Hạn hán kéo dài khiến việc chữa cháy càng khó khăn

Firefighters hose down a burning woodpile during a bushfire in Werombi, 50km south west of Sydney, Friday, December 6, 2019. (AAP Image/Mick Tsikas) NO ARCHIVING

Firefighters hose down a burning woodpile during a bushfire in Werombi, 50km south west of Sydney, Friday, December 6, 2019. (AAP Image/Mick Tsikas) Source: AAP

Khi lính cứu hỏa vẫn đang nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng cháy rừng, một trong những thách thức lớn nhất đặt ra là làm sao lấy được nguồn nước cấp thời, để có thể mang nước tới chữa cháy trong thời gian nhanh nhất.


Hạn hán kéo dài ở bờ Đông nước Úc khiến cho việc chữa cháy càng gặp nhiều khó khăn.

Một ví dụ có thể nhìn thấy là vụ cháy rừng đang xảy ra ở đảo Kangaroo, Nam Úc.

Thị trưởng đảo Kangaroo ông Mark Pengilly nói các vụ cháy rừng đã phá hủy hồ chứa nước trên đảo, khiến lính cứu hỏa phải cân nhắc khi lấy nước chữa cháy, vì nước còn để dành để uống. Ông nói:

“Hồ chứa nước chính của đảo là Little River, và hồi thứ 6 tuần trước lửa đã cháy tới đây. Họ phải xây dựng một trạm bơm nước mới, những nhân viên cứu hỏa làm nhiệm vụ thả những quả bóng nước từ trực thăng nay sẽ tới lấy nước từ trạm Turkey Lane mới xây gần đó. Nước từ hồ Little River nay cũng đi theo đường ống cấp nước tới Kingscote. Tại đây, quân đội đã xây dựng một trạm khử muối, để làm sạch nước từ ống nước. Tuy nhiên nước chỉ được làm sạch một phần nào chứ không được lọc, và nước vẫn còn nhiều chlorine. Đó là một nguồn nước. Một nguồn nước nữa dành cho lính cứu hỏa là nước lấy từ các hồ thuộc các nông trại, ở trung tâm của đảo. Nguồn nước này dồi dào hơn, và các xe tải chở nước dự trữ cũng luôn túc trực tại những địa điểm chứa nước gần đám cháy nhất để có thể đổ đầy nước nhanh chóng khi cần thiết”.

Tình huống tương tự cũng xảy ra ở Đông Gippsland, Victoria, nơi đang bị ngọn lửa tàn phá.

Giám đốc điều hành Thủy Cục Đông Gippsland, ông Mark McNeil nói, trước mỗi mùa cháy rừng, người dân đều được cảnh báo về khả năng có thể bị khan hiếm nguồn nước khi gặp cháy rừng, cũng như người dân được căn dặn không nên chỉ biết dựa vào một nguồn nước có sẵn cho nhu cầu hằng ngày. Ông nói:

Mỗi năm chúng tôi đều gởi thông báo đến người dân rằng chúng tôi không thể cung cấp đủ nước cho họ nếu như đang gặp cháy rừng, tuy nhiên bao giờ chúng tôi cũng cố gắng để đưa một ít nước tới mỗi cái vòi cho từng nhà.

Ông McNeil nói Thủy Cục Đông Gippsland hỗ trợ việc chữa cháy bằng cách giúp lính cứu hỏa tiếp cận được với các nguồn nước.

“Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật tình hình nguồn nước, cũng như cho biết khả năng của chúng tôi có thể cung cấp được bao nhiêu nước, và nếu tình huống căng thẳng xảy ra, chúng tôi sẽ hướng dẫn họ đến những nguồn nước khác, để không cần thiết phải dùng tới nguồn nước dành để uống”.

Trong khi đó Bộ trưởng Thủy Cục NSW Melinda Pavey nói chính phủ tiểu bang sẽ cân nhắc việc hợp tác với chủ nhân trạm lọc nước của Sydney, nhằm tăng gấp đôi khả năng cấp nước của cơ quan này, có thể cung cấp hơn 30% nguồn nước uống cho thành phố.

Giáo sư Stuart Khan thuộc Trường Kỹ sư Xây dựng và Môi trường, thuộc Đại học NSW nói, đây là ví dụ về sự linh hoạt cần thiết trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước.

Ông nói tại những thành phố lớn như Sydney, sự linh hoạt có nghĩa rằng nước có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau, nhưng ông nói thậm chí ở những nơi chỉ có một nguồn nước cũng có thể áp dụng cách này.

Ông nói thị trấn miền quê Orange, tại NSW từng gặp nguy hiểm vì thiếu nước, cho tới khi được giới thiệu hệ thống tái sử dụng nước mưa của thành phố. Ông nói:

"Hệ thống đó hứng nước mưa rơi xuống từ trên đường, ở các lối đi và ở nhà dân. Nước mưa rơi xuống sẽ chảy vào hệ thống chứa nước mưa. Bởi vì đó là một hệ thống có bề mặt cứng và không thấm nước, nên nước mưa rơi xuống dù chỉ có một lượng ít ỏi cũng đều có thể chảy vào. Vì vậy, trong năm nay, chúng ta sẽ thu được một lượng nước mưa quan trọng cho vùng Orange, thông qua hệ thống cấp nước đa dạng, chúng ta sẽ không thể có được lượng nước này nếu chỉ sử dụng đường ống dẫn nước thông thường".     

Giáo sư Khan nói biện pháp tái sử dụng nước của Perth là một ví dụ khác:

"Nước tái sử dụng có thể mang đến nhiều cơ hội. Không cần thiết phải có hồ chứa nước. Bạn có thể lấy nước từ những trạm xử lý nước thải. Những trạm này đã lọc nước ở một mức độ rất cao, khiến nước thải đạt được độ an toàn và tin cậy để có thể trở thành nguồn nước uống. Và điều này đã xảy ra ở Perth suốt 10 năm qua. Biện pháp này có thể mang đến một nguồn nước mới để sử dụng. Như vậy bất kỳ phương cách nào có thể làm nguồn nước trở nên đa dạng đều có thể trở thành một cơ hội, cho những lúc mà một nguồn nước trở nên cạn kiệt".


Share