Người Việt chỉ có thể bảo lãnh con nuôi từ Việt Nam sang Úc trong trường hợp đã xin và nhận con nuôi hợp pháp tại Việt Nam, có giấy xác nhận của tòa án, trước khi sang Úc định cư và trở thành thường trú nhân hay công dân Úc, thì người đó mới được phép bảo lãnh người con nuôi.
Ví dụ khi còn sống ở Việt Nam quý vị đã nhận con của anh chị mình làm con nuôi hợp pháp, có giấy xác nhận của tòa án. Sau đó quý vị đi định cư nhưng không mang đứa nhỏ theo vì một lý do nào đó. Tuy nhiên nay quý vị muốn mang đứa nhỏ sang định cư với mình, thì quý vị có thể làm điều đó.
Ngược lại, một khi đã trở thành thường trú nhân hoặc công dân, việc nhận xin con nuôi ở Việt Nam sẽ trở nên hoàn toàn phức tạp, khó khăn và tốn kém.
Điều kiện để bảo lãnh con nuôi
Yêu cầu đầu tiên là đứa trẻ đó phải dưới 18 tuổi thì mới được theo cha mẹ nuôi qua Úc.
Thứ hai, cha mẹ nuôi phải ở cùng người con nuôi trong một thời gian đủ dài, đồng thời có những trách nhiệm làm cha mẹ như cho con đi học, bảo trợ về mặt tài chính cho con.
Trả lời phỏng vấn SBS Vietnamese, luật sư di trú Trần Hữu Trung ở Sydney cho biết về trường hợp xảy ra nhiều nhất là những người nộp đơn visa bạn đời hoặc bảo lãnh cha mẹ có kèm theo một người con nuôi.
“Một lưu ý đối với những hồ sơ bảo lãnh cha mẹ và người cha mẹ đó có kèm đứa con nuôi, là số con ở Úc phải nhiều hơn số con ở Việt Nam,” luật sư Trần Hữu Trung cho biết.
Đối với những người đang ở Úc muốn về Việt Nam bảo lãnh con nuôi thì có một điều kiện là người đó phải về Việt Nam sống ít nhất 12 tháng cùng con.
Những điều Bộ di trú thường đặt dấu hỏi đối với các hồ sơ đi kèm con nuôi
Luật sư Trần Hữu Trung giải thích, Bộ di trú sẽ xem thời điểm của việc nhận con nuôi có từ khi nào. Nếu việc nhận con nuôi quá gần ngày nộp hồ sơ xin visa thì Bộ di trú hoàn toàn có quyền nghi ngờ rằng việc nhận con nuôi chỉ để định cư.
“Họ sẽ xem người đó nhận con nuôi đã lâu hay chỉ vài ngày trước khi nộp hồ sơ. Ngày nhận con nuôi càng gần thì càng bất lợi cho hồ sơ bảo lãnh con nuôi.”
Bộ Di trú sẽ kiểm tra tính xác thực của việc nhận con nuôi bằng cách xem người con đó có đang ở với cha mẹ nuôi và cha mẹ nuôi có đang thực hiện trách nhiệm làm cha mẹ với người con đó hay không.
“Thậm chí ngay cả khi người con nuôi đã được nhập tên vào sổ hộ khẩu thì Bộ di trú vẫn kiểm tra tính xác thực bằng cách nhờ nhân viên di trú tại địa phương phỏng vấn cha mẹ nuôi, hoặc đến tận nơi để điều tra xem người con nuôi có thật sư ở với cha mẹ nuôi không hay vẫn ở với cha mẹ đẻ,” luật sư Trung nói.
“Ngoài ra họ còn kiểm tra xem vai trò của cha mẹ nuôi trong việc học hành của con, nghĩa là sẽ xem bố mẹ nuôi có đi họp phụ huynh cho con không, đi dự những buổi lễ quan trọng như khai giảng, tốt nghiệp, và phải có hình ảnh bằng chứng ghi lại.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại