Làm mẹ đơn thân đã khó, làm mẹ đơn thân nơi xứ người còn khó gấp trăm bề.
Tài chính bấp bênh, không trợ giúp, không biết bắt đầu từ đâu
Chị Đ. là một bà mẹ đơn thân ở Melbourne, ly hôn đã được hơn 10 năm khi đứa con nhỏ nhất mới 4 tuổi.
Thời điểm quyết định ly hôn để trở thành một người mẹ đơn thân, lúc đó tiếng Anh của chị rất hạn chế, không có chút kinh nghiệm làm việc nào ở Úc, luôn quanh quẩn trong nhà nên không hề có mối quan hệ xã hội. Nếu quyết định bước ra khỏi nhà, chị sẽ trở thành người tay trắng và không biết bắt đầu từ đâu.
“Lúc đó tôi chỉ biết là tôi phải đi học lại, học để mới có thể xin việc làm nuôi con, mới có công việc tốt. Nhưng dù nói thế, trong lòng lúc đó rất hoang mang. Ngay cả khi không có con còn chưa chắc có học lại được không, chứ đừng nói gì lúc đó con còn quá nhỏ.
“Tôi cũng phải bắt đầu với những gì căn bản nhất đó là học tiếng Anh, nhưng thời gian đầu cũng không biết học tiếng Anh ở đâu, không biết chỗ nào dạy vì sau thời gian ở nhà quá lâu, thông tin quá ít nên thời gian đi tìm hiểu thông tin lại rất vất vả. Rồi cũng phải đi lòng vòng hỏi thăm không biết bao nhiêu nơi trong khi tiếng Anh thì rất hạn chế.
“Mặc dù có trợ cấp chính phủ nhưng đó là số tiền cũng rất khiêm tốn, chỉ đủ trang trải những gì căn bản nhất. Có những ngày không thể ra đường vì không có tiền.
“Bây giờ nghĩ lại tôi cũng không nhớ vì sao có thể vượt qua, chỉ biết rằng cứ đi tìm thì sẽ tới. Khi học xong tiếng Anh rồi thì lại học tiếp những khóa khác để tìm việc. Khi học xong khóa tiếng Anh tôi cũng bắt đầu có việc làm ở nhà hàng, rồi làm thêm việc giao hàng, dần dần cơ hội đến mình tìm được việc tốt hơn đúng với ngành nghề mình học hơn.
Source: Pixabay
Chuyện những người phụ nữ sợ không dám trở thành mẹ đơn thân dù bị bạo hành không hiếm gặp. Chị Phạm Bích Thủy đến từ Hội Phụ nữ Á Châu cho biết chị đã gặp nhiều trường hợp phụ nữ do chồng bảo lãnh sang Úc phải lệ thuộc chồng, không bạn bè, người thân xung quanh, nên có rất nhiều nỗi sợ: sợ không được nuôi con, sợ bị trục xuất, sợ không biết phải làm gì nếu bị đẩy ra khỏi nhà.
“Mặc dù ở đây có chính phủ trợ cấp nhưng số tiền đó rất hạn chế, nên người phụ nữ bắt buộc phải có việc làm mới có thể đủ tiền cáng đáng cuộc sống,” chị Thủy nói.
Chị Nguyễn T. H. là một người mẹ đơn thân 35 tuổi sống ở Sydney. Chị ly hôn vì bị chồng bạo hành khi con mới 3 tháng tuổi, thế nhưng để trở thành một người mẹ đơn thân chị phải trải qua một quá trình dài đầy đau đớn và nước mắt.
“Tôi trốn ra khỏi nhà lần đầu nhưng cảnh sát bắt con lại để giao cho chồng. Tôi sợ phải xa con nên phải chấp nhận sống tại nhà. Chỉ đến khi đi học, ngồi trong lớp bất chợt nghĩ đến chuyện của mình và đột nhiên khóc, giáo viên mới hỏi chuyện, rồi ở trường họ hướng dẫn, tư vấn nói tôi phải chuyển ra khỏi nhà ngay lập tức.
“Họ giới thiệu đến một Hội Phụ nữ. Ở đó người ta giúp tôi làm giấy tờ lên tòa án để xin được nuôi con đồng thời giúp tôi tìm một nơi ở tạm.”
Cũng giống như chị Đ., chị H. kể thời gian đầu cực kỳ vất vả và nhiều nỗi lo khi tiếng Anh hạn chế, không có việc làm, không người quen nương tựa, tất cả chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của chính phủ và Hội Phụ nữ.
“Tôi cũng được nhận trợ cấp Centrelink nhưng cũng phải rất tằn tiện với số tiền ít ỏi đó. Sau đó Hội phụ nữ hướng dẫn cho tôi đi học các khóa học để có thể tìm việc làm như tiếng Anh rồi học về housekeeping. Rồi tôi cũng đi làm để có thêm thu nhập.”
Hiện giờ chị H. đã có công việc, đồng thời đóng góp lại bằng cách hoạt động thiện nguyện tích cực tại các trung tâm cộng đồng và Hội phụ nữ của người Việt.
Sợ mất thể diện, sợ điều tiếng
“Đã được chồng bảo lãnh sang Úc, ai cũng nghĩ mình có cuộc sống tốt đẹp, nên bây giờ mà ly hôn rồi quay về, thế nào cũng có người hỏi ‘ủa sao tưởng đi Úc sướng lắm, sao lại về’, rồi không biết ăn nói với gia đình, người thân ở Việt Nam thế nào.”
Đó là tâm sự chung của các bà mẹ đơn thân ở Úc khi được hỏi về nỗi sợ lớn nhất khi quyết định ly hôn.
Ở Úc, việc ly hôn là quyền tự do của mỗi người, ít ai lời ra tiếng vào hay chê bai trách móc, thế nhưng đối với những người vợ được chồng bảo lãnh sang Úc, họ sợ làm cho gia đình ở quê nhà lo lắng, buồn phiền, sợ người ở nhà hiểu lầm và không ủng hộ. Đó là một trong những lý do cản trở quyết định ly hôn.
Làm sao nuôi dạy con?
Thế nhưng vì con, có lẽ người mẹ nào cũng có thể hi sinh bản thân, có thể chịu khổ cực đi làm, nhưng điều mà chị Bích Thủy cho rằng nỗi sợ lớn nhất là làm sao nuôi dạy con cái nên người khi trong gia đình thiếu vắng người cha.
Một phụ nữ sau khi ly hôn, người con gái của chị đã theo bạn bè rủ rê để vào siêu thị ăn cắp đồ. Sau khi bảo lãnh con từ đồn cảnh sát về, trong lúc nóng giận chị đã tát con. Con gái của chị này sau đó đã đến cảnh sát để thưa kiện ngược lại mẹ. Chị Thủy sau đó đã phải nhờ đến Hội Phụ nữ để can thiệp giúp bảo lãnh.
Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà Hội Phụ nữ Á Châu tiếp nhận giúp đỡ tư vấn cho người mẹ đơn thân ở Úc phải trải qua trong quá trình nuôi dạy con, khi con cái bước vào tuổi vị thành niên mà thiếu vắng nhiều sự quan tâm từ cha mẹ.
Hay như chị Đ., chị biết con cái luôn chênh vênh khi cuộc sống không có đầy đủ cha mẹ, đôi lúc cần có người cha nói chuyện với con nhưng chị không thể làm được điều đó, nhất là khi con cái bước vào tuổi dậy thì.
Lúc nào chị cũng phải đứng trước lựa chọn mà không lựa chọn nào hoàn hảo. Nếu tập trung học và làm để có tiền thì không có thời gian nhiều cho con, nhưng nếu ở nhà dành thời gian cho con thì lại không thể đủ tài chính, và cách nào cũng không ổn thỏa.
“Nhưng điều an ủi tôi là con cái chưa bao giờ trách tôi chuyện ly dị, thậm chí còn nói sao mẹ không bước ra sớm hơn. Cho đến giờ tôi vẫn mừng vì quyết định ly hôn là quyết định tốt nhất cho tôi và cả cho con.”
Can đảm tìm kiếm hạnh phúc cho mình
“Mình sẽ không bao giờ biết được giới hạn bản thân khi bị đẩy vào chân tường, lúc đó con người sẽ có những khả năng kỳ diệu.”
Cả chị Đ. và chị H., giờ đây sau nhiều năm ly hôn đã có thể tự hào rằng mình vẫn luôn đứng vững trên đôi chân của mình sau bao sóng gió. Chị Đ. từ một người lúc nào cũng cần thông dịch giờ chị đã có thể đi thông dịch lại trong các sự kiện của cộng đồng, và con cái đã lớn nên chị cũng có nhiều thời gian đi làm nhiều việc hơn.
“Mình sẽ không bao giờ biết được giới hạn bản thân khi bị đẩy vào chân tường, lúc đó con người sẽ có những khả năng kỳ diệu,” chị Đ. nói.
“Tôi cho rằng những người lấy lý do vì con mà không chịu ly hôn là sai, thực ra họ vì bản thân họ nhiều hơn. Họ sợ người ngoài nhìn vào phán xét, sợ bắt đầu lại từ đầu, sợ phải một mình bươn chải, sợ không biết sẽ làm gì nếu bị đẩy ra đường.
“Nhưng tất cả đều là do ý chí của mình. Lúc đó chỉ nghĩ rằng nếu không làm thì ba má sẽ buồn, và sẽ không lo được cho con, nên có lẽ vậy đã cho tôi sức mạnh để dốc toàn lực vào việc học, bằng mọi giá phải học cho tốt để đi làm.”
Bản thân chị Bích Thủy cũng là một bà mẹ đơn thân hơn 10 năm. Chị ly hôn khi hai con chị đã lớn, một học trung học và người con trai học lớp 7. Điều an ủi lớn nhất của chị Thủy là giờ đây hai con của chị đã trưởng thành và thành công trong sự nghiệp, người con gái là nhà thiết kế thời trang, còn người con trai là giáo viên trung học. Bản thân chị cũng là một nhân vật rất tích cực trong Hội phụ nữ Á Châu, thường xuyên tổ chức các buổi học và sinh hoạt cho phụ nữ di dân, đặc biệt những người mới đến.
“Tôi vẫn luôn tin rằng mình đã quyết định đúng khi ly hôn, vì nếu tiếp tục sống trong tình cảnh đó sẽ không bao giờ tốt cho con cái. Con cái của tôi bây giờ vẫn ủng hộ mẹ.”
Một hoạt động nhân ngày 8/3 của Hội Phụ nữ Á châu Source: Supplied
Mẹ đơn thân không phải là một trào lưu
Có lẽ chẳng một phụ nữ nào lại muốn gồng mình chứng tỏ mạnh mẽ có thể nuôi con một mình, nhất là đối với những phụ nữ phải sống nơi xứ người. Nếu được chọn chị Đ. vẫn luôn ủng hộ những gia đình có đầy đủ cha mẹ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là phụ nữ chấp nhận sống với chồng vì con cái trong khi tình cảm đã hết.
“Dù tôi vẫn tin quyết định ly hôn của mình là đúng, nhưng tôi không bao giờ ủng hộ chuyện ly hôn. Chuyện ly hôn là chuyện bất đắc dĩ và nếu điều đó tốt cho con thì mình mới làm. Còn những người đề cao cuộc sống mẹ đơn thân từ đầu thì nên suy nghĩ lại cho đứa trẻ. Có thể bản thân mình không cần đàn ông, nhưng chắc gì đứa trẻ đã không cần cha.”
Trong ngày Quốc tế Phụ nữ, chị Thủy nói niềm vui nhất của mình là thấy con cái thành đạt, hạnh phúc, bản thân mình lúc nào cũng bận rộn với các chị em, các hoạt động của hội, và sức khỏe vẫn tốt. Nên chị thấy đó là điều hạnh phúc rồi, chứ chuyện tặng hoa hay quà chỉ là chuyện phù phiếm và không thiết thực.
Vẫn giữ được tinh thần lạc quan chị Thủy nói:
“Cả năm trời đàn ông không có ngày nào dành cho họ, còn phụ nữ mình thì có ngày 8/3, như vậy là mình lời rồi, chứ đàn ông họ có ngày nào đâu.”
Còn chị Đ. thì nói chỉ đến khi nào phụ nữ không nhớ đến ngày 8/3 là ngày gì thì lúc đó mới thực sự là bình đẳng. Một khi mình còn đòi quà tức là mình đã không bình đẳng rồi, chỉ khi nào không cần đòi hỏi gì cho ngày 8/3 tức mới thực sự bình đẳng.