Cảnh sát Anh Quốc công khai danh tính ba kẻ tấn công ở London Bridge

Ba thủ phạm tấn công tại London Bridge

Ba thủ phạm tấn công tại London Bridge Source: CNN

Cảnh sát Anh Quốc tuyên bố thủ phạm thứ ba trong vụ tấn công giết chết 7 người ở London thứ Bảy tuần trước là Youssef Zaghba, người Ý gốc Morocco, 2 kẻ được xác định trước đó là Khuram Butt 27 tuổi và Rachid Redouane 30 tuổi.


Cảnh sát Anh Quốc tuyên bố thủ phạm thứ ba trong vụ tấn công giết chết 7 người ở London thứ Bảy tuần trước là Youssef Zaghba, người Ý gốc Morocco.
“Bọn khủng bố ngụy biện cho hành động tấn công khủng khiếp và hèn nhát này bằng thứ luận điệu ngoan cố độc địa và xuyên tạc, cái thứ mà chúng tự nhận là một phiên bản của Đạo Hồi,” Sadiq Khan, Thị trưởng London
Xác định danh tính cả 3 thủ phạm tấn công London Bridge

The BBC, Một tờ báo Ý nói Zaghba từng bị chặn ở phi trường Bologna năm 2016 khi muốn sang Syria và rằng Ý đã báo cho Anh Quốc. Người này sinh năm 1995 ở thành phố Fez của Morocco.

Trước đó, Cảnh sát Anh Quốc cho hay đã xác định danh tính của 2 người đàn ông tham gia vụ tấn công này, là Khuram Butt 27 tuổi và Rachid Redouane 30 tuổi.

Khuram Butt từng xuất hiện trong danh sách quan tâm của cảnh sát và tình báo Anh quốc MI5 từ năm 2015. Anh ta là một công dân Anh ra đời tại Pakistan.

Cảnh sát Anh quốc và Cơ quan an ninh nước này cũng đã từng điều tra một trong các thủ phạm tấn công ở London hôm thứ Bảy tuần trước, tuy nhiên, vì hạn chế nguồn lực nên kẻ này được cho là chưa đủ đe dọa nghiêm trọng để cơ quan hữu trách phải tiến hành giám sát chặt chẽ.

Phó Giám đốc Cảnh sát Anh và Xứ Wales, Calum Macleod, cho hay cuộc tấn công vừa qua nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có thêm các nguồn lực cho an ninh.

“Kể từ năm 2010, chúng ta đã bước vào giai đoạn cắt giảm dần nhân sách cho lực lượng cảnh sát.”

“Chúng ta phải cắt giảm 21,500 nhân viên cảnh vụ vào thời gian đó. Việc này ảnh hưởng đến khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh và nó liên quan đến sự an toàn của cộng đồng.”

“Chúng ta cũng đã chứng kiến việc giảm bớt đi 1,200 cảnh sát vũ trang trong gian đoạn đó.”

“Đây là vấn đề quan trọng đặc biệt khi mà chúng ta để ý đến tình hình khắp Châu Âu, và ngay cả những gì đang xảy ra trên mảnh đất của chúng ta vào lúc này.”

“Chúng ta cần đủ khả năng để bảo vệ cho người dân, bảo vệ luật pháp và trật tự công cộng,” ông Macleod nói.

Chống khủng bố là trọng tâm tranh cử tại Anh quốc

Tin tức này càng tạo thêm áp lực lên Thủ tướng Anh, Theresa May, khi mà thời điểm diễn ra ngày bầu cử quốc gia chỉ còn tính bằng ngày.

Nay bà May đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về cắt giảm ngân sách đối với lực lượng cảnh sát trong suốt những năm bà còn giữ chức Bộ trưởng Nội vụ Anh.

Trong cuộc vận động tranh cử lần này, đương kim Thủ tướng đã không trả lời trực tiếp vào các câu hỏi về việc cắt giảm ngân sách nói trên.

Thay vào đó, bà May lại thúc giục cử tri lựa chọn Đảng Bảo thủ đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan là một ưu tiên trong cuộc bầu cử này.

“Tất nhiên, tất cả mọi điều chúng tôi làm là để bảo đảm rằng chúng ta bảo vệ được an ninh quốc phòng cho đất nước chúng ta.”

“Điều mà chúng ta làm với những kẻ khủng bố đó là đánh bại chúng, đồng thời chúng ta cũng chống lại chủ nghĩa cực đoan vốn đang tìm mọi cách để chia rẽ xã hội của chúng ta,” bà May nói.

Đã xác nhận danh tính của 2 nữ nạn nhân người Úc

Trong khi đó, cả ngày hôm nay mối quan tâm và lo lắng dành cho một phụ nữ trẻ người Brisbane, được cho là có xuất hiện trên cầu London Bridge trước khi xảy ra vụ tấn công vào tối thứ Bảy vừa qua theo giờ địa phương.

Và chiều nay, theo ABC cô gái 21 tuổi tên Sara Zelenak được xác nhận đã thiệt mạng sau vụ tấn công ở London Bridge.

Trước đó, gia đình và bạn bè của Zelenak đã lên mạng xã hội để mong tìm kiếm thêm thông tin về cô gái Úc được cho là bặt vô âm tín kể từ sau vụ tấn công ở London.

Trước Sara Zelenak thì cảnh sát Anh Quốc xác nhận thì đã có 1 phụ nữ Úc thiệt mạng trong vụ London Bridge, đó là nữ y tá người tiểu bang Nam Úc, cô Kirsty Boden.

Mẹ của Zelenak là bà Julie Wallace, cho Đài 97.3 FM ở Queensland biết, bà đã như tuyệt vọng trước tin tức của đứa con gái, sau khi cô Zelenak không trở về nhà sau đêm xảy ra vụ tấn công.

“Cháu đã đi từ tháng Ba năm nay trong hành trình khám phá thế giới, cháu đến Âu châu và ở cùng với một gia đình người chủ thuê cháu chăm sóc 2 đứa nhỏ.”

“Người chủ nhà đã gọi điện và nói rằng vào hôm đó họ cho con gái tôi nghỉ một tối nên cháu có thể đi chơi với bạn bè và con gái tôi đã đến London Bridge, một địa điểm mà mọi người vẫn thường đến để thưởng thức tối thứ Bảy.”

“Thế nhưng, tất cả những gì xảy ra đã khiến con gái tôi không bao giờ trở về nữa,” bà Wallace nói.

Lãnh đạo Hồi giáo tại Anh từ chối tổ chức đám tang cho thủ phạm

Trong khi đó, hơn 130 giáo sĩ và lãnh đạo tôn giáo đã từ chối tổ chức đám tang theo nghi thức Hồi giáo cho những kẻ đã gây ra vụ tấn công ở London.

Trong bản tuyên bố chung, các giáo sĩ đã khẳng định họ đưa ra quyết định này vì hành động của những kẻ tấn công là không thể nào biện minh được và nó đi ngược lại giáo lý đạo Hồi.

Thị trưởng London, Sadiq Khan, đã dẫn đầu một buổi cầu nguyện tại thủ đô, tưởng nhớ đến các nạn nhân của vụ tấn công, ông phát biểu.

“Tôi vô cùng tức giận. Những kẻ khủng bố này cố tình nhắm vào những người dân London vô tội và các du khách đang thưởng thức đêm thứ Bảy an lành.”

“Bọn chúng ngụy biện cho hành động tấn công khủng khiếp và hèn nhát này bằng thứ luận điệu ngoan cố độc địa và xuyên tạc, cái thứ mà chúng tự nhận là một phiên bản của Đạo Hồi.”

“Tôi không thể chấp nhận điều đó. Đây là tháng chay Ramadan, tôi cũng như nhiều tín đồ Hồi giáo, chúng tôi ăn chay, cầu nguyện và làm việc thiện nguyện.”

“Còn với những kẻ khủng bố, cực đoan này chúng lại đi tìm cách biện minh cho những hành động của chúng bằng một thứ quan điểm Hồi giáo lệch lạc, tôi dứt khoát lên án hành động này,” ông Khan nói.

 

 


Share