Trong tuần qua, dư luận cả nước lại được chứng kiến “màn kịch” thường thấy của quan chức khi bị cơ quan thanh tra điều tra tham nhũng. Đó là báo cáo phải đi chữa bệnh, bị tâm thần trong khi đang bị cáo buộc tội tham nhũng.
Đi cùng với câu chuyện này là cái tên Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ đang nổi đình nổi đám tại Việt Nam.
Từ một lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, ông Thanh được luân chuyển làm Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự đảng Bộ Công thương. Dù không nằm trong danh sách cán bộ Trung ương được chuyển về địa phương nhưng ông Thanh vẫn được chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ông Thanh còn được giới thiệu để bầu vào Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với tỉ lệ trên 75%, cao nhất ở Hậu Giang.
Thế nhưng ngay khi bị kêu gọi tham gia điều tra thì ông Xuân Thanh đã có “lý do chính đáng” là đang nằm viện hoặc đi chữa bệnh! Đến mức nguyên chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Tại sao người tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế!”.
Chẳng riêng ông Trịnh Xuân Thanh, nhiều quan chức nhà nước mỗi khi bị cơ quan điều tra hoặc tòa án triệu tập đều kiếu bệnh.
Trước đây, vào đầu những năm 1990, trong vụ án tham nhũng xảy ra ở Cục Dự trữ quốc gia, vai trò chính trong vụ án là ông T., phó cục trưởng, nhưng chẳng hiểu vì sao ông T. bị “tâm thần”, thế là vụ án bị “dừng giữa chừng”.
Còn ở Tiền Giang, có ông Nguyễn Văn Nên - nguyên phó phòng cảnh sát điều tra công an tỉnh - sắp bị truy tố thì cũng bị tâm thần, không xử được.
Trong vụ Lã Thị Kim Oanh, tòa định triệu tập nguyên một vị lãnh đạo cấp cao ra tòa với tư cách người làm chứng, nhưng mới nghe như vậy ông này đã phải “vào viện cấp cứu”.
Gần đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Vũng Tàu, một số cán bộ có liên quan cũng “cáo bệnh” nên được tại ngoại. Tình trạng quan chức sai phạm cáo bệnh khá phổ biến hiện nay nhưng chưa có “thuốc” nào đặc trị.
Câu hỏi đặt ra, vì sao con đường công danh của ông Thanh lại “ngoạn mục” như vậy? Chắc chắn một mình ông Thanh không thể làm nổi. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi, liệu đứng sau ông Thanh có ai đỡ đầu, có ai bao che?
Câu chuyện “đề bạt, cất nhắc”, người nhà lên làm quan chức là chuyện không hề mới tại Việt Nam, thế nhưng gần đây người dân lại được dịp ngỡ ngàng khi một quan chức khác, ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị vợ mình làm “phó cục trưởng”.
Theo tìm hiểu của báo Tuổi Trẻ, thời gian gần đây, ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bổ nhiệm nhân sự cho hàng loạt người nhà.
Cụ thể, tháng 3-2015, ông này bổ nhiệm bà Đỗ Thị Phương Ngọc (sinh năm 1970) - là vợ của mình giữ chức trưởng phòng Thanh tra số 1 - Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mới đây vào tháng 4-2016, ông Võ Thành Long ký tờ trình gửi Tổng cục thuế đề nghị bổ sung quy hoạch lãnh đạo cấp cục giai đoạn 2016-2020, cụ thể là chức “phó cục trưởng” với hai người, trong đó có vợ mình.
Ngoài ra, còn có nhiều người thân thích, họ hàng khác của ông Long - bà Ngọc hiện cũng đang làm việc tại Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và chi cục thuế TP Vũng Tàu.
Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” (khoản 3 điều 37).
Vậy nên, nếu vợ và những người thân khác của cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không nằm trong diện cấm này thì “đúng quy trình” vẫn là điều có căn cứ.