Người có visa tạm trú ở Tây Úc chật vật đi qua mùa dịch

Giãn cách xã hội ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của những người có visa tạm trú ở Tây Úc, nhất là sinh viên. Nhưng bên họ, có những tấm lòng sẻ chia từ cộng đồng.

Đóng gói quà để chuẩn bị trao cho các bạn sinh viên.

Đóng gói quà để chuẩn bị trao cho các bạn sinh viên. Source: Supplied

  • Người có visa tạm trú ở Tây Úc gặp khó khăn do mất việc trong giãn cách xã hội
  • Sinh viên là một trong những nhóm gặp khó khăn nhất
  • Cộng đồng người Việt ở Tây Úc chung tay giúp các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn   
Ngày làm việc của chị Hoàng Lan (ở Perth) đã trở lại như trước khi dịch diễn ra từ hơn 2 tuần nay. Chị đang làm phụ bếp cho một quán cafe ở vùng ngoại ô của Perth. Còn trước đó, trong hơn 2 tháng, chị Lan đứng ngồi không yên vì tự dưng mình bị... mất việc do dịch.

“Giãn cách xã hội nên hàng quán như quán cafe nơi tôi làm phải đóng cửa. Sau đó, tuy có cho mở cửa để take away nhưng do lượng khách giảm nên tôi cũng chưa được gọi đi làm việc,” chị Lan kể. 

Chị Lan có visa tạm trú theo chồng là du học sinh qua Úc được ba năm. Và cũng trong ngần ấy thời gian, chị bắt đầu nghề mới, đó là làm phụ bếp cho các quán cafe. Công việc đem lại cho chị nguồn thu nhập ổn định, đủ duy trì cuộc sống nếu không xảy ra dịch.

“Trong hơn hai tháng đó, tôi đứng ngồi không yên vì lâu nay, bên cạnh học bổng của chồng tôi, tiền lương của tôi là nguồn thu nhập chính cho cả gia đình, từ tiền nhà, tiền ăn, rồi lo cho hai nhỏ đang tuổi ăn tuồi học và ngày một lớn.

"Trong khoảng thời gian đó, tôi tìm đủ cách để có thể kiếm một công việc tạm thời khác, như xin đi làm ở tiệm bán trái cây, phụ bếp tiệm phở, hay xin đi bán hàng ở cửa hàng tạp hóa, thậm chí xin đi dọn vệ sinh.

"Tuy nhiên, tôi  không được chấp nhận chưa có kinh nghiệm làm những việc này. Có nơi tôi thử việc được ba ngày thì chủ gọi điện bảo, chị ơi chị không thích hợp với công việc này. Thậm chí có nơi tôi đi thử việc clean suốt 6 giờ liên tục, nhưng người quản lý chê làm chậm quá và cũng chẳng trả một đồng nào luôn.

"Sau đó, tôi được một chị bạn khuyên là vào rút tiền bảo hiểm xã hội sớm. Cũng được một khoản nhưng chẳng thấm vào đâu, chỉ như 'muối bỏ biển'” - chị Lan cho hay.

Chồng chị Lan cũng làm đơn và được trường đại học nơi anh theo học hỗ trợ một khoản tiền một lần. Tuy nhiên, cũng chỉ đủ trả vài tuần tiền nhà là hết, trong khi công ty cho gia đình anh chị thuê nhà  lại cho hay rằng, chủ nhà không đồng ý giảm tiền thuê vì giá thuê như vậy là ở vào mức thấp.

Tình cảnh của gia đình chị Lan trong mùa dịch không là cá biệt, không chỉ với những sinh viên mà ngay cả những người có visa tạm trú như 485.

Tuy không phải nghỉ việc lâu như chị Lan, nhưng chị Ly, một người có visa tạm trú khác, chỉ phải nghỉ việc trong 2 tuần đầu rồi được gọi đi làm lại,

Tuy nhiên, sau đó, chị Ly nhận thấy rằng, việc chỉ làm một công việc mang tính tạm thời cho một chủ lao động là quá bấp bênh.

Bởi vậy, chị tự ‘xoay’ thêm nghề mới là nấu thức ăn và rao bán hàng qua Facebook. “Sẵn đã thích công việc đó, từ sau dịch tôi quyết tâm làm luôn, coi như có thêm nghề mới”, chị Ly nói.

Cũng có visa tạm trú nhưng những người may mắn tìm được những công việc như bán hàng tạp hóa hay làm nhân viên văn phòng, không bị ảnh hưởng nhiều bởi mất việc do giãn cách xã hội.

Như vậy, có thể nói, trong mùa dịch, sinh viên là một trong những nhóm người bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, chính phủ Tây Úc không có chính sách gì hỗ trợ.

Thay vào đó, các trường đại học ở Tây Úc có các ngân khoản hỗ trợ nhưng tất nhiên, chỉ có thể cung cấp cho một số sinh viên, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn nhât.

Cộng đồng cùng chung tay

Trong tình cảnh như vậy, mới thấy quý những tấm lòng từ cộng đồng người Việt chung tay hỗ trợ cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Một nhóm các bà mẹ ở Perth đã cùng nhau đứng ra tổ chức quyên góp và mua hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm để tặng cho các bạn sinh viên gặp khó khăn.

Chị Trinh Lê, một thành viên trong nhóm, nói với SBS Việt ngữ rằng, bản thân chị cùng các thành viên khác nhiều năm trước cũng là sinh viên, xa nhà nên thấu hiểu hoàn cảnh của các bạn sinh viên.
Có bạn nhắn tin bảo em là sinh viên, cũng khó khăn nhưng chưa đến nỗi lắm, nếu có bạn nào khó khăn hơn thì bọn chị cứ nhường lại cho bạn ấy.
Lúc đầu, nhóm chỉ tính quyên góp trong nội bộ, nhưng một chị trong nhóm bàn đăng lên Facebook của Cộng đồng người Việt ở Tây Úc để những người khác cũng có cùng ý dịnh như vậy cùng tham gia.

“Ai có gì góp nấy, đa số góp tiền và chuyển đến tài khoản của em, nhưng cũng có người góp hiện vật, Một chị làm nhà hàng còn góp chả giò, hoành thánh. Ai có lòng là tụi tôi nhận hết, sau đó chia nhau mua hàng, rồi lại cùng nhau đóng gói để các bạn sinh viên đăng ký và đến nhận. Một số bạn không có điều kiện đến nhận vì hằng ngày họ đi học bằng xe bus, nhóm cũng đưa hàng đến tận nơi cho các bạn.”
Facebook ad
Source: Facebook
Tính ra, chỉ trong có 2 ngày đăng lên Facebook đến lúc chốt sổ, nhóm đã thu được 4,400 Úc kim cùng các hàng hóa khác. Từ đó, nhóm đã mua và trao 65 phần quà gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, chả giò... tặng các bạn sinh viên.  Nhu cầu nhiều hơn và số tiền thu được cũng khám nên số quà trao cho các bạn sinh viên vượt quá dự tính ban đầu của cả nhóm.

“Lúc đầu, cũng không nghĩ là quyên góp được nhiều, nên nhóm dự tính chỉ trao 30 phần quà, nhưng sau thấy số đăng ký cũng khác nhiều, nên nhóm tăng lên 50 rồi 65 phần quà.

“Một nửa trong số các bạn nhận quà là những bạn mới qua Úc học; có bạn mới qua được ba tháng, 6 tháng, thì bất ngờ dịch bùng nổ, các bạn rời vào tình trạng hoang mang. Nhìn tình cành mấy bạn, tôi lại nhớ đến hơn 10 năm trước, mình cũng chân ướt chân ráo đến Úc với bao bỡ ngỡ như vậy, rất tội.

“Một nửa còn lại là các bạn đã qua Úc học ba, bốn năm; sinh hoạt phí và thậm chí học phí các bạn này một phần chủ yếu trông vào tiền đi làm thêm, nhưng giờ nơi làm đóng cửa trong khi các bạn chưa kịp chuẩn bị cho tình huống như vậy nên cũng rất khó khăn” – chị Trinh kể.
Các mặt hàng đã sẵn sàng để trao cho các bạn snh viên
Source: Supplied
Dẫu vậy, trong khó khăn, nhưng theo chị Trinh, đa phần các bạn sinh viên đều sẵn sàng nhường cho người khác.

“Thấy tội lắm, có bạn nhắn tin bảo em là sinh viên, cũng khó khăn nhưng chưa đến nỗi lắm, nếu có bạn nào khó khăn hơn thì bọn chị cứ nhường lại cho bạn ấy. Nhưng bọn tôi bảo, không sao, em cứ nhận, bọn chị vẫn còn một số phần quà đủ phát cho các bạn đăng ký mà,” chị Trinh kể tiếp.

Đây không phải lần đầu, nhóm các bà mẹ này ở Perth tổ chức hoạt động quyên góp như vậy. Trong đợt cháy rừng xảy ra ở Úc trước đó, nhóm cũng từng quyên góp dể nấu đồ ăn ủng hộ những người ở tuyến đầu phòng chống cháy rừng.

Những tấm lòng nhân hậu ấy không chỉ giúp các bạn sinh viên vượt qua khó khăn, quan trọng hơn, giúp họ cảm thấy bớt hoang mang và đơn độc trong mùa giãn cách xã hội.

Hiện nay, Tây Úc đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Các hàng quán và câu lạc bộ đã dần mở cửa trở lại. Nhưng qua một mùa dịch, mới thấy hết những tấm lòng.    

 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 13 June 2020 8:27pm
Updated 15 June 2020 6:50pm
By Nam Sơn


Share this with family and friends