Ông Bill Shorten nói ông muốn được biết đến là thủ tướng của những người thấp cổ bé họng, những người đã bị tước đi nhiều thứ, những người không có tiếng nói trong xã hội.
Ông Shorten tham gia Đảng Lao Động hồi còn ở đại học và sau đó làm luật sư cho công ty luật Maurice Blackburn.
Ông tham gia phong trào nghiệp đoàn từ năm 1994, và làm tổng thư ký của nghiệp đoàn công nhân Úc, AWU từ năm 2001 đến năm 2007.
Ông cũng có chân trong hội đồng quản trị của nhóm lobby GetUp! cho đến đầu năm 2006.
Năm 2008 ông vào Quốc hội Liên bang sau khi giành được chiếc ghế an toàn của Lao Động ở Maribyrnong, tây Melbourne.
Ông Shorten trở thành thủ lãnh Đảng Lao Động từ năm 2013. Ba năm sau trong kỳ bầu cử liên bang năm 2016, dưới sự lèo lái của ông Shorten, Đảng Lao Động giành được 14 ghế, dựa trên chính sách y tế, giáo dục cũng như lương hướng.
"Nếu mức lương quá thấp so với lợi nhuận của công ty, so với sản lượng, thì có nghĩa là hệ thống đã thất bại. Chúng ta không nghĩ rằng mức lương tăng chậm kỷ lục là điều gì hay ho, nhưng mà chỉ có Lao Động mới có kế hoạch và chính sách để giải quyết."
"Lao Động muốn thấy mức lương tối thiểu là mức lương người ta có thể sống được," ông Shorten quả quyết.
Có thể nói cuộc đời chính trị của ông Shorten ba chìm bảy nổi trong Đảng Lao Động.
Chính ông là một trong những nhân vật chính trong việc lật đổ Thủ tướng Kevin Rudd trong năm 2010.
Ba năm sau trong kỳ bầu cử năm 2013 cũng chính ông Shorten đã đóng vai trò chính trong việc lật đổ Thủ tướng Julia Gillard.
Tiến sĩ Zareh Ghazarian giảng dạy môn chính trị học tại đại học Monash University nói tuy vậy ông Shorten và Đảng Lao Động đã có thể khoát lên một bộ mặt tích cực hơn nhờ vào sự chia rẽ tương tự bên trong Liên Đảng Tự Do Quốc Gia.
"Ông Bill Shorten can dự rất nhiều vào việc lật đổ ông Kevin Rudd và sau đó đến bà Julia Gillard. Nhưng Đảng Lao Động vẫn có thể thuyết phục dân chúng là họ đoàn kết, và họ có thể làm như vậy trong lúc nội bộ Liên Đảng bị xào xáo."
Kết quả các cuộc thăm dò trong một năm qua cho thấy Đảng Lao Động có thể thắng cử và ông Shorten có thể lên làm thủ tướng.
Tiến sĩ Jill Sheppard, thuộc phân khoa chính trị của đại học quốc gia ANU giải thích vì sao kết quả thăm dò lại được như vậy.
"Có thể là do ông Bill Shorten tỏ ra rất tự tin. Nhưng lý do mạnh hơn là vì Liên Đảng thay đổi thủ tướng trong nhiệm kỳ cuối. Thực ra có nhiều yếu tố nhưng nhiều khi chỉ vì dân chúng đơn giản là muốn thay đổi chính phủ."
Thăm dò giữa hai đảng thì Lao Động đang dẫn trước, nhưng nếu so sánh giữa hai người thì công chúng muốn ông Morrison làm thủ tướng hơn là ông Shorten.
Tuy nhiên Tiến sĩ Sheppard nói rằng không có gì ông Shorten phải lo lắng cả.
"Các lãnh đạo đối lập thường không được ưa chuộng bằng các thủ tướng bởi vì dân chúng không hình dung được nếu làm thủ tướng thì các lãnh đạo đối lập sẽ ra sao."
"Nếu tôi là ông Shorten, tôi sẽ không lo lắng gì cả, miễn là công chúng thích Đảng Lao Động hơn là được, đó mới là điều quan trọng nhất."