Bài viết này có liên quan đến tấn công tình dục.
Di dân đến Úc vào năm 19 tuổi, Linh mong muốn có cơ hội để phát triển sự nghiệp.
Nhưng ngành dịch vụ khách hàng của Sydney lại là nơi mà cô và những người lao động nhập cư khác đã báo cáo về tình trạng quấy rối tình dục thường xuyên.
"Khi tôi mặc quần áo rộng đến nơi làm việc, chủ của tôi nói rằng tôi chỉ có thể quay lại làm việc nếu tôi mặc quần áo bó hơn", cô nói.
"Tôi đã bị đuổi về nhà một vài lần mà không được trả lương cho ca làm việc còn dang dở".
Cùng lúc đó, Linh đã phải chịu cảnh ăn cắp tiền lương, và bị các đồng nghiệp nam và khách hàng đụng chạm không phù hợp, hoặc có những bình luận phân biệt chủng tộc.
Cô chỉ có thể nghĩ rằng đó là "một phần của công việc" của mình.
Cuộc khảo sát của Unions NSW cho thấy 75% phụ nữ không trình báo những trải nghiệm của họ vào thời điểm bị xâm hại. Source: SBS
Thay vào đó, Linh đã nói chuyện riêng với một người chủ lớn "được kính trọng". Cô gặp ông ấy để xin thêm giờ làm việc sau nhiều lần yêu cầu tăng ca của cô bị từ chối.
Vào thời điểm đó, Linh đang kiếm được mức lương 15 đô la/ một giờ.
Cô cho biết ông chủ lớn đã phản hồi tích cực và đề nghị đưa cô đến một quán cà phê gần đó để thảo luận. Nhưng sáng hôm đó, Linh đã bị tấn công.
"Trên xe, điều đầu tiên ông ta làm là túm lấy mặt tôi và hôn thẳng vào môi tôi", cô nói.
Sau đó, ông chủ tấp xe vào lề và "đưa tay sờ ngực và chỗ kín của tôi".
Ông ta cũng gợi ý sẽ cho Linh "tiền trợ cấp 50 đô la một tuần" để "hôn, ôm và vui vẻ" với cô ấy.
"Ngay lúc đó, mọi nghi ngờ của tôi đã được xác nhận", Linh nói.
"Ông ta đã lạm dụng tôi. Tôi đã bị chủ của mình xâm hại tình dục".
Linh đã quay lại làm việc vào cùng ngày xảy ra vụ xâm hại, vì "chưa nhận được tiền lương và đã đến hạn trả tiền thuê nhà".
'Bóc lột kinh hoàng tại nơi làm việc''
Một cuộc khảo sát hơn 3,300 phụ nữ nhập cư do Unions NSW công bố vào thứ năm cho thấy hơn một nửa trong số họ đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Sự quấy rối bao gồm các bình luận khiêu dâm, câu hỏi xâm phạm, đụng chạm không mong muốn và tiếp xúc cơ thể không phù hợp.
Bộ trưởng Môi trường NSW Tanya Plibersek, cùng với Bộ trưởng Phụ nữ NSW Jodie Harrison đã công bố báo cáo.
"Tôi ước gì chúng ta có thể nói rằng đây là một vấn đề trong lịch sử mà chúng ta phải kinh hoàng khi nhìn lại. Nhưng không phải vậy", bà Plibersek nói.
"Đây là vấn đề mà phụ nữ vẫn đang phải trải qua hàng ngày".
Tỷ lệ quấy rối tình dục cao nhất được phát hiện là trong ngành xây dựng — với 82% số người được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối.
Tiếp theo là tỷ lệ 53% bị quấy rối trong ngành làm vườn, 51% trong ngành khách sạn, 50% trong ngành bán lẻ và 41% trong ngành vệ sinh.
"Những di dân đến Úc để tìm kiếm cơ hội nhưng thay vào đó lại phải đối mặt với tình trạng bóc lột khủng khiếp tại nơi làm việc", thư ký của Liên đoàn NSW Mark Morey cho biết.
"Điều này thật đáng chê trách. Nó phải chấm dứt".
Cuộc khảo sát cũng phát hiện ra rằng ba trong bốn phụ nữ không trình báo những trải nghiệm của họ tại thời điểm đó — do bị đe dọa trả thù của chủ lao động, bị cắt giảm ca làm và trục xuất.
Một cuộc khảo sát do Unions NSW thực hiện trên 3,388 phụ nữ nhập cư trong hơn một năm cho thấy 51% đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Source: AAP / Steven Markham
"Do thiếu sự hỗ trợ và rào cản ngôn ngữ, đối với những người đã trải qua hoặc chứng kiến quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tôi muốn họ biết rằng họ không đơn độc", Linh nói.
Liên đoàn NSW đang vận động hành lang để tăng cường bảo vệ cho Thị thực Công lý tại Nơi làm việc — cho phép người giữ thị thực tạm thời ở lại Úc để thực hiện hành động pháp lý nếu họ bị bóc lột tại nơi làm việc.
Tổ chức này cho biết, kết quả sẽ dẫn đến cân bằng quyền lực hơn giữa phụ nữ di dân và thủ phạm xâm hại.
Nếu bạn hoặc người quen của bạn bị ảnh hưởng bởi xâm hại tình dục, hãy gọi 1800RESPECT theo số 1800 737 732, nhắn tin 0458 737 732 hoặc truy cập . Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi 000.