Cơ quan bảo vệ người tiêu thụ ở tiểu bang Tây Úc cho rằng xu hướng này trực tiếp liên quan với tình cảnh suy thoái kinh tế, khi càng nhiều người kiếm việc làm trên internet hơn, tạo ra ‘thời thế’ cho bọn lừa đảo.
Brandon Nunn, 21 tuổi, ở Victoria Park, bị đánh cắp thông tin cá nhân của mình trong quá trình nộp hồ sơ ứng tuyển trên trang mạng chuyên về tuyển dụng SEEK.
Anh Nunn trả lời một quảng cáo mà anh cho là hợp pháp, hợp lý, tuyển học việc nghề thợ cơ khí diesel với công ty khai thác mỏ khổng lồ Rio Tinto.
Sau đó anh nhận email trả lời đi kèm với mẫu tuyển dụng để điền chi tiết, đủ thuyết phục để anh gửi bản sao của các loại giấy tờ: passport, bằng lái xe, mã số thuế, và giấy phép đặc biệt lái xe nâng hàng.
“Không bao giờ gửi tiền hoặc hàng hóa điện tử thay mặt cho một người nào khác. Đó không phải là cách kiếm tiền. Đó là cách để tự làm mình bị bỏ tù” Delia Rickard, ACCC
Chờ lâu không nghe tin tức gì, anh gọi đến Rio Tinto, khi đó mới phát hiện ra quảng cáo tuyển dụng là lừa đảo.
“Tôi thấy chột dạ. Thông tin cá nhân của tôi rơi vào tay ai?” anh Nunn nói với ABC.
“Những người nộp hồ sơ ứng tuyển công việc đó, đều nghĩ đó là công việc trong mơ. Rồi hóa ra chỉ là mây khói và bị đánh cắp thông tin cá nhân.”
“Càng ngày những trò đánh cắp chi tiết cá nhân càng tinh xảo”.
Rio Tinto cho biết họ đã ngay lập tức có hành động để loại bỏ các quảng cáo học việc giả mạo này trên SEEK và Gumtree khi biết chuyện.
Công ty này cũng cho biết họ vừa để những thông tin về các vụ lừa đảo tuyển dụng này lên trang mạng của mình để cảnh báo những người đi tìm việc.
Trong lúc chưa có thêm tin tức gì về vụ đánh cắp chi tiết cá nhân, nhóm hỗ trợ quốc gia cho biết, thông tin mà anh Nunn đã cung cấp đủ cho những kẻ lừa đảo làm mọi thứ, từ việc vay một món nợ lớn đến việc mua hàng hóa ký sổ nợ dùng danh nghĩa của anh Nunn.
“Đừng nhận bất kỳ công việc có thể ngồi làm ở nhà nào nếu bạn phải chi tiền ra trước để mua thứ gì đó. Một lần nữa, chắc chắn đó là trò lừa đảo” Delia Rickard, ACCC
Hầu hết các vụ lừa đảo trong quá trình tìm việc làm xảy ra trên điện thoại di động, email và các trang web miễn phí, nhưng Phó chủ tịch Delia Rickard từ Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng ACCC cho biết những kẻ lừa đảo liên tục thay đổi kỹ thuật của họ.
“Đó là một xu hướng, chúng ta bắt đầu thấy những kẻ lừa đảo tìm kiếm con mồi qua quảng cáo tuyển dụng trên các trang web hợp pháp như SEEK”, bà nói.
SEEK là trang mạng tuyển dụng lớn nhất tại Úc với hơn 140 ngàn công việc mới và 2.8 triệu người ghé thăm website này mỗi tháng.
Công ty cho biết mỗi quảng cáo tuyển dụng được kiểm tra thông qua một hệ thống tự động, và cũng có nhiều quảng cáo có “người kiểm” thông qua một đội ngũ an ninh chuyên dụng của họ.
Phát ngôn nhân của SEEK, Kendra Banks nói khả năng vô cùng hiếm hoi mới có một quảng cáo đáng ngờ lọt lưới.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo đảm thông tin cá nhân của các ứng cử viên an toàn nhất có thể”, cô nói.
“Chúng tôi luôn đầu tư để giữ mình hàng đầu trong việc đó, vậy nên chúng tôi rất bực bội trước những trò tinh xảo của các tin tặc và các chiến lược và kỹ thuật mà những kẻ lừa đảo cố gắng sử dụng.”
Thống kê cho thấy các vụ lừa đảo trong quy trình tìm việc làm các hình thức đang gia tăng.
“Tôi thấy chột dạ. Thông tin cá nhân của tôi rơi vào tay ai? Càng ngày những trò đánh cắp chi tiết cá nhân càng tinh xảo” Brandon Nunn
Tại Tây Úc, ScamNet nhận được thông báo 48 vụ lừa đảo việc làm trong năm tài khóa 2015/2016 so với chỉ 32 vụ trong 2014/2015.
Trên toàn quốc, số tiền bị mất trong các vụ lừa đảo việc làm cũng gia tăng. Trong năm 2016, tính đến thời điểm này, số tiền đã mất vào các vụ lừa đảo là $745,067 đôla, so với nguyên năm 2015 là $952,742 đôla.Quyền Ủy viên Bảo vệ người tiêu thụ Tây Úc, David Hilliard trích dẫn trường hợp của một nhóm các du khách ba lô ngoại quốc, bị ‘đem con bỏ chợ’ giữa Perth sau khi ứng tuyển công việc hái nho ở một cơ sở làm rượu trên trang mạng Gumtree.
Các cơ quan chính phủ không bao giờ yêu cầu chuyển tiền bằng cách chuyển khoản Source: Pixabay
“Những người này đã phải trả trước tiền đi lại và nơi ăn chốn ở của họ bằng cách chuyển khoản ngân hàng, và được thông báo là hãy tìm đến một khách sạn, sẽ có xe bus đến rước lúc 7g sáng Chủ Nhật. Có 14 – 15 người đã đến.
“Nhưng không có xe bus nào, không có việc làm, chỉ là một trò móc túi”.
Các vụ tuyển dụng lừa tiền này đang gia tăng ở Tây Úc, và tổng số tiền những người đi tìm việc đã mất vào tay bọn lừa đảo đã nhiều hơn gấp đôi năm ngoái, $759,400 đôla trong 2015-16.
Bà Delia Rickard từ ACCC cho biết trách nhiệm kiểm soát nội dung các quảng cáo việc làm thuộc về các công ty mạng đăng tuyển dụng, nhưng việc giáo dục người dân cảnh giác là điều quan trọng.
“Trước hết, không bao giờ gửi tiền hoặc hàng hóa điện tử thay mặt cho một người nào khác. Đó không phải là cách kiếm tiền. Đó là cách để tự làm mình bị bỏ tù”, bà nói.
“Thứ hai, đừng nhận bất kỳ công việc có thể ngồi làm ở nhà nào nếu bạn phải chi tiền ra trước để mua thứ gì đó. Một lần nữa, chắc chắn đó là trò lừa đảo.”