Tình cảm và sự quan tâm giữa Caitlin Delaney và chồng Kevin MacIsaac quả thật khiến nhiều người phải ghen tị.
Ở tuổi 40, cô Delaney đang gồng mình chịu đựng những đau đớn từ căn bệnh quái ác - ung thư buồng trứng giai đoạn 4. Hiện cô đang điều trị giảm đau bằng cách tiêm ma túy vào tĩnh mạch. Mỗi ba tuần cô phải đến Viện ung thư Sydney để thực hiện những mũi tiêm này.
Điều lo lắng nhất của cô Delaney chính là người chồng và 2 cô con gái còn rất nhỏ. Từ khi phát hiện bệnh, cô trở thành gánh nặng cho gia đình, bởi chồng cô phải quán xuyến tất cả mọi thứ từ việc dọn dẹp, nấu nướng trong gia đình, đến việc thay cô chăm sóc 2 con nhỏ, một cháu lên 4, và một cháu mới vừa tròn 2 tuổi. Ngoài ra, gánh nặng tài chính cũng là nỗi trăn trở lớn nhất của gia đình Delaney.
"Tôi được chẩn đoán ung thư giai đoạn 4, và đang trong giai đoạn điều trị bằng ma túy, mỗi năm tốn khoảng 30,000 đô la, hoặc đại loại như thế. Rất may, loại thuốc tôi đang dùng được nhà nước tài trợ, nên được phát miễn phí. Nhưng những người bạn của tôi, cũng với ung thư buồng trứng, nhưng họ phải tự trả chi phí thuốc men, bởi họ đang ở giai đoạn 3, không phải giai đoạn 4 của ung thư."
Chương trình tài trợ dược phẩm (PBS) là một chương trình của chính phủ Liên bang, thuốc được cấp phát miễn phí hoặc với giá rẻ theo toa nhất định.
Thế nhưng, đối với trường hợp của cô Delaney, chương trình trợ cấp này sẽ chấm dứt vào tháng 7 tới. Vậy nên, gia đình cô sắp đối mặt với sự gia tăng khủng khiếp chi phí điều trị. Cô cho biết, bảo hiểm y tế có thể giúp trang trải phần nào, tuy nhiên, số tiền này chẳng thấm vào đâu.
"Tôi có bảo hiểm thu nhập, vậy nên tôi không phải lo cho chồng tôi Kevin, và các con nếu tôi qua đời. Tuy nhiên, giờ tôi không thể đi làm. Bảo hiểm thu nhập không đáng là bao. Chồng tôi đã nghỉ làm khoảng 1 năm nay để chăm sóc tôi. Anh phải tìm những công việc lặt vặt để gia đình có thêm một ít thu nhập, như là lái uber. Chúng tôi biết mình đang cần tiền cho việc điều trị bệnh. Nó có thể dao động từ 30.000 đến 100.000 đô mỗi năm.
Một báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu, thuộc trung tâm tư vấn kinh tế Deloitte cho thấy, chi phí điều trị cho những bệnh nhân ung thư, tuổi từ 15 đến 25 đang là gánh nặng cho các gia đình. Thậm chí vượt quá giới hạn kinh tế của gia đình người bệnh. Bà Lynne Pezzullo, tác giả bài báo cáo cho biết thêm:
"Trung tâm tư vấn kinh tế Deloitte nhận ra rằng chi phí điều trị ung thư ở những người trẻ là khoảng 1,4 tỉ đô la trong năm 2016. Với 1.100 bệnh nhân, vậy nên mỗi người sẽ tốn trung bình 1,3 triệu đô la tiền điều trị mỗi năm."
Theo ước tính, những bệnh nhân sẽ phải chi trả 70% các loại phí. Chính phủ sẽ hỗ trợ khoảng 20%, chủ yếu liên quan đến các dịch vụ y tế.
Can-Teen, một nhóm hỗ trợ những thanh niên trẻ mắc bệnh ung thư cho biết, bản báo cáo đã đánh giá đúng sự thật. Ngoài gánh nặng tài chính, những người mắc bệnh ung thư còn có nhiều mất mát khác to lớn hơn. Trưởng nhóm Pandora Patterson giải thích:
"Điều này thật sự khá đúng. Về số liệu của báo cáo, tôi nhận thấy một khía cạnh khác. Đó là những người trẻ này sẽ giảm 8 năm tuổi thọ. Điều này thật sự quan trọng."
1,3 triệu đô la là tổng chi phí điều trị suốt đời của mỗi bệnh nhân ung thư. Chi phí này bao gồm khoảng 400,000 đô la thu nhập, và khoảng 135,000 đô la chi trả cho hệ thống y tế.
Cô Lisa Vacaro, một nhà tâm lý học ở Sydney cho biết, kể từ khi phát hiện ra căn bệnh ung thư vú cách đây 4 năm, cuộc sống gia đình cô đảo lộn hoàn toàn. Các đợt điều trị kéo dài khiến sức khỏe cô ngày một hao gầy. Cô luôn sống trong tâm trạng bồn chồn, lo sợ cái chết sẽ ập đến lúc nào không hay. Từ một người vui vẻ, lạc quan, và hài lòng với cuộc sống, giờ đây chị gần như suy sụp, thưa dần các mối quan hệ bạn bè, cơ hội nghề nghiệp và cả nguồn thu nhập cũng bị ảnh hưởng theo.
"Thay vì có thể tự tìm đề tài nghiên cứu cho riêng mình, giờ tôi phải làm việc theo những dự án nghiên cứu của người khác. Hiện tại có một khoảng cách lớn trong hồ sơ xin việc của tôi, và điều quan trọng là bạn không thể nói thẳng ra là đang sống chung với bệnh ung thư"
Giám đốc điều hành Hội Ung thư Úc, bà Sanchia Aranda cho rằng ung thư không những là căn bệnh oái ác, khó có thuốc chữa, nó còn là một "ung nhọt về tài chính" của các hộ gia đình. Vì vậy, bà hy vọng chính phủ cần sẽ có những thay đổi về quy định hỗ trợ đối với những bệnh nhân ung thư, để họ giảm nỗi lo về mặt tài chính và an tâm chữa bệnh.
"Những gì chúng tôi muốn thấy vào lúc này là một tiêu chuẩn mới về sự đồng thuận tài chính, để bệnh nhân hiểu được những gì họ đang đối mặt trong hành trình chống chọi với bệnh ung thu ngay từ lúc mới phát hiện. Chúng tôi muốn thấy báo cáo về sự chênh lệch chi phí điều trị, để mọi người có thể lựa chọn nơi điều trị, cách thức chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, cũng như việc chọn lựa giữa hệ thống bệnh viện công và bệnh viện tư."