Chính phủ Liên bang đã ra thông báo “những doanh nghiệp thức ăn nhanh như McDonalds hay KFC sẽ không còn được sử dụng quy trình ưu tiên trong việc bảo lãnh lao động ngoại quốc xin visa tạm trú”.
“Các lao động người Úc, đặc biệt là lao động trẻ, mới là đối tượng phải được ưu tiên,” Bộ trưởng Di trú Peter Dutton nói trong một thông cáo hôm thứ Năm, ngày 2 tháng Ba năm 2017.
Ông Dutton đã bãi bỏ Thỏa ước Lao động ngành công nghiệp thức ăn nhanh (Fast Food Industry Labour Agreement) do chính phủ Gillard lập ra hồi năm 2012, cho phép hàng trăm lao động nước ngoài được làm việc ở các cửa hàng thức ăn nhanh tại Úc.
Tuy nhiên, Phát ngôn nhân Bộ Nhân dụng Đảng đối lập, Brendan O’Connor thì cho rằng, ông Dutton đã làm quá lên những tác động của thay đổi trong triển vọng nghề nghiệp của người Úc.
“Có thể có một số lao động trong ngành thức ăn nhanh được cấp visa 457 thông qua quy trình ưu tiên, nhưng số lượng đó rất ít, chủ yếu là các vị trí quản lý, các vị trí cần kỹ năng, và thời điểm đó thì tỉ lệ thất nghiệp rất thấp.
“Ông Dutton không nên bóp méo tình hình.”Theo những số liệu được công bố trên tờ The Daily Telegraph, thỏa ước này chỉ thu hút khoảng 500 lao động ngoại quốc đến Úc trong 4 năm qua.
Fast food chains lose 457 visa shortcut for foreign workers Source: SBS
Tại một buổi họp báo ở Canberra, ông Dutton đã xác nhận không có nhân công bán chuyên nghiệp nào được cấp visa theo thỏa ước này.
Những thỏa ước lao động dạng này chỉ là con đường giúp cho lao động bán chuyên nghiệp lấy được tấm visa tạm trú ở Úc.
Con số chính xác lao động được thuê mướn và những hoàn cảnh xung quanh những thỏa ước lao động này vẫn còn là một ẩn số, mặc cho Ủy ban Thượng viện – bao gồm các nghị sĩ Liên đảng – đã yêu cầu phải công bố những số liệu này từ hồi tháng Ba năm ngoái.
Các doanh nghiệp thức ăn nhanh sẽ vẫn được tiếp tục nộp đơn xin cấp visa 457 theo cách thông thường trong trường hợp họ không tìm ra lao động phù hợp.
“Những doanh nghiệp thực sự tìm kiếm lao động nước ngoài và đóng góp vào sự phát triển kinh tế sẽ vẫn được xem xét,” ông Dutton nói.
Những lao động ngoại quốc hiện thời sẽ bị buộc phải rời nước Úc ngay khi hợp đồng của họ chấm dứt, trừ khi chủ nhân của họ đưa ra được lý do cụ thể vì sao họ cần phải thuê mướn những lao động này.