là nguồn nước uống quan trọng cho cộng đồng địa phương.
Forest Lake là địa điểm duy nhất tại Úc được đưa vào danh sách.
Nước trong hồ không được sử dụng làm nước uống nhưng chảy vào các nhánh của sông Brisbane, sau đó ra vịnh Moreton, nơi diễn ra hoạt động đánh bắt cá thương mại và giải trí.
Ông Hamilton nói rằng mọi người nên quan tâm đến điều này, vì ô nhiễm nhựa là mối đe dọa leo thang, và sự hiện diện của chất gây ô nhiễm trong cơ thể con người cũng như trong thực vật và động vật mà con người tiêu thụ vẫn chưa được hiểu rõ.