Mục tiêu xử lý 80% đơn xin nhập tịch trong vòng 80 ngày của Bộ Di trú có vẻ như đã không thực hiện được, sau khi một cuộc kiểm toán về hiệu suất làm việc cho thấy, Bộ này chỉ xử lý được trong năm tài chính vừa qua.
Trong số 15% đơn xin nhập tịch này, gần như tất cả được đánh giá là “không hợp lệ”, trong khi các hồ sơ còn lại mất tới 337 ngày để xử lý.
Đơn cử, Bộ Di trú mất tới 422 ngày để đưa ra quyết định về một hồ sơ với độ phức tạp “thấp”, nghĩa là có tới 413 ngày không làm gì cả.
Đánh giá của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Úc (ANAO) xác định Bộ Di trú đã làm việc không hiệu quả về mặt thời gian cũng như nhân lực, và cho thấy “sự suy giảm về hiệu suất xử lý”.
ANAO bắt đầu xem xét các quy trình của Bộ Di trú sau khi nhận được một số khiếu nại từ Văn phòng Thanh tra Liên bang, Hội đồng Người tị nạn Úc, các dân biểu và một số người khác về thời gian xử lý đơn xin nhập tịch.
Đơn xin nhập tịch của các thường trú nhân chiếm khoảng 92% trong số 259,815 hồ sơ của năm ngoái, bên cạnh đơn xin hưởng quốc tịch, nhận con nuôi, và tái nhập tịch.
“Thời gian xử lý gia tăng cũng như sự chậm trễ kéo dài, kể từ khi các hồ sơ được nộp cho đến khi quyết định được đưa ra về việc có được cấp quốc tịch hay không,” báo cáo cho biết.
“Thời gian chờ là đáng kể đối với cả các hồ sơ phức tạp lẫn không phức tạp, được Bộ này tiếp nhận để chờ xử lý.”
Hầu hết các đơn xin nhập tịch đến từ các di dân lành nghề với hồ sơ đầy đủ và không phức tạp, theo cơ quan này cho biết. Các hồ sơ với mức độ phức tạp cao và trung bình chỉ chiếm khoảng 5%.
Những thay đổi về Luật quốc tịch Úc hồi năm ngoái cũng khiến cho số hồ sơ xin nhập tịch tăng vọt.
Tuy nhiên, bản báo cáo kết luận rằng Bộ Di trú đã chậm áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện hiệu suất làm việc, không đặt ra các chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) để cho quốc hội và các bên liên quan giám sát, cũng như không có biện pháp kiểm soát chất lượng đối với các quyết định liên quan đến hồ sơ nhập tịch.
“Việc thiếu các chỉ số đo lường hiệu quả công việc đối với thời gian xử lý hồ sơ, có nghĩa là quốc hội và các bên liên quan không nhận được các thông tin minh bạch và hữu ích, nhằm buộc Bộ Nội vụ phải chịu trách nhiệm về hiệu suất làm việc của mình,” ANAO cho biết.
ANAO đã đưa ra ba khuyến nghị, tuy nhiên Bộ Di trú chỉ chấp nhận một khuyến nghị về việc cải tổ mô hình tài trợ đối với các hoạt động liên quan đến quốc tịch. Bộ này nói rằng họ “luôn ưu tiên [an ninh quốc gia và sự an toàn của cộng đồng] hơn là tốc độ”.
Bên cạnh đó, Bộ Di trú cũng viện dẫn lý do rằng số trường hợp bị từ chối quốc tịch đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua, khiến cho họ phải tốn thời gian và nhân lực để điều tra. Bộ cho biết họ đã dành “các nguồn lực đáng kể” nhằm giải quyết 41 trường hợp bị tước quốc tịch Úc kể từ năm 2014 vì lý do an ninh quốc gia và an toàn cộng đồng.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại