Cảnh sát Brimbank vào cuộc
Mới đây, vào khoảng 9.45 sáng ngày 27/07/22, một người đàn ông cư ngụ ở Newport, 42 tuổi đã bị bắt vì bán hàng hóa bị nghi ngờ là ăn cắp ở trên đường Alfrieda, vùng St Albans. Đây là khu phố mua sắm đông đúc với nhiều hàng quán của người Việt.
Người đàn ông này dùng một chiếc xe đẩy màu đỏ và đen cùng một chiếc túi giữ nhiệt bằng chất liệu mềm màu xanh để chứa hàng ăn cắp.
Tang vật mà cảnh sát tịch thu gồm có 2 gói thịt bò scotch fillet (có bao bì của siêu thị), 39 hộp kem đánh răng Sensodyne, 22 sản phẩm trang điểm và 6 hộp thuốc glucosamine với tổng giá trị khoảng 800 đô la.
Ổng cứ khều mấy người Việt đi qua lại trên đường rồi chỉ vô cái túi mang theo để chào hàng. Đủ thứ hầm bà lằng như mỹ phẩm, son, thuốc, còn có cả thịt từ Coles.
Trang Facebook của lực lượng cảnh sát Brimbank cho biết: “Cảnh sát quan sát thấy việc trao đổi tiền đang diễn ra. Mặc dù người đàn ông cố gắng chạy trốn nhanh chóng, nhưng cả người mua và người bán đều bị cảnh sát kịp thời bắt giữ.Người đàn ông bị nghi là bán hàng ăn cắp được yêu cầu trình diện tại Tòa sơ thẩm Sunshine.
Trang Facebook của Brimbank Police cho biết người đàn ông được yêu cầu xuất hiện tại Tòa sơ thẩm Sunshine. Source: Brimbank Police
Người mua, là một người đàn ông 59 tuổi ở St Albans, sẽ bị triệu tập đến tòa án vào một ngày sau đó.
Mua hàng ăn cắp - làm xấu hình ảnh khu người Việt
Việc bán hàng ăn cắp diễn ra trên đường phố St Albans diễn ra đã lâu.
Hầu hết những người Việt sống tại St Albans và đi chợ trên con phố Alfrieda cho biết họ không ít lần chứng kiến cảnh tượng mua bán này.
“Có một vài người đàn ông da trắng hay lảng vảng ở đây để bán hàng ăn cắp. Ổng cứ khều mấy người Việt đi qua lại trên đường rồi chỉ vô cái túi mang theo để chào hàng. Đủ thứ hầm bà lằng như mỹ phẩm, son, thuốc, còn có cả thịt từ Coles.
Mình thấy buồn là có rất nhiều người Việt bu lại để xem và mua. Rõ ràng nhìn những mặt hàng đó thì mình đều biết là hàng ăn cắp từ siêu thị. Vẫn còn dán nhãn mác, bao bì ở đó mà”, cô Trân Lê- một người dân sống ở St Albans nói với SBS.
Một số tiểu thương kinh doanh trên con đường này cho biết việc này làm xấu đi hình ảnh của khu dân cư có đông cộng đồng người Việt sinh sống.
Mình thấy buồn là có rất nhiều người Việt bu lại để xem và mua. Rõ ràng nhìn những mặt hàng đó thì mình đều biết là hàng ăn cắp từ siêu thị.
“Làm sao họ biết được thịt đó có tươi hay không? Rồi thuốc đó mình mua ngoài đường, không phải từ hiệu thuốc, không biết trong đó có gì không? Nhìn rất là nhếch nhác, kỳ cục.”, ông Trung chia sẻ với SBS.
Những người bán các mặt hàng ăn cắp này thường nhắm vào những người Việt qua lại trên đường, đánh vào lòng tham - muốn mua những mặt hàng giá rẻ hơn trong siêu thị.
Con phố Alfrieda St là khu kinh doanh sầm uất của người Việt ở St Albans. Source: Trình Lê/SBS
Tiêu thụ hàng ăn cắp là phạm pháp ở Úc
Tại Victoria, một người bị kết tội xử lý hoặc tiêu thụ hàng ăn cắp theo sẽ phải chịu hình phạt lên đến 15 năm tù.
Một người bị kết tội tiêu thụ hàng hóa bị đánh cắp nếu họ nhận hàng một cách không trung thực, khi biết hoặc tin rằng chúng bị đánh cắp.
Có một số cách thực hiện hành vi phạm tội này, bao gồm cả việc mang hoặc hỗ trợ hàng ăn cắp vào Victoria một cách không trung thực. Một người cũng có thể bị kết tội này nếu họ đảm nhận, hỗ trợ hoặc sắp xếp việc lưu giữ, loại bỏ hoặc tiêu hủy hàng hóa bị đánh cắp vì lợi ích của người khác.
Ví dụ về hành vi phạm pháp này bao gồm:
-Mua một chiếc xe đạp từ một người mà bạn biết hoặc tin rằng đã đánh cắp nó.
-Mua máy tính từ một người mà bạn tin rằng đã đánh cắp máy tính và đưa chúng cho người khác.
Cảnh sát cũng phải chứng minh được đây là hàng hóa ăn cắp.
Trong trường hợp cảnh sát không thể chứng minh được người mua hay người bán biết rằng hàng hóa đã bị đánh cắp, một tội danh nhẹ hơn được dùng để xử lý. Hình phạt tối đa theo mục 195 của Đạo luật Tội phạm 1958 cho tội danh này là 2 năm tù.