Key Points
- Số vụ lừa đảo việc làm đã tăng hơn 740% trong năm nay.
- Tổng thiệt hại của người Úc kể từ tháng Một là 20 triệu đô la.
- Những sinh viên đang tìm kiếm công việc bán thời gian và những người muốn kiếm thêm thu nhập một cách linh hoạt là những mục tiêu chính.
Lừa đảo việc làm đang gia tăng và người Úc đang được cảnh báo nên cảnh giác, với mức thiệt hại kể từ tháng Một đầu năm tới nay lên tới 20 triệu đô la.
Tổng trưởng Dịch vụ Tài chánh Stephen Jones cho biết Trung tâm Chống Lừa đảo Quốc gia đã báo cáo số vụ lừa đảo việc làm tăng hơn 740% vào năm 2023.
"Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng những kẻ lừa đảo mạo danh các tổ chức và nhà tuyển dụng chân chính, liên hệ với nạn nhân thông qua lời mời làm việc qua WhatsApp hoặc quảng cáo việc làm trên các nền tảng truyền thông xã hội, như Facebook, Tik Tok và Instagram," ông Jones cho biết hôm thứ Hai.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Úc đang khiến nhiều người phải làm công việc thứ hai trong nỗ lực kiếm sống, với nhiều lời mời sai sự thật được quảng cáo cho những công việc có thể làm tại nhà.
Ông Jones cho biết những kẻ lừa đảo đang nhắm mục tiêu vào những người tìm việc với những lời đề nghị sinh lợi nhuận đáng kể khi hoàn thành nhiệm vụ, lừa những nạn nhân không nghi ngờ giao nộp số tiền khó khăn mới kiếm được của họ.
"Họ thường giúp nạn nhân thiết lập tài khoản trên nền tảng tiền điện tử và yêu cầu họ thực hiện các khóa đào tạo và nhiệm vụ trước khi yêu cầu một khoản tiền gửi đặt cọc vào đó với lời hứa về hoa hồng hoặc tiền thưởng," ông nói.
Chính phủ cho biết sinh viên đang tìm kiếm công việc bán thời gian và những người tìm cách kiếm thêm thu nhập một cách linh hoạt là mục tiêu chính của những kẻ lừa đảo.
LISTEN TO
Warning over 'elaborate ploy' to scam international students in Australia
SBS News
21/09/202304:12
Làm sao để nhận diện lừa đảo
Các dấu hiệu cần cảnh giác bao gồm lời mời làm việc trên các nền tảng nhắn tin như WhatsApp hoặc các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, TikTok hoặc Instagram.
Những dấu hiệu cảnh báo khác là những lời đề nghị về "thu nhập được bảo đảm" hoặc mức lương quá tốt đến khó tin cho công việc trực tuyến với nhiệm vụ đơn giản.
Các vị trí công việc giả thường là các mô hình giống như trò chơi nhằm khuyến khích mọi người kiếm thêm tiền bằng cách hoàn thành nhiệm vụ, giới thiệu bạn bè và gửi tiền vào ứng dụng.
Một phụ nữ đã mất 40.000 đô la sau khi trả lời một bài đăng trên Facebook đề nghị làm việc bán thời gian tại nhà, trong khi một người khác trả 12.000 đô la cho những kẻ lừa đảo cũng dụ dỗ cô trên mạng xã hội.
Mọi người nên liên hệ với ngân hàng của mình ngay lập tức nếu họ cho rằng mình đã bị lừa đảo và báo cáo thông qua Trung tâm chống lừa đảo quốc gia .