Trong 12 tháng qua, Homestay Network, nhà cung cấp dịch vụ homestay chính của Úc, cho biết có sự tăng trưởng 20 phần trăm trong số các sinh viên ngoại quốc tìm kiếm cuộc sống chung với các gia đình người Úc để cải thiện tiếng Anh và có một nền tảng tốt hơn khi bắt đầu cuộc sống ở đất nước xa lạ.
Để hội đủ điều kiện là một chủ nhà homestay, gia đình này phải cung cấp cho sinh viên một nơi chốn để ở miễn phí, ít nhất là một phòng riêng có giường ngủ và bàn học. Bên cạnh đó, gia đình phải chuẩn bị ít nhất hai bữa ăn mỗi ngày và có giấy phép được làm việc với trẻ em còn thời hạn.
Bù lại, gia đình chủ nhà sẽ được một khoản tiền là $1.000 đô la một tháng.
Nhồi nhét sinh viên để kiếm lợi
Trong khi hầu hết các gia đình đều tuân theo nguyên tắc không quá hai du học sinh mỗi hộ gia đình, thì cũng không ít chủ nhà tìm cách vượt quá giới hạn này.
Điều hợp viên homestay ở Queensland, cô Janet đã có kinh nghiệm kết nối du học sinh với các chủ nhà homestay hơn 10 năm nay cho biết, một số gia đình nhận sinh viên quốc tế vô ở để kiếm tiền trả nợ nhà.
Cô nhớ lại một trường hợp chủ nhà "cho đến sáu sinh viên sống chung và homestay trở thành một kiểu doanh nghiệp".
Giám đốc Homestay Network, bà Tina Holland làm việc chặt chẽ với các dịch vụ cung cấp giáo dục, để tìm homestay cho sinh viên quốc tế.
Bà Tina nói đã từng nghe đến homestay dồn hơn sáu học sinh cùng lúc.
"Tôi đã hoàn toàn nhìn thấy nhà như khu nội trú. Chúng tôi đã gửi người đến kiểm tra và chứng kiến họ chuẩn bị chứa 4 đến 6 sinh viên hay nhiều hơn, và chúng tôi đã thẳng thừng từ chối," bà cho biết.
Bà Holland, một mặt nói rằng hầu hết các gia đình đều thực sự quan tâm đến việc trao đổi văn hóa khi cho sinh viên quốc tế ở homestay, mặt khác cũng thừa nhận đã tiếp xúc với những chủ nhà, nhìn homestay như một cơ hội hấp dẫn để biến chính căn nhà mình đang ở thành một thứ thu nhập ổn định.
Bắt ở nhà kho và bỏ đói sinh viên
Phát ngôn nhân của Hội đồng Sinh viên Quốc tế Úc, cô Dorothy Tang cho biết chính mình đã trải nghiệm sự phân biệt đối xử khi gia đình mà cô ở homestay hai năm trước đã không cung cấp "đủ thức ăn" cho cô.
Một du học sinh khác gốc Nepal đang học tiếp thị và tâm lý học ở Melbourne, Lok Wong đăng kí ở homestay nhưng cuối cùng lại phải ở trong tầng hầm của một căn nhà như ký túc xá với bốn sinh viên quốc tế khác.
"Phòng của tôi không thực sự giống như một phòng bình thường, như một cái nhà kho đằng sau garage, không thể mở cửa sổ được”, anh cho biết về ngôi nhà đông đúc mà anh từng ở.
Cùng với bữa ăn rất tệ, và điều kiện sống nghèo nàn, Wong tin rằng đôi vợ chồng già đã cố giảm thiểu mọi chi phí dùng cho sinh viên để bỏ túi càng nhiều càng tốt số tiền $1.000 mỗi tháng.
Wong đã phải chịu đựng nhiều tháng homestay như vậy trước khi ba mẹ anh biết được điều kiện sống quá tệ hại và đề nghị anh ‘dọn ra ngay lập tức’.
Du học sinh torng một buổi tìm hiểu về homestay Source: Homestay Network
Đề ra những luật lệ kì cục
Liam Trần là một du học sinh đến Úc để học chương trình Thạc sỹ sau gần 8 năm học trung học và đại học ở Mỹ.
Thích thú với cơ hội khám phá văn hóa và cuộc sống của một nước đa văn hóa như Úc, anh chọn ở homestay và qua nhà cung cấp dịch vụ, anh được giới thiệu đến ở một ngôi nhà vùng Ashfield, nội ô Sydney.
Nhớ lại ba tuần sống ở đó, anh kể với giọng vẫn còn kinh hoàng: “Ngày đầu tiên, bà chủ nhà cũng niềm nở lịch sự. Nhưng sau đó thì càng ngày càng gay gắt với những luật lệ như không được tắm sau 4 giờ chiều, không được mở đèn, không được coi tivi, không được tạo ra tiếng ồn nào sau 9 giờ tối.”
Liam kể thêm dù trong tiền homestay đã bao gồm hai bữa ăn, nhưng anh đi học về trễ là phải nhịn đói, vì chủ nhà không chừa thức ăn và cũng không cho sinh viên trong nhà tự nấu nướng, và nhà có ba sinh viên khác cùng ở homestay.
Sau ba tuần, Liam đã ‘bỏ của chạy lấy người’.
Ép học Kinh thánh và đi nhà thờ
Một số trường hợp du học sinh còn bị ép buộc đi học kinh thánh và đi Lễ nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật.
Điều hợp viên homestay ở Queensland, cô Janet cho biết một số gia đình xem việc cho sinh viên ở homestay ‘là một cơ hội thay đổi tư duy của du học sinh’.
"Trong vai trò điều hợp homestay, tôi cần nhận biết được những người chỉ muốn tuyển mộ người theo niềm tin tôn giáo của họ”, cô Janet nói.
"Có một trường hợp đặc biệt mà tôi nhớ, đó là chủ nhà buộc sinh viên học Kinh thánh, trá hình là bài học tiếng Anh.
"Một trường hợp khác, chủ nhà buộc sinh viên phải đi nhà thờ với họ mỗi tuần.”
Không luật, không xác định được tư cách chủ nhà
Nhóm các trường công quốc tế Úc (AGSI) thiết lập quy tắc về các tiêu chuẩn cư trú, trách nhiệm của các điều phối viên và gia đình bản xứ, mà các trường phải tuân theo.
Tuy nhiên, nếu các trường quyết định sử dụng các nhà cung cấp homestay thương mại để tìm chỗ ở cho sinh viên quốc tế, các trung gian thương mại lại không bị bắt buộc phải tuân thủ các quy tắc của AGSI.
Bà Holland kêu gọi việc chủ nhà phải có ‘police check’ nên là điều kiện bắt buộc, nói rằng hiện nay "các công ty homestay không có cách nào xác định được lý lịch cũng như hồ sơ của các gia đình nhận sinh viên ở homestay”.
"Tôi nghĩ, bởi vì không có cơ quan nào chính thức của chính phủ quản lý loại hình homestay tại Úc. Tôi ghét phải sử dụng từ 'luật định', nhưng thực sự không có pháp luật quy định nào trong lĩnh vực này cả" bà nói.
Bộ giáo dục tiểu bang Victoria và Queensland, trong thông cáo cho biết họ không nhận được bất kì khiếu nại chính thức nào về homestay.