Hàng ngàn người Hồng Kông vẫn che mặt xuống đường bất chấp lệnh cấm của chính quyền

Protesters in Hong Kong during a demonstration against a new law banning face masks in public

Protesters in Hong Kong during a demonstration against a new law banning face masks in public Source: AAP

Hôm chủ nhật hàng ngàn người lại xuống đường ở Hong Kong với nhiều người biểu tình che mặt bất chấp lệnh cấm đã được Tòa án tối cao phê chuẩn. Bạo loạn đã nổ ra ở một số nơi, với các cuộc tấn công mới vào các doanh nghiệp. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và dùi cui.


Hôm chủ nhật 6/10 hàng chục ngàn người che dù tuần hành từ công viên Victoria đến trung tâm thành phố. Samuel 21 tuổi giải thích tại sao lệnh cấm của Hành chánh Trưởng quan Carrie Lam là vô ích.

"Bà Carrie Lam ban lệnh cấm để ngăn chặn chúng tôi xuống đường. Tôi muốn nói với bà ta rằng làm như vậy phản tắc dụng – bà chỉ nhắm vào các triệu chứng mà bỏ qua cốt lỏi của vấn đề. Bà ta bịt miệng chúng tôi, điều đó chỉ làm cho chúng tôi phải đi xa hơn nữa."

Cuộc biểu tình ban đầu ôn hòa cho đến giữa trưa thì cảnh sát bắn lựu đạn cay khi đoàn người đi ngang qua tổng hành dinh cảnh sát.

Cảnh sát bắt loa cảnh cáo đám đông rằng biểu tình là bất hợp pháp, hãy giải tán nếu không cảnh sát sẽ nổ súng.

Martin Wong, 49 tuổi, giải thích vì sao ông tham gia biểu tình.

"Ngay cả khi các cháu sinh viên bị thương, bà Carrie Lam không an ủi chúng như cha mẹ vẫn làm. Tôi cảm động khi thấy các sinh viên dám lên tiếng phản đối chính phủ. Vậy mà bà Carrie Lam bây giờ cấm người biểu tình che mặt, bà ta rỏ ràng tìm cách thống trị chúng tôi rồi."

Lệnh cấm che mặt tại các cuộc biểu tình nếu vi phạm có thể bị phạt tù 1 năm. Nhà lập pháp thân Trung Quốc, Chiu Chi-keung, nói lệnh cấm che mặt là cần thiết để tái lập trật tự.

"Nếu chúng che mặt chúng có thể tránh không bị bắt. Cho nên tôi nghĩ chính phủ ban lệnh khẩn cấp này là để những người phạm pháp không thể trốn tránh trách nhiệm. Nếu không tình hình ở Hồng Kông, đặc biệt là kinh tế, sẽ còn tệ hại hơn."

Cựu thống đốc Hồng Kông, ông Chris Patten, chỉ trích việc ban hành lệnh cấm che mặt.

Là người chịu trách nhiệm trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997, ông Patten nói các bên cần đối thọai với nhau.  

"Cách hay nhất là nói chuyện với những người biểu tình, nhất là những người biểu tình ôn hòa. Tôi hy vọng là những người biểu tình ôn hòa nên khẳng định rằng họ không muốn thấy có ai sử dụng bạo lực dù cho có lý đến đâu cũng không."

Các nhà lập pháp thân dân chủ đã tìm cách ngăn chặn lệnh cấm che mặt nhưng Tòa Án Tối Cao của Hồng Kông đã bảo lưu lệnh của bà Carrie Lam. Nhà lập pháp Dennis Kwok tuy vậy cho biết tòa sẽ tái xét vấn đề vào cuối tháng này.

"Tôi nghĩ Tòa Án Tối Cao cũng thấy được tầm quan trọng của vấn đề cho nên tòa đồng ý phân xử lại chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là quyết định hiếm có tôi chưa từng thấy bao giờ."

Hôm qua người biểu tình chặn đường ở các khu vực Wan Chai, Admiralty, Sham Shui Po và Prince Edward, ném bom xăng và lại phá hoại nhiều cửa hàng mà họ tin là có liên hệ với Trung quốc đại lục.

Một số người biểu tình cũng đã đột nhập vào các văn phòng chính quyền địa phương ở khu vực Cheung Sha Wan.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng để đối phó với những người gây bạo loạn và bắt giữ nhiều người.

Số người biểu tình hôm qua đông hơn hôm thứ bảy 5/10, trong khi các bến tàu điện ngầm đã bị tấn công vào hôm thứ sáu 4/10.

Share