Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức đã lên tiếng phản đối với Đại sứ Việt Nam tại Berlin và yêu cầu tùy viên tình báo của tòa đại sứ phải rời Đức tong vòng 48 tiếng.
Chưa thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng gì sau khi Bộ Công An Việt Nam hôm 31/7 loan báo là ông Thanh đã "đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra đầu thú" nhưng không cho biết thêm chi tiết nào.
Chính thức phản đối ngoại giao
Trong thông cáo hôm 2/8 Bộ Ngoại giao Đức cho biết Đại sứ Việt Nam đã được triệu tập.
"Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ gì về sự liên quan của các cơ quan của Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, ngày hôm qua đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức."
Thông cáo mô tả việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là "hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có."
Thông cáo cũng cho biết giới chức thực thi luật pháp Đức đang tiến hành điều tra thêm.
Phía Đức xác nhận rằng tại các cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg trong tháng trước, giới chức Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ ông Thanh từ Đức về Việt Nam, vì vậy vụ bắt cóc đã làm mất lòng tin ở nhau.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức cho biết ông Markus Ederer đã nói rõ với Đại sứ Việt Nam quan điểm của Chính phủ Đức rằng "Chính phủ Liên bang Đức đòi phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý".
Trinh Xuan Thanh was reportedly seeking asylum in Germany Source: AFP
Trịnh Xuân Thanh là ai?
Ông Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Sau khi rời ngành dầu khí, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ trong thời gian ngắn. Sau đó, ông lại được thuyên chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ông Thanh bắt đầu bị chú ý từ giữa năm 2016 vì lối sống xa hoa khiến ông Trọng đã ra lệnh điều tra. Sau đó ông Thanh khai bệnh và biến mất trong 10 tháng qua.
Tháng 11/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản quyết định kỷ luật một số lãnh đạo trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong số này, có ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
Năm 2016, sau khi truy nã Trịnh Xuân Thanh, công an Việt Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn người trong PVC về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng Hai 2017, năm người khác bị khởi tố, trong đó có ba người làm tại PVC.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được Đài Tiếng Nói Việt Nam trích dẫn đã yêu cầu "rà soát lại tất cả các vụ án đang làm, vụ án nào có điều kiện thì tập trung làm dứt điểm, nhất là vụ án Hà Văn Thắm và vụ án Trịnh Xuân Thanh".
Vụ án Trịnh Xuân Thanh vẫn đang được mở rộng điều tra.
Một sự dàn xếp giữa các phe nhóm?
Bình luận với RFA, blogger Người Buôn Gió, người cho biết có tiếp xúc trực tiếp với ông Thanh tại Đức trước khi ông bị bắt cóc, nghĩ rằng chuyện này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến bang giao Việt-Đức.
"Nếu như Đức chứng minh được Việt Nam sang đây bắt người thì sẽ có những cái gay gắt về quan hệ ngoại giao nhưng sẽ không bằng những người bất đồng chính kiến."
"Nhưng ở địa vị anh Thanh thì ở một vị thế khác. Anh ấy có một cái lệnh về tội làm thất thoát, tham nhũng," blogger Người Buôn Gió nhận xét.
"Đầu tiên thì đây là sự sôi động về chính trị, nếu ông Thanh không bị bắt cóc mà sống yên lành ở Đức thì việc này cũng chìm vào quên lãng."
"Sự việc ông Thanh trở về thật ra cũng không hẳn là trong nội bộ Cộng Sản vui mừng. Về mặt dân chúng thì thể hiện sự vui mừng thế thôi nhưng nó không có giá trị gì nhiều.
"Tôi nghĩ đây là sự giàn xếp giữa các phe nhóm với nhau. Bản thân những người đưa về người ta cũng không để cho các phe khác trong Đảng biết," blogger Người Buôn Gió nhận định.