"Hiện một số người ở Úc sẽ phải làm việc 2 giờ mới mua được hộp 8 lưỡi dao cạo râu" - đoạn phim trên TikTok của cô Vivienne Mitchell mở đầu như thế.
Trong khi một hộp lưỡi dao cạo râu được bán giảm giá 10 đô ở một cửa hàng khác.
Đoạn phim trên đã thu hút hơn 1,7 triệu lượt người xem, được đăng vào đầu tháng 7, nhưng gần đây đã xuất hiện trở lại khi ngày càng có nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ sự tức giận sau khi các siêu thị lớn công bố lợi nhuận hàng năm của họ.
Đoạn phim trên TikTok của Vivienne Mitchell về giá của một hợp lưỡi dao cạo râu Source: ABC Australia / (TikTok: Beep___Yen)
Có rất nhiều bài viết tương tự trên TikTok, Instagram và Facebook phản đối giá cao và kêu gọi tẩy chay hai siêu thị lớn tại Úc.
Giáo sư Gary Mortimer, nghiên cứu gia về tiếp thị bán lẻ và hành vi người tiêu dùng của Đại học Công nghệ Queensland, cho biết phản ứng dữ dội này là không có gì đáng ngạc nhiên trong thời buổi kinh tế khó khăn, lãi suất và lạm phát tăng cao, nhiều gia đình và cộng đồng đang gặp khó khăn.
Coles và Woolworths đều thừa nhận áp lực về chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng đến khách hàng của họ.
Phát ngôn nhân của Cole cho biết chỉ mới tuần trước, Coles tuyên bố giảm giá hơn 500 sản phẩm thiết yếu trong ít nhất ba tháng.
Còn Woolworths cho biết họ đã giảm giá 450 sản phẩm phổ biến và đưa ra 6.000 sản phẩm đặc biệt mỗi tuần.
Dữ liệu mới nhất từ nhà nghiên cứu thị trường IBISWorld cho thấy Coles và Woolworths kiểm soát 65,5% lĩnh vực siêu thị ở Úc.
Tiếp theo là Aldi có trụ sở tại Đức, Metcash sở hữu thương hiệu IGA gồm các cửa hàng do cá nhân sở hữu và điều hành.
Phần còn lại của thị trường được phân chia giữa các công ty nhỏ hơn gồm Costco, Foodworks và Amazon Australia.
Các mẹo mua sắm tiết kiệm
Trong khi đó, người dùng TikTok đã đưa ra các mẹo về cách tiết kiệm hóa đơn hàng hóa như mua từ các nhà phân phối thịt lớn (wholesale), các vựa trái cây và cửa hàng tạp hóa độc lập nơi có thể mua hàng với giá rẻ hơn.
Nhưng nếu bạn không ở gần các cửa hàng đó thì sao?
Những người mua hàng gần đây nói với ABC rằng họ mua sắm tại các chợ địa phương, nấu những bữa ăn cần ít thịt hơn và mua sắm với giá rẻ hơn.
Tổ chức người tiêu dùng CHOICE gợi ý nên tăng cường bữa ăn với các loại đậu, mua rau đông lạnh và đóng hộp, các loại quả mọng đông lạnh và nướng bánh với các loại trái cây quá chín.
Tổ chức từ thiện OzHarvest cũng đề xuất so sánh đơn giá trên các bảng giá, mua thịt khi giảm giá rồi đông lạnh, và cân nhắc mua các sản phẩm từ các thương hiệu không tên tuổi (generic brand).