Bảy tuổi, cậu bé Deyaan Udani có một trái tim rộng mở hiện đang đập trong cơ thể một người nào đó.
Cậu bé này đã trở thành người Ấn Độ nhỏ tuổi nhất từng hiến nhiều nội tạng vào tháng Một vừa qua giúp cho bốn người khác được cứu sống.
Deyaan, chị và ba mẹ cậu bé đang đi hành hương ở Mumbai vào tháng Một thì Deyaan bắt đầu bị bệnh.
Mẹ của cậu bé, bà Mili, nói rằng bà đã phủ nhận mức độ nghiêm trọng về bệnh tình của con bà.
"Ba bốn ngày trước khi chúng tôi kết thúc chuyến hành hương, Deyaan bắt đầu than thở về những cơn đau đầu. Deyaan là một đứa trẻ khỏe mạnh, và bé chưa bao giờ nói rằng mình bị đau đầu trước đây."
Sau đó, Deyaan bị suy sụp và nhanh chóng được đưa vào bệnh viện.
"Những lần chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy bé có một cục máu đông với nhiều tắc nghẽn và xuất huyết trong não... Chúng không thể nghĩ được một cơn đau đầu có thể dẫn đến điều này ở một cậu bé 7 tuổi."
Một tuần sau khi Deyaan được đưa đến bệnh viện Nanavati, cậu bé được tuyên bố là chết não.
Sau đó, ba mẹ cậu bé đã có một sự lựa chọn. Mặc dù đang rất đau buồn nhưng họ chọn cách hiến tặng gan, thận và tim của con trai họ cho những người xa lạ.
Ba của cậu bé, ông Rupesh, nói rằng điều quan trọng là họ đã làm những gì mà con trai họ mong muốn.
"Tôi nói với vợ rằng chúng ta phải hoàn thành ước nguyện cuối cùng của Deeyan. Đó là mong ước của bé và gia đình chúng tôi đã quyết định như vậy."
Quyết định này đã giúp kéo dài cuộc sống của một cậu bé 7 tuổi khác, một bé 11, 15 tuổi và một người đàn ông 31 tuổi.
Tại trường công Quakers Hill, nơi Deyaan đã từng là một học sinh nổi bật của lớp Bốn, việc hiến tặng nội tạng đã từng được vào một cuộc thảo luận trong lớp học.
Deeyan đã về nhà và nói với ba mẹ vào cuối năm ngoái rằng đó là điều mà cậu bé muốn làm để giúp đỡ những người khác.
Nhà trường cho hay họ vô cùng khâm phục trước sự rộng lượng của gia đình Udani trong việc tôn trọng những ước nguyện của cậu bé.
Và họ nói rằng điều đó cũng chính xác giống như con người của Deyaan khi cậu bé còn sống - một người rộng lượng và biết cho đi.
Một nhật báo Ấn Độ đã loan tin rằng gia đình Udani đã thu hút 3 ngàn người đăng ký hiến tặng nội tạng trong một sự kiện được tổ chức ở Mumbai vào giữa tháng 2 vừa qua. Chị gái của Deyaan đã chia sẻ với đám đông người tập hợp tại Dadar ở Mumbai về chuyện cô bé và em trai của mình đã học được những gì về việc hiến tặng nội tạng ở trường Quakers Hill ở Sydney.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng mẹ của mình đã cam kết hiến tặng nội tạng nhưng ba thì không. Tôi và Deyaan đã nói với ông rằng thay vì trở thành cát bụi, ông có thể cứu sống rất nhiều người", cô bé Naisha nói.
Tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India) đưa tin người nhận được trái tim của Deyaan là một bé gái 7 tuổi ở Mumbai, cô bé hiện đang hồi phục tốt sau phẫu thuật cấy ghép.
"Deyaan đã đến với cuộc sống của chúng tôi như một thiên thần và tặng cho chúng tôi món quà to lớn nhất. Nhìn thấy con cái của mình mỉm cười và nói chuyện là điều vô giá," mẹ của bé gái Mumbai nghẹn ngào nói.
Bà nhớ lại ngày mà bác sĩ nói với bà rằng con gái của bà có thể sẽ không sống quá một tuần.
"Tôi như rơi vào vô thức. Nó không thể chịu nổi," bà nói.
Gia đình Goregaon nay quyết định dồn hết tâm huyết cho việc hiến tặng nội tạng.
Trong các cộng đồng đa văn hóa ở Úc, hiểu lầm là một rào cản phổ biến ngăn trở việc hiến tặng nội tạng, theo các nhóm vận động hiến tạng.
Thành viên của một số tôn giáo có những học thuyết về tâm linh không cho phép họ chấp nhận hay hiến tặng nội tạng từ người khác.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ liên bang đã liên hệ với những người đứng đầu các tôn giáo khác nhau và tất cả đã có bản chấp nhận việc hiến tạng đối với giáo dân.
Theo Trung tâm Truyền thông Y tế Đa Văn Hóa New South Wales, không có đức tin nào hiện lên án việc hiến tặng nội tạng ở Úc.
Ông Michael Kamit phối hợp cùng Tổ chức Hiến tặng Mô và Nội tạng New South Wales đã thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đế này.
"Cứ năm người Úc thì có một người có bối cảnh di dân, và chúng tôi nhận thấy tỷ lệ đăng ký hiến tặng nội tạng tương đối thấp trong các cộng đồng di dân. Chỉ cần một người hiến tặng nội tạng, họ có thể cứu sống đến 10 người."