Thứ Sáu ngày 3 tháng 4, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 3/4 cho biết nếu các sinh viên quốc tế cảm thấy không thể lo liệu được cuộc sống của mình trong thời gian này ở Úc do tình hình dịch Covid-19, thì nên trở về nhà, ngay cả những người đang du lịch ở Úc cũng vậy.
Quyền Bộ trưởng Di trú Úc ông Alan Tudge hôm 4/4 xác nhận những người có thị thực tạm thời không đủ khả năng sinh sống tại Úc trong sáu tháng tới được khuyến khích trở về nhà.
Chính phủ cho biết, sinh viên quốc tế đã ở trên một năm sẽ có thể truy cập vào khoản hưu bổng của họ tại Úc, cũng như cho phép họ làm việc 40 giờ mỗi tuần, để giúp vượt qua cơn khủng hoảng.
Vấn đề là hàng chục ngàn người Úc đang phải nghỉ việc ở nhà. Đặc biệt các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, ví dụ nhà hàng, quán cà phê, là nguồn việc làm cho các sinh viên trước đây.
'Úc lo cho dân họ là hiển nhiên'
Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết hôm 1/4 Đại sứ Việt Nam tại Úc Ngô Hướng Nam cùng với đại diện các nước trong ASEAN đã gửi thư chung tới giới hữu trách của Úc "đề nghị có sự hỗ trợ phù hợp về sức khỏe thể chất và tinh thần cho sinh viên quốc tế phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay".
"Trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Canberra: +61 466 401 665, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney +61 451 290 881 hoặc +61 452 468 168, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth +61 470 111 668".
Một số sinh viên đang học ở Úc đã bày tỏ sự bất bình trên báo chí trong nước, nói rằng họ vẫn mang đến cho Úc thu nhập mà "trong khó khăn họ lại bảo mình về nước, không thuyết phục chút nào".
Có sinh viên than phiền rằng họ cũng đóng thuế khi đi làm thêm chứ không phải là gánh nặng kinh tế cho Úc.
Nhưng có người đặt câu hỏi, "Có bao nhiêu du học sinh đi làm đóng thuế? Thực tế cho thấy đa phần là làm chui, lãnh tiền mặt thì chính phủ Úc thu được gì? Chính phủ luôn ưu tiên cho người dân của đất nước mình là điều hiển nhiên, lo cho dân họ còn chưa xong, ở đó mà lo cho người ngoài các bạn."
"Bên Úc đi làm phải đóng thuế là chuyện bình thường, nhưng không phải cứ ai đóng thuế là đều được hưởng quyền lợi về an sinh xã hội như công dân Úc".
"Úc thu được nhiều tiền từ các du học sinh, ngược lại Úc cung cấp giáo dục có chất lượng cao bởi thế nên nhiều học sinh trên thế giới chọn Úc là nơi du học (cũng có nhiều người mang tiếng là du học sinh nhưng qua để đi làm chui)".
"Dù cho nền giáo dục của Úc có thu nhập khủng đi nữa thì ngoài việc giảng dạy ra họ cũng không có bổn phận phải đối xử với du học sinh như công dân của họ. Đó là họ công bằng với dân của họ chứ không phải ích kỷ".
Việt Nam không khuyên về nước
Có sinh viên cho biết "nếu có máy bay mình sẽ về Việt Nam ngay lập tức vì tình hình này thì ở lại không được ổn cho lắm, mong Đại sứ quán sẽ sắp xếp chuyến bay nhân đạo sớm nhất để đưa người Việt về".
Và có người nhắc nhở "hoạn nạn mới thấy chân tình. Nước bạn là thế đấy. Việt Nam chúng ta là rất tốt, về thôi, về với Việt Nam thôi".
Tính đến sáng 6/4, ở Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào trong hai ngày liên tiếp. Hiện ở Việt Nam chỉ mới có 241 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào.
Nhiều nước, kể cả Úc đã kêu gọi hoặc thuê máy bay chở các công dân của họ về. Nhưng ít ra vào lúc này chính phủ Việt Nam chưa có chủ trương đó.
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.
Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.
Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.
SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: