Chuyện của Pao là một bộ phim truyện nhựa được chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy do Ngô Quang Hải viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim mở ra cho người xem thấy về cuộc sống của người H'mông, trang phục và âm nhạc của những người dân tộc ít người ở Hà Giang với những khung cảnh tuyệt vời của nơi địa đầu đất nước.
Toàn bộ diễn biến của bộ phim được phát triển theo lời kể của nhân vật chính là Pao. Phim bắt đầu với cảnh một phiên chợ ở Đồng Văn, phiên chợ đầy màu sắc rất đặc trưng và mang đậm nét văn hóa của người H’mông. Trong phiên chợ, cô gái tên Pao trong sáng, xinh đẹp, xao xuyến trước ánh nhìn và tiếng kèn môi của một chàng trai trong phiên chợ. Khi Pao về nhà và không thấy mẹ, cả nhà bắt đầu lo lắng đi tìm. Khi cuối cùng phát hiện ra cái váy của bà ở dưới suối, mọi người trong làng lúc đó mặc định là bà Kía đã bị đuối nước chết. Sau cái chết của mẹ Kía, người cha của Pao rất đau buồn, ông trở bệnh và thường xuyên nhắc tên bà vợ hai là bà Sim. Vì thương cha, Pao đã lên đường đi tìm mẹ Sim, người vợ hai của cha và cũng chính là người mẹ ruột của hai chị em cô. Và trong hành trình đi tìm mẹ Sim về cho cha, Pao đã hồi tưởng lại những sự kiện trong quá khứ, người xem dần dần khám phá ra những bí mật, những mối quan hệ trong gia đình Pao. Những mâu thuẫn, những thắt nút của phim từ đó cũng mở ra qua suy nghĩ, cảm xúc của Pao trên hành trình đi tìm mẹ.
Chuyện của Pao là bộ phim đầu tay của đạo diễn - diễn viên Ngô Quang Hải nên đã được chăm chút rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng, từ dàn dựng, phục trang, chỉ đạo diễn xuất cho đến điều khiển diễn viên quần chúng. Sự tỉ mỉ và cẩn thận ấy có thể thấy được khi toàn bộ bàn tay của những phụ nữ H'mông trong phim, đặc biệt là bà mẹ Kía (NSƯT Như Quỳnh) luôn nhuốm màu đen do nhuộm vải may áo. Dù trong khung hình nào, đôi bàn tay và những hóa trang khác đều không thay đổi. Và cùng với những hoạt động của người H'mông như đeo gùi, địu con, băm bèo, đuổi dê ... đã được các diễn viên thực hiện thuần thục tự nhiên. Chính cái chuyện kỹ lưỡng trong các chi tiết nhỏ như vậy giúp cho bộ phim có sự chân thật và khiến người xem có cảm xúc khi xem.
Lời thoại trong phim đơn giản, thoại rất ít và đạo diễn đã sử dụng lời dẫn truyện là lời tự sự của Pao để dẫn dắt người xem đi theo mạch phim. Tuy thế, lời dẫn trong phim lại quá nhiều, đôi khi hơi thừa thãi khiến cho người xem mất đi cơ hội để tự cảm nhận thông qua biểu cảm diễn xuất của diễn viên. Có lẽ vì vậy mà khiến cho nhân vật Pao ít có cơ hội để diễn xuất tâm lý. Diễn biến tâm lý đôi chỗ cũng quá nhanh, chuyển biến từ khi Pao giận mẹ Sim, không chấp nhận mẹ Sim, cho tới lúc đau khổ khi thấy mẹ Sim lại đi, diễn biến tâm lý lúc đó khá gượng gạo. Tuy nhiên, nhìn chung các diễn viên trong phim cũng đã vào tròn vai. Đặc biệt là nghệ sĩ Như Quỳnh trong vai mẹ Kía, một bà mẹ khắc khổ cam chịu, đối nghịch với hình ảnh trong sáng nhưng cũng rất cứng rắn của Hải Yến trong vai Pao. Bà mẹ Kía từng là một cô gái nức tiếng xinh đẹp, nhưng sau khi lấy chồng vì không sinh được con, nên âm thầm chấp nhận sống như ‘một cục đá kê chân cột’ trong nhà, thương yêu nuôi hai đứa con của chồng với vợ lẽ. Những cảnh cận gương mặt khi bà Kía nhìn theo tấm lưng chồng đi vào phòng với vợ lẽ, ánh mắt thể hiện sự bất lực, cam chịu, nhưng vẫn đầy sự tủi hờn, đã làm cho người xem thấy rõ sự tinh tế trong diễn xuất của nghệ sĩ Như Quỳnh. Và đến khi bà Kía đã quyết tâm sống cho bản thân, bỏ tất cả sau lưng để xây dựng cuộc sống mới với tình yêu đời mình. Hình ảnh khi bà Kía tay cầm ly rượu, trên người mặc bộ váy đỏ đẹp nhất, gương mặt rạng rỡ, hạnh phúc sáng cả một góc chợ phiên, hình ảnh đó thật sự gây ấn tượng cho người xem, nó đối nghịch hoàn toàn với cái gương mặt khắc khổ, buồn tủi khi sống trong gia đình với người chồng.
Ngoài ra không thể không kể đến hiệu quả hình ảnh do nhà quay phim Cordelia Beresford đã đem đến cho khán giả. Người xem được nhìn thấy một Hà Giang đẹp lộng lẫy với những khung hình sáng và rộng của hoa cải vàng rực, lúc lại trắng xóa hoa ban, xanh mướt ruộng ngô, núi non trùng điệp, và gian nhà của gia đình Pao ở, giữa đất trời Tây Bắc, đã hiện lên đẹp như một bức tranh, thật sự làm thỏa mãn thị giác người xem.
Đạo diễn đã chọn một cái kết phim tươi sáng và đầy nhăn văn, khác với cái kết lửng lơ trong truyện ngắn gốc. Trong phim, bà mẹ Kía đã dám dũng cảm đi theo tiếng gọi của tình yêu để thoát khỏi cuộc sống bế tắc, Pao gặp lại mẹ ruột là bà Sim, hóa giải được những đau khổ, hờn giận đối với người mẹ đã không thể nuôi nấng mình. Và hình ảnh cuối cùng của phim, hình ảnh Pao và Chử cùng đi trên một con đường rộng và xa tít nó đem lại cho người xem một hi vọng tươi sáng cho tình yêu của họ, tình yêu đó không phải chịu cảnh là “hòn đá dưới chân cột nhà chồng” như mẹ Kía, không phải là sự chịu đựng sự hắt hủi của những người thân yêu như mẹ Sim, tình yêu của họ là tình yêu mang những khát vọng tự do của một thế hệ trẻ mới.
Với một cốt truyện cảm động, khuôn hình đẹp, giàu tính biểu cảm, lối diễn khá chân thực của diễn viên. Đây là một bộ phim hiếm hoi làm về người dân tộc, càng hiếm hoi khi nói về họ với những nhọc nhằn mà không cần phải lồng ghép tuyên truyền, giúp cho bộ phim khá dễ chịu khi xem.