Highlights
- WHO nói đây là bằng chứng ‘đã tiêm chủng’ chứ không phải là ‘đã miễn dịch’ để có thể cấp cho những người từng mắc COVID được đi lại trên thế giới.
- Kế hoạch vẫn còn sơ khai và dự báo gặp nhiều trở ngại vì khung luật pháp khác nhau ở mỗi quốc gia.
- Mục tiêu của kế hoạch này là hỗ trợ cho chương trình tiêm phòng vaccine COVID-19 được phân phối đồng đều trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới đang tiến hành những bước đi đầu tiên xây dựng một loại giấy chứng nhận “đã tiêm phòng COVID’ bằng điện tử để mở cửa trở lại các đường bay trong Âu Châu và sau đó là trên toàn thế giới.
WHO hy vọng đây là biện pháp giúp các đường bay quốc tế có thể mở lại nhanh chóng và an toàn, nhằm giúp các nước khôi phục du lịch và kinh doanh.
Hồi tháng Mười, WHO tuyên bố tổ chức này đang hợp tác với quốc gia số Estonia, để ban hành các giấy chứng nhận điện tử về tiêm phòng COVID-19, còn có tên gọi “thẻ vàng thông minh”.
Quốc gia số Estonia bắt đầu thử nghiệm ‘passport miễn dịch’ bằng điện tử từ đầu năm nay, mục tiêu theo dõi những người đã phục hồi từ COVID-19 và đã phát triển ít nhiều sự miễn dịch với COVID-19. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là khả năng miễn dịch có giống nhau hay không giữa những người khác nhau, và thời gian miễn dịch có thể kéo dài tối đa bao lâu.
Bộ Dược phẩm Âu Châu là cơ quan ban hành các luật lệ về sử dụng thuốc men, hiện nay đang xem xét phê chuẩn một vài loại vaccine tiềm năng, sau khi Anh quốc đã chấp thuận phân phối rộng rãi vaccine Pfizer và vaccine BioNTech do Đức sản xuất hôm thứ Tư.
Trong khi đó, vaccine của công ty Moderna và AstraZeneca cho thấy kết quả thử nghiệm khả quan và nay đang thúc đẩy quá trình phê chuẩn.
Nga cũng tuyên bố sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn quốc vào tuần sau.
Còn hầu hết các quốc gia Âu châu hy vọng sẽ bắt đầu chương trình tiêm vaccine COVID-19 vào đầu năm 2021.
Một passport miễn dịch điện tử quốc tế để đi lại trong thời COVID
Ý niệm về một giấy chứng nhận tiêm chủng để đi lại không hề mới lạ, nhưng giấy chứng nhận bằng điện tử để cấp rộng rãi trên thế giới quả là một sáng kiến.
Chính phủ điện tử Estonia được chọn vì đã liên tục gia tăng ‘dân số’ và ‘mở rộng’ quốc gia, giữa lúc mọi biên giới đều đóng cửa vì dịch bệnh.
Tổ chức Wired quốc tế từng công nhận Estonia, một quốc gia nhỏ bé nằm ven biển Baltic là ‘quốc gia số tiên tiến nhất thế giới’.
Estonia đã xây dựng một hệ thống an toàn, bảo mật và minh bạch với 99% dịch vụ của chính phủ đều diễn ra trên mạng.
Tới tháng 4/2019, đã có 53,719 người nộp đơn để trở thành ‘cư dân điện tử’ của Estonia.
E-Residency dành cho công dân bất kỳ trên toàn thế giới với mong muốn thực hiện công việc kinh doanh thông qua việc thành lập công ty tại Estonia mà không bị phụ thuộc vào địa điểm cư trú.
Cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe là chính khách đầu tiên trở thành công dân số của Estonia. Đến nay bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức và ông Emmanuel Macron, Tổng thống Pháp cũng đã gia nhập hàng ngũ công dân số của Estonia, và còn nhiều nhân vật nổi tiếng khác trên thế giới.