Trong năm đầu tiên trở lại làm việc sau khi sinh bé Emilia, cô Vivienne Lai thường xuyên nhận được cuộc gọi từ nhà trẻ.
“Cứ hai tuần tôi lại nhận được một cuộc gọi báo rằng bé bị dị ứng với một món nào đó, và mỗi khi nhận được cuộc gọi như vậy thì ngày của tôi lại trở nên tồi tệ,” cô nói với SBS News.
Emilia, còn gọi là Emmy, hiện đã hai tuổi rưỡi và được chẩn đoán mắc chứng dị ứng với đậu phộng, sữa bò, trứng, hạt điều và hạt dẻ cười (pistachio).
Cô Vivienne cho biết hành trình của Emmy “khác với hầu hết những đứa bé khác” vì cô bé bị dị ứng muộn.
“Bé có thể chịu đựng được những chất gây dị ứng này trong vài tháng đầu đời. Mãi cho đến trước khi bé tròn một tuổi, chúng tôi mới phát hiện ra bé có phản ứng với chúng,” cô nói.
“Khi phản ứng bất ngờ xảy ra, đó là một cú sốc lớn và khiến chúng tôi vô cùng thất vọng và lo lắng.”
Vivienne Lai with her husband Viet and daughter Emilia. Source: Supplied / Vivienne Lai
Thông thường, Emmy bị phát ban quanh miệng, ngực và lưng, và đôi khi có những phản ứng nghiêm trọng hơn bao gồm sưng tay hoặc chân.
Rất may là cô bé vẫn chưa bị sốc phản vệ, đây là loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất cần được điều trị ngay lập tức.
Tình hình sức khoẻ của bé dường như đã được cải thiện, nhưng đó là một trải nghiệm mà Vivienne mô tả là “đáng sợ” và “gây lo lắng”.
Vivienne Lai and her husband Viet with daughter Emilia, who lives with multiple allergies. Credit: Vivienne Lai
Nghiên cứu mới về tỷ lệ dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh
Một nghiên cứu được công bố hồi tuần trước đã tiết lộ số trẻ sơ sinh ở Úc bị dị ứng với hạt điều và sữa bò.
Theo hai nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch ở Melbourne dẫn đầu, tỷ lệ trẻ em 12 tháng tuổi bị dị ứng hạt điều và sữa bò lần lượt là 1,4 và 1,3% trẻ 12 tháng tuổi bị dị ứng hạt điều và sữa bò. Một nghiên cứu trước đây cho thấy 3,1% trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc chứng dị ứng đậu phộng.
Cả hai nghiên cứu đều khảo sát hơn 1.900 trẻ sơ sinh trong độ tuổi nêu trên và được Trung tâm Nghiên cứu Dị ứng Thực phẩm hỗ trợ.
Nghiên cứu về dị ứng hạt điều được phụ trách bởi tiến sĩ Tim Brettig thuộc Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, chuyên gia về dị ứng và miễn dịch học nhi khoa thuộc Tập đoàn Y tế MACCS ở Melbourne.
Ông cho biết những phát hiện này củng cố giả thuyết rằng dị ứng hạt điều, giống như hầu hết các loại dị ứng thực phẩm khác, được cho là phát triển sớm trong đời.
“Các phương pháp truyền thống thường khuyến khích cho trẻ ăn các loại hạt muộn hơn. Bây giờ chúng tôi biết từ một số nghiên cứu rằng việc cho trẻ ăn sớm có thể giúp giảm tỷ lệ dị ứng,” ông nói.
“Đối với các bậc cha mẹ hoặc chuyên gia y tế, chúng tôi có thể sử dụng bằng chứng đó để hỗ trợ cho cách tiếp cận và chăm sóc trẻ bị dị ứng thực phẩm.”
Tiến sĩ Victoria Soriano thuộc Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, người phụ trách nghiên cứu thứ hai, cho biết sữa bò và hạt điều nằm trong số những loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, với tỷ lệ mắc bệnh khác nhau giữa các quốc gia.
“Tuy nhiên, không có dữ liệu gần đây về tỷ lệ dị ứng sữa và hạt điều đã được chứng minh ở Úc, khiến những phát hiện này trở nên quan trọng đối với các nghiên cứu trong tương lai về cách chúng ta có thể ngăn ngừa chúng,” bà nói.
Tình trạng gia tăng dị ứng thực phẩm ở Úc
Theo Chiến lược Ứng phó Dị ứng Quốc gia do Hiệp hội Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng Úc (ASCIA) và cơ quan vận động cao nhất là Dị ứng & Sốc phản vệ Úc (A&AA) phát triển, dị ứng là một trong những bệnh mãn tính phát triển nhanh nhất ở Úc, ảnh hưởng đến khoảng 1/5 dân số.
Điều này có thể bao gồm dị ứng thực phẩm, côn trùng và thuốc, cùng với bệnh hen suyễn dị ứng, viêm mũi dị ứng (hay fever), và bệnh chàm.
Số người người mắc bệnh dị ứng ở Úc vào năm 2050 được dự đoán sẽ tăng 70% lên 7,7 triệu người, theo báo cáo của ASCIA năm 2013.
Bà Maria Said, giám đốc điều hành A&AA và giám đốc Hội đồng Dị ứng Quốc gia, cho biết dị ứng thực phẩm cũng trở nên phổ biến hơn trong hai thập niên qua.
“Nó rất hiếm vào những năm 1990. Nó chắc chắn không phải là hiếm bây giờ. Lớp học nào cũng có một trẻ em bị dị ứng thực phẩm,” bà nói.
Tiến sĩ Brettig cũng có quan điểm tương tự. “Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ dị ứng thực phẩm ngày càng tăng ở nhiều nước phát triển hoặc thuộc thế giới thứ nhất, đặc biệt là những nước có nền văn hóa phương Tây,” ông nói.
Khoảng 1 trong 10 trẻ sơ sinh ở Úc bị dị ứng thực phẩm đã được chứng minh, theo cơ quan nghiên cứu về dị ứng hàng đầu của Úc. Đây là một trong những tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trên thế giới.
Tình trạng này ảnh hưởng đến 1 trong 20 trẻ em từ 10 đến 14 tuổi và 1 trong 50 người lớn.
Nguyên nhân khiến dị ứng thực phẩm gia tăng là gì?
“Chúng tôi có một số ý tưởng về những gì có thể khiến dị ứng thực phẩm gia tăng – chúng tôi nghĩ đó là sự kết hợp của các yếu tố môi trường, chẳng hạn như lượng vitamin D hấp thụ,” bà Said nói.
Nghiên cứu của tiến sĩ Brettig cho thấy bệnh chàm và dị ứng đậu phộng có liên quan đến dị ứng hạt điều.
Tiến sĩ Soriano xác định rằng, cùng với bệnh chàm, những trẻ sơ sinh có tiền sử gia đình bị dị ứng thực phẩm và cha mẹ sinh ra ở Đông Á có nhiều khả năng bị dị ứng sữa bò hơn.
Các nghiên cứu đang xem xét liệu việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ này và tiếp xúc với môi trường có thể làm giảm tỷ lệ dị ứng hay không.
“Nhưng nó vẫn chưa được chứng minh ở giai đoạn này,” tiến sĩ Brettig nói.
Bé Emmy đã tham gia vào một thử nghiệm do Nhóm Nghiên cứu Dị ứng trong Dân số thuộc Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch dẫn đầu, nhằm xác định xem việc bổ sung vitamin D có làm giảm dị ứng thực phẩm hay không.
Emmy là một trong 2.700 trẻ sơ sinh tham gia vào chương trình này từ 6 đến 12 tuần tuổi. Mỗi đứa trẻ được cho uống vitamin D mỗi ngày trước khi kiểm tra dị ứng khi được 1 tuổi.
Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Úc quy định như thế nào về nhãn mác thực phẩm?
Hầu hết dị ứng thực phẩm là do đậu phộng, hạt cây, sữa, trứng, hạt vừng, cá và nghêu sò ốc hến, đậu nành, đậu lupin và lúa mì.
Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc New Zealand quy định .
Bà Said nói rằng luật pháp Úc quy định rất nghiêm ngặt về việc liệt kê các chất gây dị ứng phổ biến nhất trên bao bì, nhưng đặt câu hỏi liệu việc giám sát có được thực hiện đầy đủ hay không.
“Trong hầu hết trường hợp, chúng ta chờ cho đến khi có người bị dị ứng thì mới phát hiện một sản phẩm không được ghi nhãn phù hợp,” bà nói. “Tuy nhiên, tôi rất vui vì chính phủ đang có nhiều đợt thử nghiệm hơn, và họ đang tiến hành thu hồi một số sản phẩm cụ thể sau khi kiểm tra đột xuất.”
Theo FSANZ, các chất gây dị ứng không được khai báo là lý do phổ biến nhất dẫn đến việc thu hồi thực phẩm hàng năm.
Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 18/8/2023, đã có 141 đợt thu hồi ở Úc, 43% trong số này là do có chứa các chất gây dị ứng không được ghi rõ trên nhãn mác.
Kể từ năm 2018, tỷ lệ thu hồi trung bình hàng năm do lý do này dao động ở mức 44%.
The number of food recalls from 2013 to 2022 due to undeclared allergens (by allergen). Source: SBS
Trong số 346 đợt thu hồi từ năm 2013 đến năm 2022, chất gây dị ứng không được khai báo phổ biến nhất là sữa (30%), nhiều chất gây dị ứng (18%) và đậu phộng (15%).
Hồi năm 2021, bộ luật đã được sửa đổi để đưa ra các yêu cầu mới về việc ghi nhãn chất gây dị ứng trong thực phẩm.
“Những thay đổi này nhằm mục đích làm cho thông tin về chất gây dị ứng trên nhãn mác thực phẩm rõ ràng và nhất quán hơn bằng cách yêu cầu khai báo chất gây dị ứng ở định dạng và vị trí cụ thể trên nhãn thực phẩm bằng các thuật ngữ tiếng Anh cụ thể, đơn giản và dễ hiểu,” một phát ngôn nhân của FSANZ cho biết.
Các doanh nghiệp có thời hạn đến ngày 25/2/2024 để thực hiện các thay đổi này, sau đó thời hạn hai năm lưu kho sẽ được áp dụng.
The number of food recalls from 2013 to 2022 due to undeclared allergens (by food type). Source: SBS
Bà Said cho rằng cụm từ này (viết tắt là PAL – precautionary allergen labelling) là điều đáng lo ngại.
“Một công ty có thể chọn ghi câu này hoặc không, và người tiêu dùng không có cách nào để biết liệu sản phẩm đã được đánh giá rủi ro kỹ lưỡng hay chưa,” bà nói.
“Đây là một vấn đề lớn mà chúng tôi đã lên tiếng với chính phủ và ngành công nghiệp thực phẩm.”
Tuy nhiên, cơ quan cao nhất đại diện cho việc quản lý chất gây dị ứng trong ngành thực phẩm đã phát triển các hướng dẫn về việc sử dụng PAL.
Còn thực phẩm nhập khẩu thì sao?
Các nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo ngại về việc dán nhãn sai đối với các sản phẩm thực phẩm được nhập khẩu vào Úc.
Cách đây vài năm, giáo sư Andreas Lopata thuộc Đại học James Cook đã dẫn đầu một nghiên cứu thử nghiệm . Gần một nửa số sản phẩm (46%) bị phát hiện có chứa chất gây dị ứng không khai báo, và 18% chứa nhiều chất gây dị ứng không khai báo. Các thành phần này bao gồm trứng, gluten, sữa và đậu phộng – một số có nồng độ rất cao.
“Chúng đã bị dán nhãn sai quy định, có nghĩa là chúng không có bất kỳ thông tin nào về sự hiện diện của các chất gây dị ứng đã được xác nhận thông qua xét nghiệm,” ông nói.
“Những cửa hàng và sản phẩm này thường không có nhãn tiếng Anh… không phù hợp với quy định của chúng ta.”
Vào thời điểm đó, ông Lopata cho biết nghiên cứu này đã thu hút sự quan tâm từ các cơ quan quản lý thực phẩm nhập khẩu Úc. Ông hy vọng nghiên cứu này sẽ nâng cao nhận thức và dẫn đến các quy trình chặt chẽ hơn.
Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý đạo luật quy định thực phẩm nhập khẩu phải an toàn và tuân thủ các tiêu chuẩn của Úc.
Bộ thực hiện “chương trình kiểm tra dựa trên rủi ro ở biên giới”.
“Theo chương trình này, thực phẩm được phân loại là ‘rủi ro’ ban đầu được đưa đi kiểm tra với tỷ lệ 100%,” phát ngôn nhân cho biết. “Các loại thực phẩm khác được kiểm tra ngẫu nhiên.”
Tất cả thực phẩm đều phải trải qua quá trình kiểm tra nhãn mác, bao gồm kiểm tra nhãn bằng tiếng Anh, và bảo đảm mọi khai báo về chất gây dị ứng đều tuân thủ quy định.
Sau khi thực phẩm được nhập khẩu vào Úc, các cơ quan quản lý thực phẩm của tiểu bang và lãnh thổ sẽ tiếp tục giám sát việc tuân thủ quy định tại điểm bán hàng.
Bộ đã biết về nghiên cứu của giáo sư Lopata và cơ quan quản lý thực phẩm cấp tiểu bang đã làm việc với các doanh nghiệp có liên quan.
“Tuy nhiên, do các mẫu thử được mua vào năm 2017 nên nhiều cơ sở kinh doanh không còn hoạt động hoặc sản phẩm không còn được nhập khẩu nữa.”
Mặc dù việc kiểm tra tất cả các loại thực phẩm nhập khẩu để tìm chất gây dị ứng không được khai báo là không thực tế và không khả thi, Bộ đang tìm cách giảm thiểu rủi ro thông qua các biện pháp như theo dõi các cảnh báo quốc tế, thu hồi sản phẩm, cũng như xử lý các trường hợp vi phạm do cơ quan quản lý tiểu bang và lãnh thổ xác định.
The number of food recalls from 2013 to 2022 in Australia. Source: SBS
“Nếu bạn có một sản phẩm trong tủ bếp đã bị thu hồi, đừng sử dụng sản phẩm đó. Bạn có thể mang trở lại nơi bán và thông thường bạn sẽ được hoàn tiền,” bà Lydia Buchtmann, giám đốc truyền thông của Hội đồng Thông tin An toàn Thực phẩm cho biết.
Bà khuyên người tiêu dùng nếu gặp phải các mặt hàng thực phẩm bị dán nhãn sai quy định thì hãy giữ lại sản phẩm cùng với bao bì.
“Bạn có thể trình báo với hội đồng địa phương,” bà nói.
Nếu bạn bị bệnh sau khi sử dụng sản phẩm, hãy đến gặp bác sĩ – đặc biệt là phụ nữ mang thai, người già, hoặc người bị suy giảm miễn dịch.
Nếu bạn bị dị ứng, A&AA khuyên bạn nên làm theo lời khuyên trong Kế hoạch hành động ASCIA. Nếu nghi ngờ, hãy sử dụng EpiPen hoặc Anapen để truyền adrenaline. Nếu bạn không có kế hoạch hành động, EpiPen hoặc Anapen, hãy gọi 000 để yêu cầu xe cấp cứu.
Những người mắc bệnh dị ứng có thể tìm kiếm thêm thông tin trực tuyến từ A&AA hoặc gọi số 1300 728 000.