Chuyện Melbourne: Tâm sự của hai cựu thuyền nhân trại Bidong 2025

Hội trại Bidong 2025

Câu chuyện vượt biển của ông Đỗ Ngọc Quảng, từ California - Cựu đại úy hải quân QLVNCH, và chị Bảo Trân - Thành viên Ban tổ chức Hội trại họp mặt Bidong ở Portsea tháng 03/2025 vừa qua.


Đảo Bidong ở đâu và tại sao lại được nhiều người Việt, nhất là người Việt tị nạn nhắc đến nhiều như thế?
LISTEN TO
From Melbourne 300325 PODA image

Chuyện Melbourne: Tâm sự của hai cựu thuyền nhân trại Bidong 2025

SBS Vietnamese

03/04/202525:19
Đảo Bidong là một hòn đảo nhỏ nằm cách bờ biển tỉnh Terengganu của Malaysia khoảng chừng 16 km. Đảo này không có người ở và có diện tích khoảng 2.5 kilômét vuông. Hòn đảo này nổi tiếng vì từng là nơi tạm trú của hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam trong những năm từ 1975 đến cuối năm 1990, khi họ rời bỏ đất nước sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975.

Thưa quý vị và các bạn trại đảo Bidong hay Bidong Vietnamese Refugee camp là một trong những trại tỵ nạn lớn nhất thuộc vùng Đông Nam Á. Trại này được chính phủ Mã Lai thiết lập vào khoảng năm 1978 để tiếp nhận làn sóng người Việt tỵ nạn liều mình ra đi trên những chiếc thuyền mong manh, cực kỳ nguy hiểm trước sóng gió và nạn hải tặc Thái Lan hoành hành trong vùng biển thuộc vịnh Thái Lan để tìm tự do.

Theo tài liệu của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, có khoảng 250 ngàn thuyền nhân Việt Nam mà tiếng anh gọi là Boat People đã tạm trú trên hòn đạo này trong thời gian chờ đợi được các quốc gia phương tây như Hoa Kỳ, Canada, Úc và nhiều nước khác tiếp nhận cho định cư vĩnh viễn. Trại tỵ nạn Bidong ngưng hoạt động cho đến cuối những năm 1990 khi các chính sách nhập cư của các quốc gia này đã thay đổi.

Trong suốt thời gian tồn tại của trại tỵ nạn, đảo Bidong chứng kiến sự khốn khổ và hy vọng của nhiều người Việt tỵ nạn. Điều kiện sống trên đảo rất khó khăn với những thiếu thốn về thực phẩm, nước uống, và y tế.

Tuy nhiên, nơi đây cũng là điểm tựa tinh thần cho những người đang trên hành trình tìm kiếm một tương lai mới. Đảo Bidong đã trở thành một biểu tượng của sự sống sót và hy vọng cho những người tỵ nạn Việt Nam.

Ngày nay, Bidong không còn là trại tỵ nạn nữa, nhưng nó vẫn là một điểm đến lịch sử quan trọng, thu hút sự chú ý của những người muốn tìm hiểu về cuộc sống của những người Việt tỵ nạn.

Bidong hiện còn một vài công trình di tích như bia tưởng niệm, nhà thờ, chùa chiền và những tấm bảng thông tin về lịch sử của trại tỵ nạn và còn là nơi an nghỉ của hàng ngàn người Việt vì nhiều lý do khác nhau như bệnh tật hay tử nạn trên đường vượt biên xác trôi vào bờ…

Trại tỵ nạn Bidong vì vậy không những là một địa danh mang tính lịch sử, mà còn mang tính tâm linh nơi chứng kiến hằng 100 ngàn mẫu chuyện cá nhân thương tâm. Nơi đối với nhiều người Việt tỵ nạn đã từng tạm trú và để lại đằng sau nhiều kỷ niệm vui buồn khó quên, sau khi đã được định cư ở các nước thứ ba.

Vì vậy, ở nhiều nơi trên thế giới người Việt thường hay tổ chức hội thân hữu Bidong và những sự kiện nhằm ôn lại chặng đường gian nan, khốn khó, sự sống chết cận kề và để cùng nhau tưởng nhớ đến những đồng bào đã không may mắn bỏ mình trên đường tìm tự do.
Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay 

Share