Thuê nhà nghỉ trên Airbnb: Số vụ gian lận tăng gấp 3 lần gây thiệt hại $88,000

Chỉ trong năm 2016, hàng trăm nạn nhân tiền mất tật mang khi phải móc hầu bao để “thuê nhà ma” được quảng cáo lộng lẫy, sang trọng trên trang Airbnb, theo ACCC.

Bondi or Florida? An image taken from the fraudulent Airbnb listing, which has been removed

Bondi or Florida? An image taken from the fraudulent Airbnb listing, which has been removed Source: The Age

Danh sách các vụ gian lận cho thuê mướn nhà nghỉ dưỡng được quảng cáo trên Airbnb ngày càng tăng với thiệt hại gây ra cho người thuê nhà trong năm ngoái là 88 ngàn đô la.

Đó là con số thông kê mà ACCC đưa ra vào ngày 19/2 về thực trạng lừa đảo trên mạng Airbnb chuyên về đăng quảng cáo cho thuê mướn nhà nghỉ ở khắp nơi.

Thuê “nhà ảo” trả tiền thật

Nhiều người lên mạng truy cập vào Airbnb để tìm kiếm 1 chỗ ở trong chuyến du lịch của mình thấy rằng đây là một địa chỉ thật hoàn hảo.

Nhưng thực tế có phải vậy không?

Báo trích dẫn một đoạn quảng cáo và tấm hình lộng lẫy trên Airbnb ghi rằng, rộng rãi và tràn ngập ánh sáng, từ sàn nhà đến trần và cửa sổ, nơi thưởng thức trọn vẹn những khoảnh khắc từ Bãi biển Bondi.

Rồi các đồ nội thất màu trắng sắc nét có kiểu dáng đẹp với tiêu chuẩn 5 sao, mỗi góc đều được thiết kế chi tiết cho không gian nơi này.

Nghe có vẻ quá tốt, thế nhưng, nói vậy mà không phải như vậy.

Với căn nhà 6 phòng ngủ "Biệt thự Bãi biển Bondi sang trọng," được định giá là $731/ một đêm cho 12 người.

Nhưng điều trớ trêu, chỗ đó, hình ảnh đó, căn nhà đó không phải ở Bondi!

Chỉ cần tìm kiếm trên Google, thì biết ngay bức ảnh được dùng để quảng cáo cho căn nhà ở Bondi lại thật ra là của 1 căn nhà sang trọng ở bờ biển Florida, nước Mỹ, tức là cách Bondi gần 15 ngàn cây số.

Đó là cách mà một số kẻ lừa khách thuê nhà trên Airbnb.

Gần 200 khiếu nại tại Úc trong năm 2016

Đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp quảng cáo sai lệch, lừa dối, trong một danh sách ngày càng tăng gồm toàn những ngôi nhà với hình ảnh đi mượn từ các trang mạng khác, xuất hiện trên Airbnb.

Theo ACCC (Ủy ban Cạnh tranh và tiêu thụ Úc) chỉ trong trong năm 2016, cơ quan này đã nhận được gần 200 khiếu nại về danh sách nhà cho thuê trên trang Airbnb có gian lận, và hậu quả là gây thiệt hại 88 ngàn đô la cho người tiêu dùng.

Số lượng khiếu nại trong năm ngoái đã tăng gấp 3 lần so với năm 2015, vào năm đó thì thiệt hại là $65 ngàn đô la vì những trò gian lận này.

Phó Chủ tịch ACCC, Delia Rickard cho biết, có 1 điều cần lưu ý là người tiêu dùng không nên thực hiện thanh toán tiền thuê nhà ở bên ngoài các hình thức thanh toán trên trang web chính thức Airbnb, để tránh bị lừa. Tức là thuê những căn nhà ma, không hề có thật!

"Bất cứ lúc nào bạn được yêu cầu thanh toán qua chuyển khoản hoặc thẻ quà tặng, hay bất cứ cách nào khác thì rất khó để mà theo dõi và thường thì đó chính là hành vi để lừa đảo các bạn.”

"Nếu bạn đã bị lừa, bạn nên báo lại với Airbnb và cơ quan SCAMWatch của ACCC," bà Rickard nói.

Làm sao thuê phòng trên Airbnb an toàn?

Bà Rickard cho The Age biết, việc mọi người thử tìm kiếm hình ảnh liên quan đến địa chỉ căn nhà được đăng tải trên trang mạng quảng cáo cho thuê nhà như Airbnb là cách thông minh, để xác định được chắc chắn đó là căn nhà mình sẽ thuê.

"Việc tìm kiếm hình ảnh là một trong những điều chúng tôi khuyến khích, giống như các trang web hẹn hò, khi buộc thành viên phải đăng hình cá nhân.”

“Chúng tôi cũng khuyến khích các trang mạng đặt phòng trực tuyến cũng làm theo cách đó,” bà Rickard nói.

1 cách nữa là không đặt phòng, hay nhà nghỉ trước khi liên lạc được với người đăng quảng cáo, hoặc chủ nhà, và truy vấn đầy đủ thông tin như tên chủ, địa chỉ nhà, các thông tin liên quan.

Phải chắc chắn rằng chỉ thanh toán tiền thuê nhà qua trang mạng chính thức hoặc App của Airbnb thay vì thanh toán bên ngoài với người chủ nhà.

1 vụ lừa đảo ly kỳ trên Airbnb

1 vụ khác mà Fairfax Media công bố thậm chí còn ly kỳ hơn.

Một người tiêu dùng Úc đã được yêu cầu gửi email cho một chủ sở hữu nhà ở cho thuê để thực hiện đặt phòng, thay vì sử dụng các ứng dụng trên Airbnb.

Và chính chiêu này dẫn đến việc người tiêu dùng kia chuyển khoản hơn $5,000 cho tài khoản của một người tự nhận là chủ sở hữu của một biệt thự trượt tuyết ở Châu Âu, sau khi hồi đáp qua email trông rất giống là từ Airbnb.

Người tiêu dùng cuối cùng mới phát hiện ra địa chỉ thực sự của bất căn nhà mình thuê là ở một nước khác, được dùng để quảng cáo mà thôi.

Airbnb đối phó với nạn lừa đảo

Một phát ngôn viên của Airbnb Úc cho The Age biết, họ đã ủy thác cho nhân viên và đội ngũ an toàn trên toàn cầu "làm việc 24/7" để đối phó với vấn đề mà nhiều khách tố cáo và ngăn chặn gian lận.

"Airbnb sẽ không bao giờ yêu cầu bạn phải trả chi phí đặt phòng bên ngoài trang web hoặc thông qua email.”

“Điểm mấu chốt là khi bạn đặt phòng thông qua nền tảng công nghệ an toàn của chúng tôi, bạn nhận được những lợi ích về sự tin tưởng và được bảo đảm an toàn bởi đội ngũ toàn cầu của Airbnb."

"Hơn 150 triệu khách đã giao dịch an toàn, điều đó là kết quả tích cực trên Airbnb và chuyện lừa đảo là cực kỳ hiếm.”

“Chúng tôi chủ động hướng dẫn cho khách mới của chúng tôi về tầm quan trọng của việc đặt phòng và giao dịch hoàn toàn trên nền tảng Airbnb," phát ngôn nhân Airbnb nói.

Tại Úc thì trong năm 2015, ACCC đã trở thành một trong các cơ quan từ 60 quốc gia thành viên, bảo vệ người tiêu dùng quốc tế.


Share
Published 20 February 2017 7:46pm
Updated 20 February 2017 7:49pm
By Xuân Ngọc

Share this with family and friends