Cú sốc tăng lãi suất căn bản của Ngân hàng Trữ kim hôm 2/5, lên tới 3.85% không chỉ khiến nhiều chủ nhà đang gánh một khoản vay mua nhà cảm thấy kinh hoàng, mà những người đang thuê nhà cũng sắp lâm vào cảnh “cháy túi”.
Mai Nguyễn là một nhân viên bán hàng, cô làm toàn thời gian 5 ngày/tuần và có một con trai nhỏ học cấp 1. Nếu người ta thường nói “3 lần chuyển nhà bằng 1 lần cháy nhà” thì Mai chính là người mà chỉ trong chưa đầy hai năm vừa qua, đã phải chuyển nhà 3 lần. Mai nói với SBS Việt ngữ:
“Lần đầu tiên em chuyển đến Cronula, sống trong một căn hộ nhỏ nhưng thoáng, giá cả phải chăng. Sau đó chủ nhà muốn bán nhà nên hai mẹ con em bị đẩy ra đường. Họ cho biết trước 30 ngày nhưng vì trước đó họ đã có sửa sang trong nhà nên em cũng đoán biết được họ sắp bán và cũng chuẩn bị tinh thần. Sau đó hai mẹ con em dọn qua vùng Caringbah, cũng mướn một unit nhỏ với giá 480 đô la/tuần. Ở chưa được bao lâu thì chủ nhà cũng muốn bán nhà nên em phải chuyển ra. Nhưng lần này rất đột ngột. Họ cũng thông báo trước 30 ngày nhưng lại đúng dịp Giáng Sinh và Tết. Em thật sự bị động và trong năm mới, mọi nơi đều đóng cửa nên em phải đi ở nhờ khắp nơi. Sau đó có chỗ thì em chuyển luôn không thể có thời gian để tìm chỗ tốt hơn.”
Mai muốn tìm thuê gần nhà cũ ở Caringbah nhưng sau khi cô bị đẩy ra thì cô không thể thuê được trong vùng này nữa vì giá thuê nhà đã lên quá tầm tay, rẻ nhất là 530 đô la/tuần. Sau khi ở nhờ nhà bạn bè và tìm kiếm khắp nơi, Mai đã tìm được một chỗ gần nơi làm việc, một căn hộ nhỏ hai phòng ngủ ở Balmain. Lần này Mai phải share với người đàn ông đang sống trong một phòng ở căn hộ đó nhưng đã phải trả với giá 350 đô la/tuần cho hai mẹ con. Cô nói:
“Người đang ở cũng vừa mới chuyển vào căn hộ này. Em vào chưa được ba tháng thì nó đã bị tăng giá từ 610 đô la lên 650 đô la/tuần. Từ lần chuyển nhà thứ nhất đến lần thứ ba thì em cảm thấy cái đời sống hưởng thụ về nhà ở của em càng lúc càng thu hẹp lại. Ban đầu thì có ban công, sau thì chỉ có garage, sau đó nữa thì phải sống trên cao hơn, bất tiện hơn. Bây giờ thì chỉ là một căn phòng rất nhỏ chỉ để vừa một cái giường queen và có một tủ ốp tường, không có bàn ghế gì cả. Đồ đạc của con em thì bỏ tạm lên kệ sách ngoài phòng khách. Trừ khi là lúc ăn cơm, nếu không em cũng ít ra đi vào common area.”
Con trai của Mai cũng 3 lần chuyển trường học theo 3 nơi ở mới. Mỗi lần ở chưa đến một năm khiến Mai lo lắng con trai cô bị ảnh hưởng vì cứ chuyển nhà chuyển trường hoài và không có bạn. Mai cho hay hai năm qua cô luôn ở trong trạng thái bất an không biết lúc nào mình phải chuyển đi lần nữa. Cô nói:
“Lần đầu chuyển nhà thì nhờ vả bạn bè rất dễ dàng, lần thứ hai thì không ai giúp mình còn lần thứ ba thì mình phải trả tiền thuê dịch vụ. Nhiều khi đi share nhà với nữ giới rất khó. Không biết người đàn ông share chung có mang người này người kia về không. Họ có uống rượu hay dùng drug gì không. Em nghĩ có những điều mà con em không được chăm lo như bạn bè cùng trang lứa vì ba nó mất sớm. Chỉ có một mình em không có ai đỡ đần. Em phải đi làm nên hầu hết thời gian nhờ người này người kia trông con dùm. Nếu không thì mình nghỉ việc luôn. Bây giờ tạm thời em vẫn đi làm vì người em share phòng họ làm việc ở nhà nên họ cũng ok cho con trai em ở nhà với họ.”
Theo , giá bất động sản cho thuê ở Sydney đã tăng vọt 25,2% trong 12 tháng qua, ở Melbourne là 21,9%, ở Brisbane là 20,8% và ở Perth là 16,3%. Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Đầu tư và Tài chính Nhà ở Quốc gia cho giai đoạn 2022-2023 cho thấy có hơn 330.000 hộ gia đình đang gặp căng thẳng về tiền thuê nhà. Gần 50.000 người đang trải qua tình trạng vô gia cư với tỷ lệ trống trong các ngôi nhà cho thuê giảm vào năm 2022 xuống mức trước đại dịch.
Chị Phương Tất, nhân viên quản lý bất động sản John B Grant cho hay tình hình các nhà thuê ở vùng Tây Sydney đang rất căng thẳng. So với thời COVID thì người miền Tây rất dễ thuê nhà, giá thuê rớt nhiều còn bây giờ không biết tại sao lại thiếu nhà trầm trọng mà theo lời chị nói thì “giá mướn nhà bây giờ lại lên như điên”.
“Chị hiếm khi thấy người Việt đi mướn nhà lắm mà chủ yếu người mình thì mua nhà. Còn đa phần là người Việt chỉ muốn share nhà mà thôi. Có nhiều lý do tại sao người Việt chỉ share nhà với nhau mà ít thuê mướn qua đại lý. Thứ nhất là họ thường không có lịch sử thuê mướn nhà (rental history) được ghi lại nên nhiều chủ nhà sợ không dám cho thuê. Thứ hai là nếu họ đi làm có payslip đàng hoàng thì việc gì cũng dễ, nhưng nếu không có thì mệt lắm. Người mình hay đi làm cash only, nên thường không chứng minh được đủ thu nhập để trả tiền mướn nhà. Và thứ ba là nhiều dân mà gia đình sống chung đông đúc thì họ chứng minh được thu nhập nhiều và mướn được dễ, còn người mình thì sống theo gia đình nhỏ hoặc single nên khi đi thuê không cạnh tranh được với người ta.”
Chị Phương cho hay trong cuộc đời đi làm bất động sản hơn 20 năm qua, chưa bao giờ chị thấy việc thuê mướn nhà lại khó khăn như bây giờ. Nhà để mướn rất ít, chẳng hạn trong tháng 2 – 3 không có một căn nhà nào cho mướn. Tháng 3 – 4 có 3 căn cho mướn thì chỉ trong vòng một đến hai tuần là đã có người vào ở. Chị cho biết số lượng nhà cho mướn ở miền Tây ít đi vì nhiều chủ nhà muốn bán nhà, và mình phải kêu tenant move out. Hoặc bây giờ người ta mua nhà để ở chứ không mua để đầu tư nữa nên không còn nhà trống. Chị nói:
“Hồi xưa căn 2 phòng ngủ chỉ khoảng 300 – 400, bây giờ một granny flat 2 phòng ngủ đã 500 đô la/tuần. Mà người ta giành nhau để được mướn. Mới đây một căn nhà 3 phòng ngủ ở Bass Hill vừa rao 600 đã có đến 19 gia đình đến inspect nhà trong ngày open day, nó vừa được cho thuê với giá 660. Nhiều căn nhà hiện nay lên giá tới 100 đô la/tuần, nhưng tenant không dám dọn ra vì không biết có thể thuê được căn khác không. Có căn 4 – 5 phòng ngủ tăng lên tới hơn 1000 đô la/tuần. Tạm thời không ai có thể kiềm chế sự tăng giá này cả.”
Mặc dù vậy, chị Phương cho hay có những sự thay đổi mới đây khiến việc thuê mướn nhà khó khăn hơn, chẳng hạn đăng ký trước thì mới được coi nhà, sau đó phải có bằng chứng là mình đi coi nhà và nộp đơn thuê nhà thì mới được xem xét. Ngoài ra, trước đây agent có thể gợi ý ra mặt là người thuê phải auction giá thuê cao hơn để được vào ở:
“Như năm ngoái thì vẫn còn được đấu giá lẫn nhau để thuê nhà nhưng luật mới ra chỉ cho phép auction kín đáo và agent không thể nói rõ là người thuê phải trả giá bao nhiêu thì mới thắng. Với tình hình này chị nghĩ phải một năm nữa thì mới dịu xuống, khi nào interest rate xuống bớt”.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy sẽ thiếu 106.000 ngôi nhà vào năm 2027 trên khắp nước Úc do lãi suất tăng vọt, nhập cư tăng vọt, thiếu xây dựng và sự phản đối của cộng đồng đối với sự phát triển đô thị. Trong khi đó, Trung tâm Dân số dự đoán lượng di dân ròng sẽ tăng thêm 268.000 người từ năm 2022 đến năm 2024, với dữ liệu gần đây cho thấy con số này có thể cao hơn đáng kể – làm tăng thêm nỗi đau đầu đã vốn có trên thị trường nhà ở hiện nay.