Giá kết hôn giả tại Úc tăng như “diều gặp gió”
Kết hôn giả để tìm kiếm một “tấm vé” ở lại Úc là nhu cầu có thực trong cộng đồng người Việt. Thế nhưng người trong cuộc cũng đứng trước nguy cơ bị bác hồ sơ, hay trục xuất về nước, một khi Bộ di trú phát hiện ra các hành vi lừa đảo này.
"Kết hôn giả" là từ để nói về một cuộc hôn nhân theo hợp đồng, thỏa thuận ngầm phi pháp không vì lý do xây dựng gia đình trên cơ sở tình yêu. Thay vào đó, cuộc hôn nhân này thường được dàn xếp để đáp ứng cho mục tiêu cá nhân như tiền bạc hay định cư.
Vấn nạn này không phải là mới tại Úc, thế nhưng nó chỉ thực sự đáng báo động khi giá cả của hợp đồng hôn nhân ngày một tăng và chính phủ Úc phải tìm cách ngăn chặn những cuộc hôn nhân phi pháp này.
Chị Phương Phan, nhân viên xã hội làm việc tại Sydney cho biết chị từng gặp nhiều cặp kết hôn giả trong quá trình tư vấn và giúp đỡ cho cộng đồng. Chị chia sẻ mục đích của người từ Việt Nam là mong muốn định cư, đi học, đi làm bên Úc; còn người ở Úc là vì tiền.
“Ở Úc, người đàn ông hay đàn bà làm việc này vì tiền, có thể do hoàn cảnh khó khăn, phía Việt Nam thì có tiền lại muốn qua Úc. Hai mục đích này gặp nhau và họ làm chuyện phi pháp”. Phương Phan
Chị Phương Phan cho biết giá cả của những phi vụ kết hôn giả hiện đã tăng lên chóng mặt so với các năm trước do nhu cầu ngày càng cao, và sự xét duyệt khó khăn hơn của Bộ di trú.
“Mới năm ngoái tôi nghe giá cả chỉ có $60.000 hay $70.000 mà thôi, vậy mà năm nay đã nghe lên đến $100.000 cho những hôn thú giả. Theo tôi biết thì từ tháng Giêng năm ngoái lệ phí hồ sơ đã tăng lên $8.000 và quy trình xét duyệt của chính phủ cũng khó khăn hơn nhiều. Có lẽ vì vậy mà giá cũng phải tăng lên ”. Phương Phan
Quy trình nhanh, dễ dàng hơn so với di cư dạng tay nghề?
Hiện vẫn còn những công ty môi giới tồn tại trong cộng đồng dưới hình thức các công ty luật chuyên về di trú với lời quảng cáo hấp dẫn về việc giúp các hợp đồng bảo lãnh hôn nhân thành công 100%.
“Có những luật sư làm công việc này, họ có đường dây quen biết và tin tưởng lẫn nhau”, chị Phương cho biết
Luật sư Đan Phượng, công ty luật DPN tại Sydney khẳng định những công ty như vậy đang làm việc trái pháp luật.
“Hành động đồng lõa này sẽ bị Bộ di trú truy tố không chỉ đương đơn mà còn cả nhân viên trong công ty di trú đó nữa”, LS Đan Phượng trả lời SBS.
Anh Tuấn Nguyễn, sống ở Victoria cho rằng lý do cho những cuộc hôn nhân theo hợp đồng như vậy là quy trình nhanh chóng, và không phải ai cũng có khả năng để di trú theo diện tay nghề khi đòi hỏi của chính phủ ngày một gắt gao hơn.
“Họ nghĩ đây là con đường định cư dễ nhất, mặc dù khá tốn kém nhưng nhanh hơn, nhiều khi định cư theo dạng lao động tay nghề cao thì họ không đủ khả năng”, anh Tuấn cho biết.
Chính nhu cầu này đã tạo cơ hội cho một công việc mới mang tên, "chụp ảnh cưới cho những cặp kết hôn giả". Anh Đào, một nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới tại Victoria cho khá nhiều cặp kết hôn dạng hợp đồng cho SBS biết anh có thể nhận diện các đôi kết hôn giả như thế nào.
“Mấy đôi này trước đây không có hình, họ chụp để có hình làm hồ sơ nộp cho Bộ di trú. Họ giấu tôi, nhưng tôi nhìn cách họ hôn không thật lòng là tôi biết. Những người kết hôn giả chụp vài tấm hình qua loa cho có là được, họ không nhiệt tình”. Đào H.
Luật sư Đan Phượng, công ty luật DPN chuyên về lĩnh vực di trú tại Sydney cho biết các lý do vì sao mà một hồ xin bảo lãnh theo dạng vợ chồng có thể bị bác bởi bộ di trú.
“Tất cả hồ sơ đề trình lên Bộ di trú phải chứng minh được mối quan hệ thật sự. Trong quá trình xét hồ sơ, nếu Bộ di trú không tin tưởng, hoặc có thư nặc danh tố cáo hay họ phát giác ra điều gì bất thường, tùy theo bằng chứng mà họ có thì họ sẽ bác đơn, hoặc truy tố tội hình sự”.
Man removing marriage ring from his finger behind his back isolated on white background. Source: Getty Images
Mỗi năm có hàng trăm trường hợp người Việt nhập cư bằng con đường kết hôn với công dân Úc bị trục xuất về nước vì không vượt qua được những cuộc trắc nghiệm về cuộc sống riêng tư. Nhưng đây vẫn là con đường được không ít người lựa chọn.
“Họ gọi phỏng vấn người chồng, rồi cúp máy ngay gọi cho người vợ. Họ sẽ hỏi người này đang ở đâu, với ai, ở căn nhà số mấy, đang làm gì. Bộ di trú sẽ có những nhóm đi gõ cửa tận nhà vào khoảng 5-6h sáng hay 7-8 giờ tối để xem phòng nào hai vợ chồng ở, giường đôi đâu, quần áo vợ chồng đâu, trong phòng có quần áo hai vợ chồng không”.
“Thậm chí họ vào buồng tắm hỏi bàn chải nào của chồng, bàn chải nào của vợ. Đi qua hàng xóm, đưa hình và hỏi hai vợ chồng này có ở đây không. Hiện dữ liệu của một số cơ quan nhà nước như ATO, bằng lái xe, Centre linlk đều có kết nối với nhau.”
“Họ còn kiểm tra được Opal Card coi đi những đâu, kiểm tra FB coi có ảnh vợ chồng hay không, hay ghi là đang single độc thân”.
“Bộ di trú còn kiểm tra thẻ ngân hàng, nếu nhà ở Carbramatta mà cứ rút tiền ở Bankstown là sẽ nghi ngờ”.
“Họ thường kiểm tra những thông tin này ở chặng thứ nhì, tức là khi nộp để xin vào thường trú sau 2 năm, xác xuất bị phỏng vấn qua điện thoại là 50%- 60%”. Luật sư Đan Phượng
Những rủi ro mà các cuộc kết hôn giả mang lại không hề nhỏ. Chị Phương Phan, nhân viên xã hội tại Sydney cho SBS biết những câu chuyện mà chị đã từng gặp khi làm nhân viên tư vấn hỗ trợ cộng đồng.
“Có người phụ nữ Việt tử tự vì cuộc sống quá áp lực và không ai để nương tựa, chia sẻ nơi đất lạ quê người. Có người thì bị chồng nhốt, đánh đập không cho học hành, lái xe. Bắt đi làm farm nộp tiền cho chồng, nếu cãi thì chồng hù dọa sẽ không bảo lãnh nữa, mà đuổi về Việt Nam.”
Hầu hết các hợp đồng hôn nhân đều nêu ra điều kiện không có quan hệ vợ chồng thật sự, thế nhưng không ít phụ nữ bị xâm phạm tình dục hay bị “chồng hờ” bạo hành, đánh đập tàn nhẫn.
Liệu luật pháp có bảo vệ cho những người này khi họ chính là những người đã vi phạm luật pháp trước? LS Đan Phượng cho SBS biết:
“Vì họ vi phạm luật pháp nên luật pháp không bảo vệ họ liên quan đến các vấn đề trong hợp đồng. Thế nhưng nạn nhân của bạo hành gia đình vẫn sẽ được luật pháp Úc bảo vệ”.Những cặp đôi kết hôn giả nhằm có được một tấm Visa đến Úc, sau đó ly hôn và nhận tiền trợ cấp độc thân sẽ bị chính phủ tước bỏ quyền lợi công dân Úc, đây được xem là một phần của kế hoạch ngăn chặn kết hôn giả trên toàn quốc đã được Chính phủ Liên bang công bố vào năm ngoái.
Financial assistance is also available for partner visa holders Source: Getty Images
Việc giám sát chặt chẽ và gắt gao hơn các hồ sơ bảo lãnh hôn nhân với nhiều biện pháp khác biệt có thể xem là cách mà chính phủ Úc đang áp dụng để tìm ra những người lợi dụng kẻ hở để trục lợi.
“Những nhân viên di trú duyệt xét hồ sơ sẽ gắt gao hơn. Chính phủ sẽ lập ra các ủy ban đến tận nhà kiểm tra, giám sát, gọi điện, những nhân viên di trú chuyên tìm các thông tin liên quan trên mạng để đối chiếu. Ví dụ như kiểm tra việc ra nước ngoài du lịch, hai vợ chồng có đi cùng với nhau không”.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại