Một trong những nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Indonesia trước đây vừa chia sẻ những hiểu biết của mình về mối quan hệ song phương giữa Indonesia và Úc, trong khuôn khổ một sự kiện thảo luận bàn tròn ở Sydney vào ngày hôm qua.
Ông Thomas Trikasih Lembong trước đây từng là Bộ trưởng Thương mại Indonesia và hiện là Chủ tịch của Ban Điều phối Đầu tư Indonesia.
“Đây không phải lúc dành cho lòng tự ái hay cái tôi quá lớn và niềm tự hào quốc gia mong manh mà là lúc cùng xem chúng ta có thể cùng nhau thực hiện được điều gì,” ông Thomas Trikasih Lembong, cựu Bộ trưởng Mậu dịch Indonesia
Tại sự kiện này, ông Lembong nói rằng sự thay đổi lãnh đạo của nước Úc đã mang đến sự đổi thay trong suy nghĩ của cả hai bên.
“Thủ tướng Turnbull và người đồng nhiệm phía Indonesia Jokowi, cả hai đều từng là doanh nhân, họ đã lập tức tìm được tiếng nói chung.”
“Cứ hỏi đến nhóm thương thuyết Úc, thì sẽ thấy họ sẽ nhận xét rằng hai vị nguyên thủ ăn ý với nhau như ngày và đêm, nếu so sánh với tình hình hai nước cách đây hai, ba năm trước,” ông Lembong nói.
Cần nhắc lại, những căng thẳng ngoại giao lên cao vào hồi năm 2013 trong bối cảnh có tin tiết lộ hoạt động tình báo của Úc, do thám cả quan chức của Indonesia, thậm chí là cả với tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.
Trong những năm sau đó, mối quan hệ song phương tiếp tục căng thẳng sau những cáo buộc rằng Úc đã trả tiền cho những kẻ buôn lậu người để chúng đưa những người tầm trú quay trở lại Indonesia.
Sau đó là lệnh cấm xuất cảng mục súc sống và vụ Indonesia hành quyết hai tử tù người Úc buôn bán ma túy ở Bali bất chấp lời kêu gọi khoan hồng của chính phủ Úc.
Thế nhưng, ngày hôm nay, trọng tâm không phải là bất đồng mà là một thỏa thuận tự do mậu dịch song phương, điều mang theo hy vọng giúp hai bên gác lại quá khứ hướng về tương lai.
Ông Doug Ferguson, Chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận, Asia-Society-Australia, chuyên nghiên cứu và vận động mậu dịch có trụ sở ở Sydney, cho rằng nước Úc cần vận dụng hết thế mạnh của mình trong mối quan hệ mậu dịch với Indonesia.
“Chúng ta đang ở trong môi trường cạnh tranh về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.”
“Cơ hội cho nước Úc không đâu xa ngoài các hoạt động ở xung quanh khu vực,” ông Ferguson nói.
Hiện nay, 2.5% tổng giá trị xuất cảng của Indonesia là hướng đến thị trường Úc.
Tương tự, Indonesia cũng chỉ nhập cảng gần 3.5% tổng giá trị hàng hóa nhập cảng từ nước Úc.
Những con số khiêm tốn đó được cựu Bộ trưởng Mậu dịch Indonesia nhắc tới như một nỗi lo ngại cho cả hai nước.
Trong 5 năm qua, các công ty Úc chỉ mới đầu tư vào thị trường Indonesia khoảng 2 tỷ Úc kim.
Ông Thomas Trikasih Lembong cho rằng với nền kinh tế quy mô lớn và giá trị cao, lẽ ra con số mậu dịch song phương phải lớn hơn nhiều.
“Cả hai nước đều có nền kinh tế trị giá cả nghìn tỷ Đô la mỗi năm. Chúng ta cần phải tăng cường mạnh hơn dòng vốn đầu tư song phương,” ông Lembong nói.
Trong khi đó, ông Hal Hill, giáo sư chuyên nghiên cứu về các nền kinh tế Đông Nam Á, thuộc Đại học Quốc gia Úc khẳng định, đây là lúc mà cả Úc và Indonesia phải cùng ngồi lại để hướng đến mối quan hệ dài lâu.
“Hai nước chúng ta có sự khác biệt lớn về chính trị, tư tưởng và văn hóa. Do đó, không thể tránh được những thăng trầm trong mối quan hệ song phương.”
“Thế nhưng, điều quan trọng và phải tập trung vào những mục tiêu cao hơn trong dài hạn,” ông Hill nói.
Cựu Bộ trưởng Mậu dịch Indonesia, ông Thomas Trikasih Lembong hoàn toàn đồng tình với quan điểm này.
“Đây không phải lúc dành cho lòng tự ái hay cái tôi quá lớn và niềm tự hào quốc gia mong manh.”
“Đây là lúc cùng xắn tay áo lên để xem cùng nhau chúng ta có thể thực hiện được điều gì,” ông Lembong nói.