Cộng đồng quốc tế đối mặt với các cuộc điều tra về khủng hoảng nhân đạo tại Sudan

International Humanitarian Conference On Sudan - Paris

French President Emmanuel Macron at the International Humanitarian Conference On Sudan (AAP) Source: AAP / SLEMOUTON/PA/Alamy

Tổng thư ký LHQ đã phát biểu nhân kỷ niệm một năm xảy ra giao tranh ở Sudan, giữa Lực lượng Vũ trang Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh.


Đã một năm trôi qua kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Sudan, giữa Lực lượng Vũ trang Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh.

Cuộc giao tranh đã khiến hơn 8 triệu người phải di tản, hơn 14,000 người chết và khoảng 25 triệu người cần được viện trợ nhân đạo.

Liên Hiệp Quốc mô tả tình hình ở Sudan là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới.

Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres nói cần phải có sự thúc đẩy lớn hơn từ khắp nơi trên thế giới để đạt được lệnh ngừng bắn ở Sudan.

"Các cuộc tấn công bừa bãi đã giết chết, làm bị thương và khủng bố dân thường, chúng có thể cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Các đoàn xe viện trợ đã trở thành mục tiêu của chúng. Nhân viên viện trợ nhân đạo và nhà kho chứa hàng hoá viện trợ đã bị tấn công. Phụ nữ và bé gái bị bạo hành tình dục tràn lan. Trong khi đó, ảnh hưởng của cuộc xung đột đang lan rộng xuyên biên giới. Vấn đề của cuộc giao tranh là rất rõ ràng. Hai tướng quân đội đều chọn giải pháp giao chiến, và cho đến nay họ vẫn ngăn cản mọi nỗ lực hòa giải nghiêm túc."

Tại một hội nghị nhân đạo quốc tế ở Paris, Pháp, Đức và Liên minh Âu châu đã thảo luận về Sudan và các nước láng giềng.

Hội nghị bao gồm các bộ trưởng và đại diện của 58 quốc gia, cũng có các tổ chức như Liên minh Phi châu và Tổ chức Y tế Thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết viện trợ nhân đạo hơn 3 tỷ Úc kim cho Sudan nhân dịp này.

Viện trợ từ Liên minh Âu châu chiếm gần một nửa tổng số cam kết viện trợ.

Ông Macron nói rằng viện trợ sẽ hướng tới việc cung cấp thực phẩm, nước, thuốc men và các nhu cầu thiết yếu khác, nhưng ông đang thúc đẩy việc hỗ trợ nhiều hơn cho Sudan.

“Từ cuộc vận động này, và sự hiện diện của tất cả chúng tôi, gửi đi một thông điệp rõ ràng đến các bên tham chiến. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng các quyền nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường. Chúng tôi kêu gọi hai bên thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức, để tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận được những người Sudan đang cần giúp đỡ. Chúng tôi kêu gọi mở lại mọi điểm viện trợ dọc biên giới để có thể vận chuyển và cung cấp viện trợ một cách hiệu quả. Không có khu vực nào nên bị cô lập. Việc tiếp cận viện trợ nhân đạo không được biến thành công cụ cho mục đích quân sự."

Các đặc phái viên ngoại giao hàng đầu, các quan chức Liên hiệp quốc và các cơ quan viện trợ đã kêu gọi các bên tham chiến của Sudan ngừng tấn công dân thường và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo.

Ở Úc, có những lời kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho Sudan.

Tiến sĩ Annabel Dulhunty làm việc với Khoa Chính sách công Crawford tại trường Đại học Quốc gia Úc.

Bà nói Úc đang tập trung nhiều vào quốc phòng nhưng nên đầu tư nhiều hơn vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ.

“Ví dụ như cuộc xung đột ở Sudan vào thời điểm hiện tại, sự hỗ trợ nhân đạo đang rất ít ỏi. Và chúng ta thấy giải pháp phòng thủ thường là việc làm vào phút cuối mà một quốc gia có thể làm. Chúng ta cần thực sự đầu tư vào hòa bình. Và cách duy nhất để đầu tư vào hòa bình là xem xét các vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng trên toàn cầu. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chi tiêu cho viện trợ thực sự là một triển vọng lâu dài cho hòa bình tại Úc và thế giới.”

Chiến dịch nhân đạo của LHQ cho biết họ cần khoảng 4,2 tỷ Úc kim để mua thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và các vật tư khác cho Sudan.

Trong một tuyên bố, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Tị nạn Na Uy tại Sudan, Will Carter, cho biết các cam kết viện trợ quốc tế mới chỉ chiếm một nửa trong số 6,2 tỷ Úc kim cần có, để cứu Sudan và các nước láng giềng.

Ông nói thử thách đối với cộng đồng quốc tế sẽ diễn ra trong những tuần và tháng tới.


Share