Có lẽ đây là lần đầu tiên dưới chế độ chính trị một đảng xảy ra những cuộc biểu tình lớn trên phạm vi rộng khắp như vậy. Liên tục từ tháng 6 qua tháng 7, từ khắp các thành phố ở Việt Nam như Bình Dương, Mỹ Tho, Phan Rí, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Đak Lak, Nghệ An, Hải Dương…cho đến những thành phố trên thế giới nơi có người Việt sinh sống.
Và dù cho đã có nhiều bắt bớ và đàn áp khiến những người dân trong nước không thể ra ngoài xuống đường biểu tình, thì điều đó cũng không thể ngăn cản những người Việt ở hải ngoại lên tiếng. Ngày 7 tháng 7 hôm nay, là ngày Tổng Biểu tình của người Việt trên toàn thế giới. Hoà cùng không khí đó, CĐNVTD ở Úc châu cũng đã tề tựu tại Canberra để biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam.
Dù thời tiết ở Canberra khá lạnh và có mưa, nhưng điều đó không làm giảm sự nhiệt huyết của người tham gia. Cuộc biểu tình ngày hôm nay tại Canberra được biết thu hút khoảng 5,000 người tham gia.
Có mặt tại cuộc biểu tình, phóng viên Mai Hoa của SBS Việt ngữ đã có cuộc trò chuyện với một số người tham gia.
Một khán giả ở Sydney cho biết cô trước đây chưa từng đi biểu tình và cũng không thích đi biểu tình, nhưng từ ngày biết được chính quyền Cộng sản VN chuẩn bị thông qua Luật Đặc khu Kinh tế, mà theo cô đó là hành động bán nước, thì cô đã bắt đầu có nhận thức chính trị và cùng mọi người xuống đường biểu tình phản đối.
Vị thính giả này bày tỏ
“Em rất thương người dân trong nước, trong đó có cả gia đình của em. Người dân trong nước bị bắt bớ, đánh đập mà họ còn dám xuống đường bày tỏ chính kiến, thì cớ gì mình ở trong một đất nước tự do mình lại không thể làm được chuyện đó để ủng hộ người dân trong nước.
“Em chỉ lo cho gia đình còn ở Việt Nam có khả năng bị ảnh hưởng, còn đối với em, nếu về Việt Nam họ không cho nhập cảnh thì thôi. Điều em sợ nhất là người dân trong nước, con cháu mình sau này sẽ trở thành nô lệ cho Trung Quốc.”
"Qúa trình tranh đấu là một quá trình lâu dài"
Trước đó, dù cho đã có nhiều lời phản đối, nhưng Quốc hội Việt Nam vẫn đồng loạt thông qua Luật An Ninh Mạng vào ngày 12 tháng 6 năm 2018. Và dù theo lời Chính phủ Việt Nam, luật An Minh Mạng được lập ra nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho người sử dụng mạng và không hạn chế quyền tự do, dân chủ của công dân; thế nhưng từ lúc luật này được thông qua, nhiều người dùng mạng xã hội và các blogger đã lên tiếng báo cáo về hiện tượng nhiều trang bài bị chặn, bị xoá một cách khó hiểu.
Đồng thời, trong Luật An minh mạng có điều khoản xử lý các cá nhân xúc phạm hoặc phát tán những nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; điều đó, theo các luật sư trong nước giải thích, đạo luật này có thể “dễ bị lợi dụng để xâm phạm các quyền con người”, “cản trở tiến bộ xã hội” và “kìm hãm phát triển kinh tế”, "gây hại cho nhà nước pháp quyền" và "phá vỡ nhiều cam kết quốc tế của Việt Nam".
Một người tham gia biểu tình, ông Hồng – 59 tuổi – bày tỏ sự lo ngại:
“Đó là một mất mát to lớn của người dân. Nếu quan sát tiến trình phát triển của các quốc gia trên thế giới thì Việt Nam với Luật An ninh Mạng đã tước quyền được nghe, được nhìn, được nói của người dân. Như thế, chính phủ không đã tước hoàn toàn quyền căn bản của con người, và nếu vậy thì Việt Nam đi ngược lại luật phát triển của xã hội loài người và sẽ trở về thời kỳ tăm tối.”
Ông Hồng cũng cho rằng đây là một cơ hội hiếm có khi toàn dân Việt Nam cả trong nước lẫn thế giới đều đồng lòng lên tiếng, thì người dân phải nhân cơ hội này để tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền của họ.
“Tôi tham gia biểu tình lần này là nhằm cổ vũ cho sự phản đối của người dân ở Việt Nam. Tôi cho rằng đây là cơ hội cuối cùng, một cơ hội ngàn năm có một khi mà người dân toàn thế giới cùng nhau lên tiếng, ủng hộ cho người dân trong nước đã phải chịu kềm kẹp suốt bao năm qua. Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội này thì sẽ khó có lại. Vì vậy chúng ta nhân cơ hội này phải liên tục biểu tình và lên tiếng để người dân trong nước có thêm sức mạnh tiếp tục đứng lên, nếu không sẽ không còn cơ hội lần nữa.”
“Quá trình tranh đấu là một quá trình rất lâu dài, nhưng trước mắt người dân phải lên tiếng nói biểu lộ cho chính quyền Cộng sản biết rằng họ có quyền của họ.
“Tất nhiên chẳng ai muốn có đổ máu, nhưng nếu trong trường hợp người dân bị tước mất nhân quyền mà chính quyền không đáp ứng thì có lẽ người dân phải dùng đến những phương cách đẫm máu hơn”
"Lo sợ Việt Nam có thể trở thành Bắc Hàn thứ hai"
Người dân cho rằng Luật An Ninh Mạng gần như là được áp dụng y hệt từ luật của Trung Quốc. Tất cả những chính sách của chính quyền Việt Nam hiện tại đều áp dụng hoàn toàn từ Trung Quốc. Ngay cả chuyện đàn áp người dân thì Việt Nam cũng học hỏi và bắt chước cách thức mà Trung Quốc đã làm.
"Luật An Ninh Mạng dập tắt sự biểu đạt, kiểm soát mạng xã hội, cắt đứt sự kết nối trong và ngoài nước trong việc lên tiếng, trong việc tập hợp sức mạnh toàn dân. Lúc đó những việc làm sai trái của nhà cầm quyền sẽ không còn ai có thể lên tiếng phản đối được nữa," ông Hồng nói.
Một người tham gia biểu tình khác, ông Đức, 51 tuổi, có sự nhận định:
“Tôi nghĩ hình thức cho thuê đất thực chất là hình thức giao đất cho Trung Quốc, do đó chuyện phản kháng ở Việt Nam là hợp lý và chúng ta nên ủng hộ chuyện phản kháng.
“Tôi hoàn toàn phản đối luật An ninh mạng , vì đó là cách chính quyền Việt Nam kềm chế người dân ko nghe được thông tin bên ngoài và người bên ngoài không đưa được thông tin vào Việt Nam
“Điều này có thể dẫn đến chuyện Việt Nam một ngày nào đó sẽ trở thành một Bắc Hàn thứ hai, người dân không thể biết được chuyện bên ngoài và hoàn toàn lệ thuộc vào thông tin một chiều từ chính phủ. Khi đó chính phủ muốn giao đất cho ai thì giao, muốn bán cho ai thì bán."
Có những ý kiến cho rằng dù giống Trung Quốc, và ở Trung Quốc khi chính quyền đã áp dụng luật an ninh mạng thì người dân vẫn sống mỗi ngày. Thế nhưng theo anh Đức thì “người dân Trung Quốc vẫn sống và ko có quyền hạn như những người phương Tây được hưởng mặc nhiên. Họ sống như thú vật, chỉ được ăn chứ không có nhân quyền.