Sau khi các trại tị nạn ở Đông Nam Á đóng cửa - Galang năm 1996, Thái Lan năm 1997, Philippines năm 1997, Hồng Kông năm 2000, Bidong 2001 - một số thuyền nhân đã trốn ở lại Thái Lan.
Năm 2006 hai tổ chức của người Việt VCF (Vietnamese Canadian Federation) và VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment) đã vận động chính phủ Canada nhận các thuyền nhân Việt Nam còn kẹt lại Thái Lan.
Cuối cùng trên 100 người đã được chính phủ Canada nhận sau nhiều năm sống ở Thái Lan trong tình trạng vô tổ quốc. Nhóm người đầu tiên đến Canada vào năm 2014, và gia đình cuối cùng đến vào năm 2017.
Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của chương trình này, cộng đồng người Việt tại Bắc Mỹ và hải ngoại đã bắt đầu chỉ trích cách VOICE nhận đơn.
CBC trích dẫn các cựu thuyể̀n nhân đã đích thân gặp những người còn kẹt ở Thái Lan - những người quả quyết họ xứng đáng được giúp đỡ cho đi định cư.
Đài truyền hình truyền thanh quốc gia Canada CBC cáo giác có ít nhất 5 người trong số này không có vẻ hội đủ điều kiện để được nhận.
CBC đơn cử trường hợp của ông Võ Văn Dũng, 57 tuổi, đến Toronto năm 2016, trước đó điều hành một cơ sở kinh doanh tour du lịch có hướng dẫn viên.
Ông Dũng không hề che dấu công việc của ông tại Công ty Lữ Hành Đỏ Sài Gòn (Saigon Red Travel Company Limited) cung cấp các tour du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan.
CBC cũng nêu trường hợp của bà Trương Lan Anh đến Canada vào năm 2016, tuy nhiên hồ sơ kinh doanh của một công ty lữ hành thành lập tại Việt Nam cho thấy bà là chủ sở hữu của công ty này từ năm 2012.
CBC cho biết họ đã nói chuyện với hai trong số những người sống gần biên giới Thái Lan đã không được đưa vào danh sách của VOICE.
Ông Phạm Tý cho biết ông đến Thái Lan vào năm 1991 và gần 30 năm sau ông vẫn đang sống tại một thị trấn gần biên giới Thái Lan, Campuchia.
Ông Tý nói với CBC ông đã nộp đơn cho chương trình tái định cư Canada nhưng không được chọn và không được giải thích tại sao.
CBC đã nêu các trường hợp mà dư luận cho rằng không đủ điều kiện để đi Canada với luật sư Trịnh Hội, người đồng sáng lập VOICE, thì ông cho biết không có luật nào nói những người tị nạn "không thể trở lại Việt Nam và thăm quê hương mình."
Theo chương trình nhân đạo đặc biệt thỏa thuận giữa Canada và Thái Lan vào lúc đó thì muốn hội đủ điều kiện phải rời khỏi Việt Nam trong khoảng từ 1984-1991, nhưng không hề nêu cụ thể rằng người nộp đơn với chương trình này phải sống liên tục tại Thái Lan.
Ông Hội khẳng định với CBC các hồ sơ được nộp cho chính phủ Canada đều hội đủ điều kiện theo hiểu biết của ông và rằng công việc của VOICE không làm việc xét duyệt mà chỉ đề nghị để chính phủ Canada quyết định.
Ông Hội phủ nhận ông hay hội nhóm của mình đã làm bất kỳ điều gì mờ ám như một số dư luận người Việt ở hải ngoại tố cáo.
Một trong một trong năm thành viên của Hội Đồng Quản Trị VOICE, MC Nam Lộc viết trên blog rằng ông "rất mong chính phủ Canada sẽ có một cuộc điều tra sâu rộng để giải tỏa mọi lời đồn đoán thiếu trung thực, đồng thời bạch hóa những việc làm hợp pháp của VOICE".
Một nguồn tin từ chính phủ Canada xác nhận với CBC rằng Cơ quan Dịch Vụ Biên Giới Canada (CBSA) đang điều tra các vi phạm có thể đã xảy ra.