Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ câu chuyện của Minh Phương.
LISTEN TO

Chọn nghề gì: Từ du học sinh đến cô giáo mầm non vùng xa Tây Úc
SBS Vietnamese
19:30
Đến Melbourne du học từ những năm cấp 3, sau khi tốt nghiệp, Minh Phương chọn theo học ngành Y tá vì tin rằng ngành này dễ định cư hơn, chỉ cần học ba năm và cơ hội việc làm cao.
Tuy nhiên, sau một học kỳ, do vấn đề sức khỏe, Phương buộc phải dừng lại và cân nhắc lại con đường của mình.
Nhờ được bạn bè và anh chị đi trước khuyên rằng cả ngành y tế và giáo dục đều đang thiếu nhân lực, Phương quyết định chuyển sang ngành giáo dục mầm non.
Những ngày tháng học cấp 3 nhiều biến động
Minh Phương đến Úc du học từ lớp 10. Giai đoạn học cấp 3 là quãng thời gian đầy thử thách. Cô phải chuyển nhà tới 4–5 lần, sống cùng người thân rồi homestay, và sau đó là cùng em gái.
Đặc biệt, năm lớp 12 – thời điểm thi VCE – lại trùng với đợt bùng phát Covid-19, khiến Phương phải học online toàn bộ năm học.
“Em bị sốc, không thích nghi được, mà tiếng Anh lại là ngôn ngữ thứ hai nữa, nên mọi thứ càng khó khăn,” Phương nhớ lại.
Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ tận tình của thầy cô, như cho mượn đàn piano từ trường đến tận nhà để Phương luyện tập cho môn Music, thuê giáo viên dạy online, và thường xuyên hỏi thăm tinh thần của cô, Phương đã vượt qua được giai đoạn đầy áp lực này.
Hành trình 4 năm học đại học: Lý thuyết gắn liền với thực tiễn
Chương trình cử nhân giáo dục mầm non kéo dài bốn năm, và Phương đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cả lý thuyết lẫn thực hành. Mỗi năm, Phương đều có một kỳ thực tập kéo dài một tháng. Qua đó, Phương nhận thấy những kiến thức lý thuyết về phát triển tâm lý, thể chất và tư duy của trẻ nhỏ đã hỗ trợ rất nhiều khi áp dụng vào công việc thực tế.
Làm trong môi trường mầm non rất vất vả, nhưng cũng rất chuyên nghiệp. Mình là tấm gương cho các bé, nên lúc nào cũng phải chỉnh chu và có trách nhiệm.
Từ tưởng tượng đến thực tế: Làm việc tại vùng xa
Khi tốt nghiệp, Phương chỉ nghĩ đơn giản là sẽ làm việc tại một trung tâm giữ trẻ hoặc trường mẫu giáo gần nhà.
Tuy nhiên, Phương vô tình thấy tin tuyển dụng từ Trường Công giáo John Pujajangka-Piyirn, một ngôi trường dành cho trẻ em thổ dân ở Mulan – một cộng đồng vùng xa thuộc khu vực Kimberley, Tây Úc. Trường học này sẵn sàng trả mức lương cao (80.000-100.000 AUD/năm), hỗ trợ nhà ở và chi phí sinh hoạt.
“Lúc đó em cũng nộp đơn xin việc nhiều chỗ, thấy quyền lợi tốt là nộp thôi. Em chưa hình dung ra là chỗ này xa và khó khăn như vậy,” cô chia sẻ một cách chân thành.
Dù vậy, quá trình tuyển dụng không quá áp lực nhờ vào sự hỗ trợ và thân thiện từ thầy hiệu trưởng và nhân viên tuyển dụng. Và giờ đây, Minh Phương đang là một phần trong đội ngũ giáo viên tâm huyết nơi vùng xa, tiếp tục cống hiến cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.
(*Quan điểm và trải nghiệm được chia sẻ trong câu chuyện này chỉ mang tính chất cá nhân. Chúng tôi không ủng hộ hay quảng bá bất kỳ tổ chức giáo dục, dịch vụ tài chính hoặc tư vấn cụ thể nào. Người đọc nên tự nghiên cứu và tìm kiếm lời khuyên chuyên nghiệp khi cần thiết.)