Úc bất ngờ ngừng kế hoạch phát triển vắc-xin COVID-19 của Queensland University và CSL

Thủ tướng Morrison sáng ngày 11/12 khẳng định vắc-xin do các nhà khoa học của Đại học Queensland (UQ) phối hợp với hãng dược phẩm CSL phát triển sẽ không còn nằm trong kế hoạch vắc-xin của Úc.

vaccine

Vaccine. Source: Pixabay

Mặc dù không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được thấy trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 1 với 216 tình nguyện viên, nhưng CSL cho biết “Các kháng thể đã phát triển can thiệp vào chẩn đoán HIV và dẫn đến dương tính giả trong một số xét nghiệm HIV” .


Highlights

Thủ tướng Morrison tuyên bố ngừng phát triển vắc xin COVID-19 từ Đại học Queensland (UQ) và CSL.

Các nhà nghiên cứu cho biết vắc-xin tạo ra kháng thể dẫn đến kết quả xét nghiệm HIV "dương tính giả"

CSL cho biết quyết định dừng thử nghiệm vắc-xin để duy trì niềm tin của công chúng.


 

CSL đã đi đến quyết định với chính phủ Úc về việc ngừng thử nghiệm giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của vắc-xin. Còn giai đoạn 1 của quá trình thử nghiệm vẫn được tiếp tục để thu thập và phân tích dữ liệu cho các nghiên cứu sau.

Andrew Nash - giám đốc khoa học của CSL - cho biết: “Kết quả này làm tăng nguy cơ thất bại liên quan đến việc phát triển vắc-xin sớm”.

Thủ tướng Scott Morrison sáng 11/12 đưa ra thông báo chính thức:

“Vắc-xin của đại học Queensland sẽ không thể tiến hành dựa trên lời khuyên khoa học và nó sẽ không còn nằm trong kế hoạch phát triển vắc-xin của Úc nữa”.

Ông Morrison cũng cho biết Úc sẽ xem xét lại nguồn lực và khả năng để bảo đảm cung cấp vaccine theo kế hoạch. Theo đó Úc sẽ mua bổ sung 31 triệu liều vắc-xin Covid-19 của các hãng dược phẩm AstraZeneca và Novavax.

Các nhà khoa học trong chương trình phát triển vắc-xin coronavirus của Đại học Queensland thất vọng trước quyết định từ bỏ thử nghiệm, nói rằng đó là một "quyết định dựa trên rủi ro" để duy trì niềm tin của công chúng vào quy trình vắc-xin COVID-19.

Phát biểu trong một hội nghị sau khi quyết định được công bố vào sáng thứ Sáu (11/12), các nhà lãnh đạo của nhóm nghiên cứu cho biết vắc xin Đại học Queensland đã phát triển một phản ứng miễn dịch "mạnh mẽ" và an toàn.

Nhưng khi thử nghiệm với 216 người tình nguyện, các nhà nghiên cứu đã phát hiện vắc-xin này tạo ra các kháng thể bổ sung khiến một số xét nghiệm HIV gặp khó khăn, dẫn đến kết quả dương tính giả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết vắc-xin không có tác động xấu đến sức khỏe và không có khả năng gây nhiễm HIV.

Giáo sư Paul Young, trưởng nhóm vắc xin của Đại học Queensland cho biết:

"Chúng tôi cảm thấy thất vọng. 11 tháng qua chúng tôi đã sống và thở với dự án đặc biệt này. Đó là khoảng thời gian đầy thử thách.” "Nhưng đó là khoa học."

Giáo sư Young cho biết nhóm nghiên cứu không lường trước được phản ứng "dương tính giả", nhưng nhắc lại rằng công nghệ được sử dụng là an toàn và hiệu quả.

"Chúng tôi đã dự đoán có thể có vấn đề với protein HIV, đó là lý do tại sao chúng tôi đưa nó vào các mẫu đơn đồng ý ban đầu cho những người tham gia thử nghiệm”, Giáo sư Young nói.
"Nhưng chúng tôi không mong đợi rằng tất cả những người tham gia thử nghiệm sẽ phản ứng với loại kháng thể cấp thấp này. Đó là phát hiện bất ngờ."
Tiến sĩ Russell Basser, từ CSL, cho biết yếu tố "quan trọng" của việc từ bỏ vắc-xin ở giai đoạn hiện tại là để duy trì niềm tin của công chúng vào quá trình phát triển vắc-xin. Ông cho biết:

“Nếu không có vắc-xin nào khác đang được nghiên cứu và đây là vắc-xin có khả năng tìm ra giải pháp cho COVID thì chúng tôi có thể vẫn tiếp tục. Nhưng vì vấn đề quá lớn và cần phải duy trì sự tin trong quá trình nghiên cứu, đó là một phần rất quan trọng.”

Giáo sư Kristine Macartney, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tiêm chủng Quốc gia, nói với ABC rằng yếu tố dương tính giả với HIV rõ ràng là một "vấn đề thực tế" và quyết định từ bỏ vắc-xin là "khôn ngoan".

Giáo sư Macartney, người đang cố vấn cho Chính phủ Úc về phản ứng với vắc xin COVID-19, cho biết việc tiếp tục nghiên cứu có thể gây ra sự nhầm lẫn. Bà nói:

“Nó có thể được hiểu sai hoặc gây ra sự thiếu tin tưởng vào vắc-xin."

"Điều chúng ta phải nhớ với nghiên cứu vắc-xin là có rất nhiều giai đoạn khác nhau được đưa vào thử nghiệm trên người. Và mỗi quy trình này được thiết kế để đảm bảo chúng an toàn, hiệu quả và phù hợp để sử dụng trong cộng đồng.

"Hơn 90% sản phẩm không bao giờ thành công và nhiều sản phẩm không vượt qua được giai đoạn 1."

Share
Published 11 December 2020 3:25pm
Updated 11 December 2020 5:21pm
By Thanh Ngôn

Share this with family and friends