Victoria: “Người bị nhiễm coronavirus vẫn ra đường tập thể dục”

Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến các ca nhiễm COVID-19 ở Victoria không hề thuyên giảm.

People exercise at Albert Park Lake in Melbourne.

People exercise at Albert Park Lake in Melbourne. Source: AAP Image/Michael Dodge

Highlights
  • Theo luật Victoria, những người dù bị nhiễm COVID-19 vẫn được phép ra ngoài tập thể dục.
  • Nhiều nhân viên thời vụ không muốn nghỉ ốm do áp lực về tài chính, đặc biệt xảy ra ở lĩnh vực chăm sóc cao niên
  • Các chuyên gia đề xuất nên thực hiện giãn cách xã hội mạnh tay hơn, người dân thậm chí không được đi làm
Giới chức y tế vừa tiết lộ một nguyên nhân khiến họ không thể ngăn những người bị nhiễm COVID-19 ra đường là vì một kẽ hở luật pháp.

Trưởng ban Y tế Victoria, tiến sỹ Brett Sutton đã cho biết những người bị nhiễm COVID-19 vẫn được phép ra khỏi nơi cách ly để tập thể dục. Và điều đó nằm trong Đạo Luật Hiến chương Nhân quyền và Trách nhiệm Victoria.

“Nếu không cho họ ra ngoài thì đó là sự giam giữ, và chúng tôi không muốn có trường hợp bị giam giữ ở Victoria,” tiến sỹ Sutton nói.
Lý tưởng nhất là họ tập thể dục trong nhà hoặc ngoài sân vườn. Nhưng đối với những người không có sân vườn thì họ không có lựa chọn nào khác và họ vẫn có quyền được tập thể dục.
“Do đó theo Đạo Luật Hiến chương Nhân quyền và Trách nhiệm Victoria, nếu không cho phép người khác được tập thể dục thì có nghĩa là bạn đang giam họ trong tù và đó là điều không được phép làm cho bất cứ trường hợp nhiễm COVID-19 nào hoặc bất cứ người nào ở Victoria, dù bất cứ lý do gì.”

Victoria ngày hôm nay đã ghi nhận 384 ca nhiễm mới, 6 ca tử vong.

Việc đeo khẩu trang chưa thực sự được tuân thủ

Quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng được ban hành chưa đầy một tuần với hi vọng sẽ làm giảm đáng kể các ca nhiễm COVID-19. Nhưng theo lời tiến sỹ Philip Russo, chủ tịch Trường đào tạo về Ngăn ngừa và Kiểm soát Lây nhiễm của Úc (ACIPC), nói với ABC thì việc thực hiện vẫn còn rất lỏng lẻo.

“Rõ ràng có những người không tuân theo hướng dẫn và có thể họ cho rằng họ sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều nếu có bị nhiễm COVID-19.”

Và thực tế đã có những trường hợp cố ý không tuân thủ quy định đeo khẩu trang nơi công cộng ở Victoria.

Chẳng hạn như trường hợp một phụ nữ đã không chịu đeo khẩu trang khi vào siêu thị Bunnings, và còn nhất quyết cho rằng việc đeo khẩu trang là vi phạm nhân quyền. Video của người phụ nữ này tự quay được đăng tải lên mạng xã hội đã vấp phải sự chỉ trích của rất nhiều người.
Ngoài ra tiến sỹ Russon còn phân tích rằng việc đeo khẩu trang có thể khiến người dân trở nên tự tin đi ra ngoài và quên mất các quy định giãn cách khác.

“Mặc dù đeo khẩu trang nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục tuân thủ các giới hạn, chỉ nên ra ngoài vì bốn mục đích đó là mua sắm thực phẩm thiết yếu, đi khám bệnh, tập thể dục và đi học hoặc đi làm.”

Áp lực phải có mặt ở nơi làm việc

Thủ hiến Victoria Daniel Andrews đã nói ‘có rất nhiều người vẫn đi làm khi đang bị bệnh’, thay vì họ phải đi làm xét nghiệm và ở nhà trong lúc chờ kết quả. Và những đối tượng này chính là tác nhân lớn nhất trong việc làm lây nhiễm virus trong cộng đồng.

Và vấn đề này xảy ra nhiều nhất ở các viện dưỡng lão, thủ hiến cho biết thêm.

Julia Leask, một nhà khoa học xã hội chuyên về các nguy cơ trong lĩnh vực truyền thông và chăm sóc điều dưỡng tại Đại học Sydney, nói với ABC rằng nguyên do khiến các nhân viên ngần ngại không dám nghỉ ốm là do sự không ổn định về mặt tài chính.
Thí dụ, đối với các nhân viên thời vụ, việc phải ở nhà cách ly sau khi làm xét nghiệm đồng nghĩa với việc không có việc làm, không có thu nhập, ít cơ hội có thêm giờ làm trong tương lai, và dẫn đến áp lực về mặt tài chính.
"Trong tình huống đó, họ sẽ xem việc bị đau họng là do bị cảm vặt thông thường.”

Việc phong tỏa cần làm mạnh tay hơn

Theo ABC, giáo sư Mary-Louise McLaws, chuyên gia về dịch tễ học và là thành viên của WHO, đã cho rằng một nguyên nhân khiến các ca nhiễm COVID-19 tăng không kiểm soát đó là chính phủ chưa thực sự mạnh tay đối với việc giãn cách xã hội.

“Hàng rào phong tỏa chưa thực sự chặt chẽ. Nếu phong tỏa thì người dân phải thực sự bị giữ trong nhà, không được phép rời đi đâu cả.”

Theo lời giáo sư McLaws, việc phong tỏa hoàn toàn phải được thực hiện giống như đã làm tại các nhà xã hội, khi đó người dân thậm chí không được ra ngoài đi làm.

“Nhưng nếu chúng ta chỉ thực hiện việc phong tỏa theo một cách thức ‘nhẹ nhàng’ thì ít nhất cũng phải bắt người dân đeo khẩu trang khi đi làm.”

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 28 July 2020 3:33pm
Updated 28 July 2020 4:08pm
By Hương Lan

Share this with family and friends