Kết quả điều tra dân số Census 2016 cho thấy, hơn 40% nhân viên phụ bếp ở Úc là những nam thanh niên tuổi từ 15 – 19.
Thị trường việc làm và các loại hình công việc đã và đang thay đổi rất nhiều theo thời gian. Đặc biệt, ý niệm về một công việc ổn định suốt đời dường như đã không còn tồn tại. Người lao động, đặc biệt là những người trẻ tuổi, với bản tính bay nhảy và ham mê thử thách, luôn tìm kiếm sự thay đổi khiến cho thị trường việc làm luôn sôi động.
Tuy nhiên, kết quả điều tra đã chỉ rõ, sự phát triển nghề nghiệp của người lao động vẫn tuân theo một mẫu số chung, và ở mỗi lứa tuổi họ lại có một ngành nghề đặc thù phù hợp với độ tuổi đó.
Thế hệ millenials là khái niệm chỉ thế hệ sinh từ đầu những năm 1980 - 2000 (8x và 9x). Đây là thế hệ đầu tiên của xã hội kỹ thuật số. Họ lớn lên cùng với Internet, mạng xã hội và những đột phá như vũ bão của công nghệ số.
Và ngày càng nhiều thanh niên thuộc thế hệ millennials chọn công việc khởi điểm trong ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, thức ăn nhanh.
Những công việc như phụ bếp hay thu ngân là những công việc giống nhau mỗi ngày, không đòi hỏi nhiều kỹ năng, và rất dễ để xin việc.
Source: Getty Images
Nhưng vì sao thế hệ 8x, 9x phải ‘chôn chân’ trong những công việc buồn tẻ này lâu hơn trước đây?
Theo xu hướng hiện nay, thay vì giao một nhiệm vụ lớn cho nhân viên, các công ty và tổ chức đã chia nhỏ công việc ra và giao cho mỗi nhân viên làm một mảng khác nhau, giáo sư Johanna Wyn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thanh niên thuộc Đại học Melbourne giải thích.
Với lý do đó, mỗi người sẽ làm một công việc được chuyên môn hóa và không có nhiều kiến thức tổng quát. Các loại hình công việc vì thế cũng ít chuyên nghiệp hơn.
Điều này đã đào sâu thêm hố ngăn cách giữa những người có bằng cấp và không có bằng cấp, và có thể đó là một trong những lý do khiến người trẻ bị chôn chân trong một công việc cố định.
Thanh niên Úc hiện đầu tư vào học hành nhiều hơn, số lượng thanh niên có bằng cấp đại học nhiều hơn.
“Thời gian học hành kéo dài hơn nghĩa là sinh viên phải cạnh tranh trong công việc để kiếm tiền học, chủ yếu là trong ngành du lịch và dịch vụ,” giáo sư Wyn cho biết.
Thậm chí đối với những người đã có bằng cấp, họ cũng bị yêu cầu phải có thời gian thực tập hoặc huấn luyện với mức lương thấp, hoặc thậm chí không lương. Đôi khi thời gian thực tập kéo dài tới một năm hoặc hơn thế.
Chính vì thế các sinh viên mới tốt nghiệp này vẫn phải tiếp tục ở lại làm thêm trong các quán bar hoặc tiệm café để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Lao động ở những ngành dịch vụ - du lịch ngày càng trẻ hóa
Lao động ở độ tuổi từ 15 – 34 chiếm 84% trong ngành thức ăn nhanh, tiếp đó 79% làm việc trong quá bar và tiệm café.
Các vị trí phụ bếp trong nhà hàng và nhân viên thu ngân trong siêu thị hầu hết là trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi).
Hơn một nửa đầu bếp ngành thức ăn nhanh ở Úc và 1/3 nhân viên thu ngân ở trong độ tuổi 15 – 18.
Độ tuổi phổ biến nhất đối với ngành thể thao là 19 – 21. Tương tự đối với nhân viên quầy bar và nhân viên pha chế café , trong khi các lực lượng quốc phòng và y tá phòng mạch thú y thường ở độ tuổi 20s.
Các ngành kỹ nghệ được thống trị bởi các nhân viên trong khoảng 30 tuổi. Chẳng hạn, nhân viên 30 – 35 tuổi chiếm 14% tổng lao động toàn nước Úc, nhưng 30% trong số đó là các chuyên viên đa phương tiện, và phát triển trang mạng.
Và muốn giữ chức quản lý, hãy chờ thời cơ đến khi chạm ngưỡng 40!
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại