Bến tạm của những phụ nữ bị bạo hành gia đình đang giữ visa tạm trú

Có một nơi ở Tây Sydney - một nơi trú ẩn của những phụ nữ bị bạo hành, bị ngược đãi nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trục xuất, bị tách rời khỏi con cái. Và đã có nhiều cảnh đời được giúp đỡ để thay đổi

Home for domestic violence victims

Source: AP

Mai* là một phụ nữ đến từ Lào, cô đã được trường học của con trai cô giới thiệu đến Safe Haven.

Con trai của cô khi đi học đã báo với giáo viên là ‘mẹ con chết rồi’, người phụ trách về dịch vụ ở trường tên là Sarah* đã giải thích với SBS News.

Mai là nạn nhân của chuyện bạo hành gia đình bởi chính người chồng, người cha của ba đứa con của cô.

“Khi tôi gặp Mai ở trường, trông cô ấy rất buồn, luôn khóc lặng lẽ và không dám nhìn vào mắt tôi. Cô ấy nói cô ấy không thể chịu đựng thêm được nữa,” Sarah nói.

“Cô ấy kể về chuyện mình liên tục bị bạo hành về thể xác, tình dục, tài chính và tinh thần trong suốt thời gian mối quan hệ kéo dài.

“Chồng cô ấy uống rượu rất nhiều và ngày càng trở nên bạo lực đối với vợ. Ông ta thường xuyên giận dữ khóa cửa nhốt cô bên ngoài, và cô chỉ biết đợi cho đến khi ông ta ngủ mới dám gọi con trai lớn mở cửa sau để vào nhà.”

Mai đến Úc bằng visa du lịch, tiếng Anh rất hạn chế và không hiểu nhiều về hệ thống di trú tại đây.

Chồng của cô đã lấy ID và toàn bộ giấy tờ nhưng không gia hạn visa cho cô, và Mai đã trở thành người sống bất hợp pháp,” bà Sarah cho biết.

“Và vì không có visa hợp lệ, không biết tiếng Anh, cô ấy lâm vào tình cảnh mắc kẹt, như một tù nhân trong ngôi nhà đầy bạo lực của chính mình.

“Việc báo cáo về chuyện bạo hành là điều cô ấy không dám nghĩ tới vì sợ sẽ bị tách khỏi các con, và việc bị bạo hành liên tục suốt 14 năm qua đã khiến cô gục ngã, hoàn toàn cảm thấy bất lực và không còn hi vọng gì.

“Mai không có quyền làm việc, không có thu nhập, không được nhận Medicare hay bất cứ hỗ trợ nào từ chính phủ.”

Và đó là khi Safe Haven can thiệp.

Cơ sở này nằm ở Tây Úc, không giống như những nơi trú ẩn dành cho phụ nữ khác. Nơi đây được thành lập vào năm 1995 và được điều hành bởi Tổ chức thiện nguyện St Vincent’s Clinic charity Open Support, tổ chức này chủ yếu mang đến sự giúp đỡ cho các bà mẹ và các gia đình có nguồn gốc di dân đang giữ visa tạm trú.
The inside of the Safe Haven facility in western Sydney.
An image of the inside of the Safe Haven facility in Western Sydney. Source: Safe Haven
Hầu hết phụ nữ đến đây đều là những người không thể đi làm hoặc không có hỗ trợ phúc lợi vì điều kiện visa của họ không cho phép.

Cơ sở này hỗ trợ những người bị bạo hành cũng như giúp họ có một nơi trú ngụ lâu dài và tư vấn các giải pháp giúp thay đổi tình trạng di trú của họ.

Nơi đây đủ chỗ cho 4 gia đình trú ngụ trong thời gian khoảng 60 ngày, và chỉ toàn những nhân viên nữ. Họ đã giúp rất nhiều phụ nữ đến từ nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ, Việt Nam và Iraq.

Bà Sarah nói những người đến đây là những người ‘bị đẩy đến đường cùng và là đối tượng tổn thương trong cộng đồng’.

Nhờ sự giúp đỡ của trung tâm, Mai hiện đã có visa chờ, do đó cô và các con vẫn có thể ở lại Úc. Cô vẫn tiếp tục nhận được hỗ trợ pháp lý từ Legal Aid và Bộ Nội vụ.

“Chúng tôi đã giúp cô ấy quần áo, tiền bạc, chi phí học hành, điện thoại và bữa ăn hàng ngày. Chúng tôi cũng hỗ trợ về mặt tinh thần và hỗ trợ cô ấy tiếp cận được với dịch vụ tư vấn,” bà Sarah cho biết.

Trung tâm cũng đang kêu gọi nguồn tài trợ để có thể tiếp tục và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ tại đây.

Những áp lực khiến người phụ nữ không dám rời bỏ mối quan hệ

Bà Jane Brock đến từ Hiệp hội Speakout của phụ nữ di dân ở NSW, bà nói rất nhiều phụ nữ mới đến và bị bạo hành nhưng họ không có quan hệ xã hội, không biết cách để tiếp cận nơi hỗ trợ, thế nên các trung tâm như Safe Haven rất quan trọng trong việc lấp vào khoảng cách dịch vụ ấy.

“Họ thiếu hiểu biết về quyền lợi vì họ không đủ kỹ năng tiếng Anh và thiếu kiến thức về các dịch vụ sẵn có,” bà Brock nói.

“Ngoài ra cũng có những áp lực khi phải duy trì mối quan hệ, đặc biệt là những người có gia đình vẫn còn liên lạc với gia đình người chồng bảo lãnh họ.

“Áp lực chính là nỗi xấu hổ nếu họ rời bỏ cuộc hôn nhân ấy.”

Bà Brock nói có nhiều yếu tố tác động tới những người phụ nữ đang giữ visa tạm trú

“Rào cản lớn nhất là sự sợ hãi vì bị đe dọa sẽ bị trục xuất vì họ đang giữ visa tạm trú. Nhiều người trong số họ được chồng bảo lãnh nên sợ bị trục xuất. Ngoài ra họ còn sợ vì bị đe dọa sẽ bị chia cắt với con cái,” bà giải thích.

“Nhiều trường hợp người chồng và gia đình đe dọa sẽ giành toàn bộ quyền nuôi con, làm cho người phụ nữ tưởng rằng mình không đủ điều kiện nuôi con.”

“Tên nhân vật đã được thay đổi

Địa điểm và chi tiết liên lạc của Safe Haven ở Tây Sydney không được công bố.

Những ai bị tấn công tình dục, bị bạo hành gia đình và bị lạm dụng có thể nhận tư vấn và được giới thiệu đến đây bằng cách gọi 1800RESPECT tại số điện thoại 1800 737 732 hoặc vào trang mạng 1800RESPECT.org.au

Trong trường hợp khẩn cấp hãy gọi 000.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 7 March 2019 4:22pm
Source: SBS News

Share this with family and friends