Cảnh sát South Australia xác nhận đây là chuyện có thật trong một thông cáo gần đây. Theo đó sáng thứ Hai tuần này, một nạn nhân ở Salisbury Downs nhận được một tin nhắn điện thoại tự động với nội dung là ông có một khoản nợ thuế và trát tòa đã có để bắt giữ ông ta.
Ông nghi ngờ đó là một trò lừa đảo và gọi lại số điện thoại, nhưng không cung cấp thêm bất cứ thông tin cá nhân nào.
Khoảng 30 phút sau, hai người đàn ông xuất hiện trước cửa nhà ông, mặc áo khoác màu xanh dương với dòng chữ “Federal Police” (Cảnh sát Liên bang) trên áo.
Người đàn ông ở Salisbury Downs muốn ẩn danh nói với ABC rằng hai người này tự nhận mình là Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) từ một trụ sở ở Adelaide, đã đưa ra một cái máy eftpos và nói với ông rằng ông đang mắc nợ thuế.
“Họ có cả còng tay đeo ở chỗ thắt lưng nhưng tôi biết họ không hợp pháp,” ông nói.
“Áo khoác của họ chỉ nói Cảnh sát Liên bang’ không phải AFP. Tôi biết ngay rằng họ giả mạo.
Nếu tôi không ở nhà, có lẽ vợ tôi đã đưa thẻ tín dụng ra.
Khi ông yêu cầu hai người đàn ông giả mạo cảnh sát này xuất trình giấy tờ tùy thân, họ bỏ chạy.
Ông nói rằng ông chỉ mới sống tại địa chỉ này trong sáu tháng, nhưng ba tháng trước đã có người đi lang thang trên đường phố thu thập thông tin, nói rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra dân số (census) trong khu vực. Ông đã không điền vào tờ khai đó, còn cho biết một người đã bị những người giả mạo đang làm việc cho ABS lừa tiền, khoảng 1000 đôla.
Cảnh sát SA mô tả hai người đàn ông giả danh cảnh sát đòi thu tiền nợ thuế trong câu chuyện có ‘ngoại hình Ấn Độ và châu Á’ ở độ tuổi 20 và 40 nói tiếng Anh với giọng Mỹ.
“Một cuộc gọi nhanh đến ATO xác nhận không có khoản nợ thuế nào và nạn nhân đã ngay lập tức báo cáo vấn đề với cảnh sát,” Cảnh sát SA cho biết trong một thông cáo.
Lừa đảo ngày càng phổ biến
Phúc trình lừa đảo nhắm mục tiêu mới nhất của Ủy hội Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc ACCC thực hiện ước tính người Úc đã mất $489 triệu đô la vì bị lừa đảo trong năm 2018.
Cơ quan quản lý lưu ý rằng đã có sự gia tăng 900 phần trăm số lượng “lừa đảo ATO” được báo cáo.
Một phiên bản của trò lừa đảo liên quan đến ATO là nạn nhân nhận được các cuộc gọi từ một giọng nói robot, yêu cầu gọi lại, cùng với sự đe dọa.
Một biến thể khác là kẻ lừa đảo giả vờ là người của ATO, gọi đến nạn nhân, nói họ nợ các khoản nợ thuế khổng lồ. Kẻ lừa đảo nói với nạn nhân rằng trát tòa đã được ban hành để bắt giữ họ – trừ khi họ mua các thẻ mua hàng trị giá vài ngàn đô la trong Apple iTunese và sau đó gửi mã đổi quà của thẻ cho những kẻ lừa đảo.
Cách bảo vệ bản thân khỏi những trò lừa đảo:
- Nếu bạn nhận được một cuộc gọi điện thoại hoặc email bất ngờ từ một người tự xưng từ tổ chức nào đó của Chính phủ Liên bang hoặc Văn phòng Thuế vụ Úc nói với bạn về lệnh bắt giữ, hãy gác máy.
- Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào về danh tính của bất kỳ người gọi nào tuyên bố đại diện cho bộ nào đó của chính phủ, hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan này.
- Đừng dựa vào số điện thoại, địa chỉ email hoặc trang web do người gọi cung cấp – hãy tìm chúng thông qua một nguồn độc lập như danh bạ điện thoại hoặc tìm kiếm trực tuyến.
- Không bao giờ gửi tiền qua chuyển khoản cho bất kỳ ai mà bạn không biết hoặc không tin tưởng.
- Không bao giờ cung cấp chi tiết tài khoản cá nhân, thẻ tín dụng hoặc tài khoản trực tuyến của bạn qua điện thoại trừ khi bạn thực hiện cuộc gọi và số điện thoại đến từ một nguồn đáng tin cậy.
- Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã cung cấp chi tiết tài khoản của mình cho một kẻ lừa đảo, hãy liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của bạn ngay lập tức.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe đọc thêm
Luật lệ quanh ta (176) Lừa đảo mua hàng online