Otto Bell đang lướt trên mạng tại sở làm thì nhìn thấy bức ảnh đầy cám dỗ, khiến anh nhấn chìm toàn bộ tài sản dành dụm được vào cuốn phim đầu tay.
Nổi bật trên màn hình là một cô gái Mông Cổ má chúm chím hồng. Cô đứng trên đỉnh núi cheo leo, mỉm cười rạng rỡ, còn trên cánh tay cô là một con đại bàng vàng dữ tợn đang đập cánh.
Khung cảnh như thuộc về một thế giới khác, ở đâu đó thật xa xôi bên ngoài những tòa nhà hình khối chọc trời chen chúc nhau ở New York, chỗ Bell đang ngồi. Bức ảnh được chụp tại một khu vực thuộc dãy Altai. Bell nói: “Đó là phần xa xôi nhất của một đất nước ít dân nhất trên thế giới.” Bell mới 35 tuổi, chẳng dành dụm được bao nhiêu, trước giờ cũng chỉ làm những phim tài liệu ngắn được tài trợ.
Vậy mà chỉ trong một “khoảng thời gian ngắn ngủi”, anh đã tìm được nhiếp ảnh gia trẻ tuổi người Israel, Asher Svidensky, cũng như thuyết phục một tay quay phim người Mỹ cùng tham gia. Sau đó cả ba lên một chuyến bay đi tới Mông Cổ để tìm kiếm người thiếu nữ.
Kết quả của chuyến đi là một cuốn phim tài liệu vui vẻ mà hùng tráng. Lời bình trong phim do Daisy Ridley, ngôi sao của Star Wars, diễn đọc. Bộ phim như một câu chuyện thần tiên, đi theo dấu chân của thiếu nữ tên Aisholpan, 13 tuổi, trên đường tìm kiếm và chinh phục đại bàng.
Thần điêu nữ hiệp (The Eagle Huntress) đang chiếu tại các rạp chiếu phim Hoa Kỳ và sẽ bắt đầu công chiếu tại Anh ngày 16/12.
Cộng đồng du mục Kazakh của cô gái có truyền thống săn bắt và huấn luyện đại bàng con để chúng giúp người săn sói xám và thỏ. Truyền thống này chỉ được truyền từ người cha sang đứa con trai. Để đạt được giấc mơ, cô gái phải vượt qua sự thẩm định khắt khe của người cao niên. Họ khăng khăng cho rằng phụ nữ không thể, hay không nên, săn bắt.
Đạo diễn 35 tuổi đang ngồi bên trong một khách sạn sang trọng ở Luân Đôn, với bộ phim đạt 1,2 triệu USD tại các phòng vé Mỹ, cũng như lọt vào vòng trong danh sách đề cử cho giải Oscar. Anh Otto Bell cười to bỡn cợt sự liều lĩnh của mình: “Trẻ em, động vật, hoàn cảnh khắc nghiệt và ngôn ngữ xa lạ. Đó là những thứ bạn không nên nhúng tay vào.”
Những bức ảnh cuốn hút nhà đạo diễn không chỉ vì đẹp như tranh vẽ, mà vì chúng chứa đựng tiếng gọi của nghệ thuật thứ 7: “Một nơi chốn đẹp đẽ, một con chim khổng lồ và cô bé Aisholpan – thậm chí trong bức ảnh nhìn cô bé vừa trông giống một thiên thần, vừa mạnh mẽ như một nữ hiệp”.Vào ngày ba chàng trai tìm thấy gia đình du mục của cô bé trong bức ảnh, Bell lo lắng cả nhà sẽ rất thận trọng trước lời mời xuất hiện trên màn ảnh. Tuy nhiên ngược lại, cha cô bé, ông Nurgaiv đã đưa ra một lời đề nghị tuyệt vời. Ông ta nói: “Chiều nay chúng tôi sẽ đi xuống vực để săn một con đại bàng cho Aisholpan. Quý vị có muốn quay lại cảnh đó không?”
Aisholpan, the eagle huntress. Source: Kissaki Films
Aisholpan đã để mắt đến con đại bàng non này rồi. Suốt nhiều ngày trời, cô bé theo dõi con chim mái này bằng chiếc ống nhòm bị vỡ của cha. (Người du mục thích chinh phục đại bàng mái vì chúng to lớn hơn). Con đại bàng đang ở lứa tuổi hoàn hảo để cô bé chinh phục. Lứa tuổi đã đủ lớn để có thể sống sót được bên ngoài vòng tay đại bàng mẹ, nhưng vẫn còn non để người du mục dễ huấn luyện.
Một cảnh quay thót tim ghi lại hình ảnh Aisholpan đang lần mò trèo xuống một vách đá cheo leo để tìm tới tổ đại bàng, chỉ được bảo vệ bằng mỗi sợi dây thừng quấn quanh thắt lưng. Đây cũng là cảnh quay gây khó khăn cho đoàn làm phim nhiều nhất. Người quay phim sợ độ cao nên chỉ có thể quay từ dưới đất lên, còn nhiếp ảnh gia Svidensky chưa bao giờ quay phim nên anh ta cũng không thích hợp đứng máy. Vậy là Bell phải sáng tạo bằng cách đính một camera GoPro vào trong áo khoác của Aisholpan, còn bản thân mình thì cùng Svidensky trèo lên một vách đá đối diện tổ chim đại bàng để quay góc thứ ba.
Đó là một pha nghẹt thở: cô gái với bím tóc đuôi sam cột bằng những sợi dây ruy băng hồng chinh phục tổ chim, trong khi đại bàng mẹ giận dữ bay vòng vòng ngay trên đỉnh đầu. Vì vậy có lẽ cũng chẳng ngạc nhiên khi một vài người bình luận rằng cảnh này hẳn phải được tái dựng. Bell rõ ràng giận dữ trước những lời bình luận đó, nhưng đã nhân cơ hội này để tiết lộ chiến công. Anh nói một cách tự mãn: “Chúng tôi quay cảnh đó chỉ trong 12 phút, và chỉ quay đúng một lần mà thôi.”
Sau đó là cảnh Aisholpan tham gia lễ hội đại bàng vàng tại Ölgii, một lễ hội quan trọng của người du mục. Cô bé cũng tham dự một cuộc thi mà trước đây cha cô từng thắng giải hai lần.
Cảnh chim đại bàng đập cánh trên núi cao như để đáp lại tiếng gọi của cô gái, đã khiến bao người xem kinh ngạc. Hình ảnh này cũng thể hiện quyết tâm của cô gái nhỏ khi đối mặt với những đối thủ tranh tài nam giới lão luyện. Bell nói: “Cô bé thật mạnh mẽ. Cô thích giành chiến thắng – dù là khi chơi cờ và vật tay với lũ con trai, hay khi đi săn với đại bàng như trong cuộc thi này.”
Tuy nhiên hầu hết các hình ảnh đẹp nhất đều nằm trong những cảnh êm đềm của bộ phim, khi mô tả tình yêu của người cha dành cho Aisholpan: cái cách ông sửa chiếc mũ đang đội trên đầu cô bé, giọng nói đầy tự hào khi kể về cô, sự huấn luyện nhẫn nại mà ông dành cho cô. Bell nói: “Ban đầu tôi nghĩ đây sẽ là một bộ phim đề cao nữ quyền. Nhưng bên cạnh đó, đây còn là một bộ phim về cha và con gái.”Bell đã lên kế hoạch trở lại Mông Cổ để quay phim chuyến đi săn đầu tiên của Aisholpan, nhưng lúc đó anh hết sạch tiền dành dụm cũng như đã tiêu sạch khoản vay ngân hàng. Sau nhiều đêm thức trắng, Bell gởi một đoạn phim đã chỉnh sửa đến Morgan Spurlock, nhà làm phim nổi tiếng từng đạt giải với Super Size Me. Anh kể: “Hành động của tôi có vẻ hơi lỗ mãng. Tôi còn chưa gặp ông ta một lần nào. Nhưng ngay hôm đó ông đã gọi điện thoại cho tôi liền, ông nói ông chưa bao giờ nhìn thấy một bộ phim nào như vậy cả và đề nghị giúp đỡ. Lúc đó giống như mây đã tan và trời lại hửng nắng.”
Resolve … Aisholpan takes part in the hunters’ festival. Source: Allstar/Sony Pictures Classics
Tuy nhiên tiền bạc hỗ trợ cũng không thể khiến thời tiết ở Mông Cổ bớt khắc nghiệt. Cuộc đi săn dự định chỉ xảy ra trong ba ngày thì lại kéo dài đến 22 ngày. Với -50C, mọi phương tiện đều không thể làm gì được. Đoàn làm phim gặp bão tuyết nhưng lại may mắn quay được cảnh bất ngờ đầy giá trị khi chim đại bàng sà xuống quắp một con sói. Bell thừa nhận: “Chúng tôi đã khuấy động cuộc đi săn, chỉ quay phim 3, 4 tiếng mỗi ngày khi có nắng và nhiệt độ cao hơn một chút khoảng -25C. Chúng tôi đều cảm thấy bực bội – ngoại trừ Ashiolpan.” Dù cô bé phải mang theo chim đại bàng nặng 10 kg trên cánh tay khi lội trên tuyết, nhưng cô vẫn kiên quyết đi về phía trước – khiến cho tinh thần của Bell cũng vững vàng hơn.
Anh hy vọng sự thành công của phim The Eagle Huntress sẽ thúc đẩy kỹ nghệ du lịch và giúp cho cộng đồng tiếp tục giữ được truyền thống cổ xưa. Hiện tại truyền thống này đang bị mai một vì nhiều người du mục đã bỏ núi đi vào thành phố. Bell nói: “Nhiều đàn chim bị ảnh hưởng bởi khí hậu thay đổi. Mùa đông thật sự đã đông cứng bầy chim trong đêm trường lạnh giá.”
Mặc dù Aisholpan và gia đình cô vẫn sống đời du mục, nhưng cuộc sống hiện có nhiều thay đổi. Bell nói cả nhà sẽ đến Mỹ tham dự lễ cưới của anh vào năm sau. Cũng như sau khi nổi tiếng, Aisholpan được nhận học bổng để đi học tại một trường tốt nhất Mông Cổ. Một quỹ tín thác giáo dục cũng được lập ra cho cô bé để cô có thể thực hiện ước mơ trong đời là trở thành bác sĩ. Đó cũng là tham vọng ẩn chứa đằng sau hình ảnh về Aisholpan mà Bell phác họa: một thiếu nữ với đại bàng vàng tung cánh trên tay, nhưng đôi chân cô vẫn đứng vững trên mặt đất.
Thần điêu nữ hiệp (The Eagle Huntress) đang chiếu tại các phòng vé Hoa Kỳ và sẽ bắt đầu công chiếu tại Anh ngày 16/12.