“Can you hear me?” - Anh/Chị có nghe rõ không?
Cẩn thận trước khi trả lời nếu một người lạ gọi đến và hỏi quý vị “Can you hear me?” (Anh/Chị nghe có rõ không?).
Theo bà Eva Velasquez, CEO kiêm chủ tịch Trung tâm Nguồn lực Nhận diện Lừa đảo ở Hoa Kỳ cảnh báo, những tay lừa đảo có thể đang chờ quý vị nói “Yes” để ghi âm lại nhằm gài bẫy rằng quý vị đã đồng ý trả tiền cho chương trình nào đó.
Nếu không chắc chắn người gọi đến là ai, quý vị nên trả lời bằng cách khác thay vì nói “Yes”, chẳng hạn “I hear you just fine” (Tôi nghe rõ), thì sẽ an toàn hơn.
Tự xưng là người của Sở thuế ATO
Đừng hoảng sợ khi có ai đó xưng là nhân viên Sở thuế ATO gọi đến để thu tiền. Những tay lừa đảo hay lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân giả vờ đe dọa sẽ báo cảnh sát nếu quý vị không trả tiền. Đừng mắc bẫy! Các cơ quan chính phủ như ATO nếu cần liên lạc với quý vị họ sẽ gửi email, hoặc thư chính thức có tiêu đề thư.
Thậm chí nếu không yêu cầu chuyển tiền, thì chúng cũng có thể đang tìm cách moi thông tin cá nhân của quý vị, bằng cách hỏi quý vị xác nhận những thông tin cá nhân, số tiền đóng thuế tài khóa trước. Trong trường hợp này, hãy dập máy ngay lập tức.
Tự xưng là nhân viên ngân hàng
Giả danh người của ngân hàng cũng là một chiêu thức hay được các tay lừa đảo sử dụng. Chiêu trò này khiến người dân khó để xác định đâu là thật, đâu là giả, vì đôi khi ngân hàng cũng cần xác nhận thông tin cá nhân để bảo vệ tài khoản của khách hàng. Đã có trường hợp kẻ lừa đảo gọi đến và nói rằng sẽ đóng băng tài khoản ngân hàng, vì quý vị đang là nạn nhân của một vụ lừa đảo, và sau đó hỏi số tài khoản và số mật khẩu của quý vị.
Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào cũng không được cung cấp thông tin cá nhân, nhất là thông tin thẻ ngân hàng. Chỉ được cung cấp số tài khoản và mật khẩu nếu quý vị là người gọi đến ngân hàng, và chắc chắn là không được gọi lại số vừa gọi đến cho quý vị. Bất cứ ngân hàng nào cũng có số điện thoại chăm sóc khách hàng được in trên thẻ, và họ sẽ kiểm tra có phải là ngân hàng đã liên lạc với quý vị hay không.
Source: pexels
Tự xưng là nhân viên kỹ thuật hỗ trợ công nghệ máy tính
Nếu có ai đó xưng là nhân viên kỹ thuật của Microsoft, Apple hay bất cứ công ty công nghệ nào, gọi đến và hỏi quý vị có gặp vấn đề với máy tính không, hãy nhớ trả lời “No” và cúp máy.
Không ai rảnh rỗi đi theo dõi máy tính của quý vị xem có nhiễm virus hay không, những tay lừa đảo chẳng giúp đỡ gì mà chỉ chực chờ để cài thêm các chương trình malware vào máy quý vị. Tệ hại hơn, quý vị sẽ không bao giờ nghĩ rằng máy tính quý vị gặp vấn đề do chính cuộc gọi kia, ‘nhân viên kỹ thuật dỏm’ ấy sẽ bơm vào đầu quý vị suy nghĩ rằng máy tính của quý vị đang chạy chậm dần, và rồi quý vị cũng nghĩ điều đó là bình thường khi phát hiện ra máy tính chạy chậm.
Lừa đảo người cao niên
Lừa đảo qua mạng và điện thoại thường nhắm vào những người cao niên trí óc đã kém minh mẫn. Chúng sẽ tự xưng là con cháu, đang ở nước ngoài và bị mất ví tiền, rồi sau đó xin ông/bà gửi tiền.
Hãy xác định người đó thực sự là họ hàng của mình, xác minh xem con cháu, họ hàng có thực sự an toàn không trước khi quyết định chuyển tiền cho ai đó.
Chúc mừng bạn là người may mắn trúng thưởng!
Một giải thưởng lớn hoặc một chuyến du lịch luôn hấp dẫn và làm mờ mắt người nhận được. Thế nhưng chẳng cuộc thi nào đơn giản và chẳng có giải thưởng nào từ trên trời rơi xuống như vậy. Qúy vị phải thực sự bước vào một cuộc thi, nếu không, khả năng lớn đó là một hình thức lừa đảo.
Thậm chí nếu quý vị tham gia một cuộc thi, cũng đừng tin nếu có ai đó xưng là nhân viên đến thu thuế. Qúy vị chỉ đóng thuế khi nào thực sự nhận được tiền.
Quyên góp từ thiện
Nếu có một tổ chức từ thiện hoặc phi lợi nhuận nào đó yêu cầu đóng góp qua điện thoại, hãy cẩn thận! Đôi khi cũng có những tổ chức hợp pháp, nhưng đa số là không.
Trong trường hợp này, hãy yêu cầu họ gửi thông tin về tổ chức cho quý vị để xem qua, hoặc yêu cầu gọi lại sau để quý vị có thời gian tìm hiểu thông tin về tổ chức từ thiện này.