Du học ở Úc (235) 10 điều sinh viên cần thích nghi khi du học đại học ở Úc

Classroom

Source: element envato

Nếu bạn nghĩ học đại học cũng y như phổ thông thì bạn chắc chắn sẽ dễ choáng ngợp với những khác biệt đến từ môi trường, phong cách học, cho đến mối quan hệ với thầy cô và bạn bè đại học. Cho dù bạn học đại học trong nước hay lên đường du học, vẫn có nhiều sự khác biệt đáng kể để bạn khám phá và thích nghi. Với du học sinh, những khác biệt này không chỉ gói gọn trong khuôn khổ văn hoá mà còn ở môi trường học đường và xã hội. Vậy du học sinh cần thích nghi những điều gì khi sang Úc học đại học?


Học đi đôi với hành

Những ngày đầu đại học, chắn chắn bạn sẽ bối rối giữa ‘ lectures vs tutorials'. Lectures thường là các giờ lý thuyết được giảng nhằm nêu nội dung cơ bản của bài học, kéo dài từ một đến hai tiết học. Tutorial là giờ thực hành , để luyện tập các lý thuyết vừa kể , thảo luận với bạn cùng lớp hoặc theo thực tập theo các nhóm nhỏ.

Chúng ta thường nghe nói ‘học đi đôi với hành' mới hiệu quả. Và điều này được áp dụng thường xuyên trong môi trường đại học. Bạn sẽ được giao những dự án giả thực để làm và thuyết trình, hay phải tìm hiểu những sự kiện thực tế để chứng minh cho lý thuyết được học. Sau mỗi giờ tutorial này, bạn sẽ luôn thấy mình hiểu rộng và sâu hơn bài giảng, cũng như hiểu phương thức vận hành trong thực tế của những bài giảng đó.

Vòng tròn bạn bè rộng lớn

Lúc còn trung học, bạn chỉ học cùng một lớp cố định trong suốt một năm học. Bạn tương tác, học tập và chơi cùng một lớp có sỉ số từ 30-40 người nên nhớ hết được mặt mọi người trong lớp, còn những đứa bạn thân thì lúc nào cũng sát cánh với bạn.

Nhưng khi lên đại học, sỉ số đó sẽ gấp 4, gấp 5 lần. Ở mỗi bộ môn, bạn sẽ học với nhiều lớp khác nhau với những người bạn mới khác nhau. Chưa kể, khi học môn electives ( môn tự chọn), bạn còn học cùng những bạn đến từ các chuyên ngành hoàn toàn khác. Mạng lưới giao tiếp của bạn sẽ mở rộng hơn, đồng nghĩa với việc những mối quan hệ tâm giao sẽ ít đi và giới hạn lại.

Tuy  nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ khó kết bạn hơn. Nếu bạn là người hoà đồng, cởi mở, đó là chuyện hoàn toàn dễ dàng. Còn ngược lại, bạn vẫn có thể xây dựng những tình bạn mới, làm quen và tìm hiểu những người bạn tại các buổi làm bài nhóm

Ghi chú, không ghi chép

Nếu ký ức trung học là những ngày tháng miệt mài ghi chép bài giảng vào vở, và đôi khi phải học thuộc lòng, thì môi trường đại học ở Úc sẽ không còn nữa. Thay vào đó, giáo viên sẽ chuẩn bị sẵn bài giảng theo dạng powerpoint các điểm chính và tải lên trang mạng của trường để bạn xem trước buổi học.

Vào ngày đứng lớp, giáo viên sẽ giảng lại. Việc của bạn là tập trung lắng nghe , ghi chú những điểm quan trọng và đặt câu hỏi. Việc đặt câu hỏi càng nhiều càng giúp bạn hiểu sâu nội dung cũng như hỗ trợ cho bạn trong việc làm bài kiểm tra vào giữa/ cuối học kỳ. Một số giáo viên còn tải bài giảng dạng âm thanh lên trang nội bộ trường để các bạn về nhà nghe lại hoặc những ai không đến lớp hôm đó vẫn có thể theo dõi bài giảng.

Khi đi du học rồi sẽ thấy, mối quan hệ giữa thầy cô và trò ở đây không gần gũi như ở trung học.  Giáo viên trung học đôi khi sẽ chủ động hỏi han học sinh hoặc để mắt đến những học sinh thụ động trong lớp.

Ở môi trường đại học tại Úc, mọi người học và dạy theo cách chủ động. Các bạn có thể ở lại thêm cuối giờ để đưa ra những thắc mắc về môn học với giáo viên và nghe giải đáp. Ngoài giờ học, các bạn có thể gửi email cho họ hoặc hẹn giờ lên trường để được giúp đỡ riêng về môn học. Khi đặt hẹn, giáo viên có thể rảnh hoặc không rảnh và sẽ trả lời bằng email.

Mặc dù vậy, bạn đừng e dè mà hãy cố gắng chủ động nhiều hơn để trình bày với giáo viên những khó khăn trong môn học. Họ sẽ hướng dẫn bạn kỹ hơn hoặc giới thiệu bạn đến những bộ phận trợ giúp trong trường để được tư vấn.

Không còn đồng phục

Học Đại học, các bạn sẽ không còn phải mặc đồng phục nữa mà được phép lựa chọn trang phục theo ý mình.

Vào những dịp lễ hội tại trường, ở các câu lạc bộ trong trường, các bạn sẽ thấy nhiều trang phục đủ màu sắc hay hoá trang lạ mắt khiến không gian trường thêm sống động.

Thời khoá biểu linh động

Thời đi học phổ thông, mỗi ngày bạn đều phải theo lịch học cố định từ sáng đến trưa hoặc chiều. Khi bước chân vào đại học bên này,  một trong những thay đổi rõ rệt nhất đó là lịch học linh động. Bạn được chọn thời khoá biểu theo từng môn học. Có những môn trải dài 2 đến 3 buổi một tuần trong khi có những môn chỉ học một buổi duy nhất .

Bạn có thể sắp xếp thời gian biểu để phù hợp với mình và thuận lợi cho việc làm thêm ngoài giờ học 20 tiếng mỗi tuần. Lưu ý là khi chọn thời khoá biểu, bạn cần lên kế hoạch trước cho các mùa cao điểm. Chúng ta phải sắp xếp lịch sao cho có đủ thời giờ làm bài kiểm tra , assignment mà không bị áp lực quá nặng.

Tự chịu trách nhiệm cho bản thân

Vào đại học, sẽ không còn ai kiểm tra xem liệu bạn đã làm bài tập về nhà chưa? Liệu bạn đã chuẩn bị bài trước buổi học hay chưa? Cũng không ai đuổi học bạn nếu bạn ‘cúp' tiết. GIữa tiết học, nếu bạn có việc, bạn có thể đứng dậy và rời khỏi lớp. Giáo viên tôn trong sự tự do và riêng tư của bạn, nhưng bù lại,  sinh viên phải tự có ý thức và tôn trọng mọi người trong lớp học.

Nếu nghỉ tiết, nghỉ môn, không làm bài, bạn sẽ không bị những hình phạt nặng nề hay bị báo về cho phụ huynh. Bước vào cánh cửa ĐH bạn đã đứng ra làm chủ cuộc đời của mình. Điều duy nhất bạn sẽ bị đó là bị thụt lùi so với các bạn khác và có thể bị trượt môn khi bài kiểm tra/ assignments không đạt tiêu chuẩn.

Môi trường Đại học mới mẻ chắc chắn sẽ khiến bạn bỡ ngỡ những tuần đầu, dễ mất định hướng và' đuối'. Các trường Đại học tại Úc thường xuyên mở những buổi hội thảo, workshop để các bạn đến chia sẻ và nhận lời khuyên từ chuyên gia.

Hãy tìm đến sự hỗ trợ từ các Phòng Hỗ trợ Sinh Viên tại trường , các trung tâm hỗ trợ dành riêng cho sinh viên hoặc tiểu bang để nhận sự tư vấn và giúp đỡ.

Điểm danh không còn quá quan trọng

Ở Đại học Úc, một số môn học sẽ điểm danh và có môn thì không. Những môn điểm danh tính điểm vào kết quả cuối kỳ này đều được ghi rõ trên lịch học của trường. Điều này sẽ không khiến bạn thấy bị ràng buộc hay áp lực nhiều như lúc bạn ở bậc trung học.

Nhưng mặt khác, mỗi lớp lý thuyết hay thực hành đều có những thông tin bổ ích và cần thiết ảnh hưởng đến bài kiểm tra giữa kỳ/ cuối kỳ. Nếu bạn bỏ lỡ, bài làm của bạn sẽ khó đạt điểm cao.

Bài luận lên đến hàng ngàn từ

Có lẽ nỗi ám ảnh nhất với sinh viên đại học năm đầu là các bài luận đều yêu cầu đến hàng ngàn từ. Các bài luận chính cho mỗi môn học yêu cầu 2,000 hay 2,500 từ. Nhiều bạn đọc đề bài và cảm thấy nản ngay từ bước này. 

Theo kinh nghiệm bản thân và chia sẻ của những du học sinh khác, khi bắt tay vào làm bài, bạn sẽ thấy những ý tương của mình khi trình bày ra giấy đều dồi dào hơn mình nghĩ. Ngoài ra, lượng từ bạn viết được phép chênh lệch yêu cầu 10%, nghĩa là bạn có thể viết ít hơn hoặc nhiều hơn số từ đó, miễn là trong phạm vị 10%. Tuy nhiên, để xác nhận chính xác, bạn cần kiểm tra lại với giáo viên từng bộ môn.

Nếu không biết bắt đầu viết từ đâu, bạn có thể dựa vào sườn câu hỏi giáo viên cho để trợ giúp ý tưởng . Từ những câu hỏi đó, các bạn triển khai thành những ý lớn và ý nhỏ hơn và phát triển tiếp từ đó. Cách này sẽ gíup bạn viết bài dễ hơn, ý tưởng kết nối được chặt chẽ và đạt được số lượng từ mình mong muốn.

Nói không với 'đạo văn'

Ở bậc đại học ở Úc, việc kiểm tra nguồn bài viết là chuyện vô cùng quan trọng, thậm chí bạn có thể bị đánh rớt vì sử dụng tài liệu của tác giả khác mà không ghi chú. Tại các trường đại học Úc,  đạo văn (plagiarism) là một hành động bị tuyệt đối nghiêm cấm.

Các trường đều có hệ thống kiểm tra việc đạo văn và trong vài phút có thể chỉ ra kết quả  bài viết của bạn là sao chép bao nhiêu phần trăm. Các sinh viên luôn được khuyến khích kiểm tra nguồn bài trước khi nộp bài cho giảng viên.

Hệ thống sẽ thông báo kết quả trong vòng 24 giờ cho biết bài viết của bạn giống bao nhiêu phần trăm so với các bài của những tác giả khác. Dựa vào đó, bạn cần chỉnh sửa lại bài viết cho phù hợp và gửi lại.

Thông thường, các sinh viên cần chuẩn bị trước bước này và nên hoàn tất bài của mình từ 2-3 ngày trước hạn nộp bài, để có thêm thời gian kiểm tra với hệ thống nhiều lần trước khi gửi bài viết cuối cùng cho giảng viên.

Nếu bạn gặp khó khăn về việc viết bài luận hoặc chưa tự tin với tiếng Anh của mình, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ thông qua các bộ phận chuyên hỗ trợ và hướng dẫn cách viết bài luận và sửa lỗi tiếng Anh ngay tại trường

Nghiên cứu

Trong một số chương trình sau đại học được cung cấp tại các trường đại học ở Úc, nghiên cứu đóng góp một phần rất quan trọng trong tiến trình học. Tuỳ theo từng chuyên ngành bạn học nhưng thường trong giai đoạn học , bạn sẽ phải thường xuyên nghiên cứu các thông tin liên quan để làm ví dụ cho bài giảng trong lớp hoặc để nâng cao độ tin cậy cho bài luận của mình.

Đây là cách để giảng viên đánh giá năng lực của bạn trong quá trình học. Hơn nữa những kỹ năng trong quá trình bạn nghiên cứu và hoàn thành luận án cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong công việc sau này.

Trong luận văn/ đề án cuối kỳ , bạn sẽ được kỳ vọng nghiên cứu và tìm hiểu một cách sâu sắc về đề tài bạn lựa chọn. Bạn sẽ cần phải tìm kiếm những tài liệu thực tế qua sách, tạp chí trên thư viện trường hay internet.

Nên lưu ý là không phải nguồn tài liệu nào cũng được chấp nhận. Ví dụ việc bạn sử dụng nguồn từ Wiki sẽ không được đánh giá cao vì đây là nguồn mở, ai cũng có thể chỉnh sửa thông tin, tính tin cậy thấp. Hầu hết các trường đại học đều có hướng dẫn sinh viên rất cụ thể về việc sử dụng thư viện và tìm tài liệu trên website, trong buổi giới thiệu nhập học, trong các quyển sách hướng dẫn tại thư viện hoặc trong khoá học.  

Du học bậc đại học ở Úc, bạn  sẽ được mở mang tầm mắt những điều mới những đi kèm cũng là những thử thách dễ khiến bạn nản lòng. Những các bạn đừng chùn bước nhé. Hãy giữ cho mình tâm thế ham học học, đón nhận cái mới và nỗ lực hết mình thì mọi khó khăn sẽ nhanh chóng qua đi thôi.

Đừng quên tham gia các buổi định hướng, giới thiệu về khoá học của trường, trang bị thật nhiều kỹ năng, tích cực học hỏi và không ngừng rèn luyện tiếng Anh. Chúc các bạn thành công!

Điểm tin tại Úc

Creative TALK
Source: Facebook SWCG
Lúc còn bé, mỗi khi được hỏi ‘Lớn lên con muốn làm gì', chúng ta thường rất dõng dạc chia sẻ ước mơ của mình. Sau mười hai năm đèn sách, những ước mơ cũng chuyển mình theo thời gian và tính cách. Không ít người trở nên mông lung nghi ngại ước mơ tuổi thơ,  và phân vân giữa nhiều lựa chọn trước mắt.

Chọn sai ngành có thể chọn lại, nhưng biết sai ngành mà vẫn cắm đầu theo đuổi thì bạn sẽ mất cả khoảng thời gian tuổi trẻ quý giá để ‘sống' với ước mơ thực sự của mình. Vì thế, tìm hiểu rõ ngành học là một bước vô cùng quan trọng của mỗi sinh viên trước khi đưa ra những quyết định hệ trọng cho sự nghiệp của mình.

ra mắt chuỗi seminar ,Mini Talks, cùng với S&W Consulting Group lần này xoay quanh đề tài CAREER TALK. Ngành đầu tiên được thảo luận là Creative Industry- hay còn gọi là Ngành Sáng Tạo,  một ngành được thế hệ trẻ yêu thích hiện nay. Đây là một ngành mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp với tính chất công việc mới mẻ mỗi ngày dành cho những bạn trẻ tự tin, năng động , ham học hỏi.

Thời gian: 5h30pm-7h30pm, thứ Năm 14/03/2019

Địa điểm : RMIT Campus, Melbourne CBD

Đăng ký vé miễn phí .

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ tại Úc

Green Patch, NSW
Source: ozgo.vn
Cắm trại là một trong những cách tốt nhất để thư giãn cũng như hòa mình với thiên nhiên. Bạn sẽ được ngủ giữa trời sao khi về đêm, thức dậy giữa tiếng chim hót khi bình minh đến, không còn căng thẳng và mệt mỏi.

Vào những ngày thời tiết đẹp như thế này, cắm trại là một lựa chọn không tồi có đúng không?

Hãy đến khám phá và cắm trại tại Green Patch ở NSW. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và kỳ vĩ, khu cắm trại Green Patch nằm riêng biệt trong rừng cây là nơi lý tưởng cho các gia đình và nhóm nhỏ. Tại đây, bạn có thể tham gia các hoạt động thú vị như bơi lội, câu cá và lặn với ống thở, trekking,  đạp xe và chèo thuyền.

Không những được mệnh danh là địa điểm cắm trại đẹp nhất nước Úc, Green Patch còn nổi tiếng bởi dịch vụ hoàn hảo, cung cấp đầy đủ các tiện nghi cho du khách bao gồm nước ngọt, nhà vệ sinh công cộng, vòi sen nước nóng và tiệc nướng có mái che.

Share