Cựu thủ tướng Tony Abbott nói rằng muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Úc, chính phủ cần phải giới số di dân nhận vào.
"Vấn đề theo tôi không phải là di dân, mà là ở con số di dân được nhận vào. Tôi nghĩ cho đến khi nào hạ tầng cơ sở, nhà cửa và sự hội nhập được tốt đẹp, chúng ta cần phải hạ số di dân nhận vào cho phù hợp."
Hiện nay mỗi năm nước Úc nhận 190 ngàn di dân, ông Abbott muốn hạ xuống còn 110 ngàn, tương đương với thời chính phủ John Howard.
Nhưng Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison, bản thân từng giữ Bộ Di Trú, không đồng ý.
"Khi anh cắt giảm số di dân anh tạo sức ép cho ngân sách vào khoảng 4 đến 5 tỉ đôla. Nếu như anh làm theo đề nghị của ông Tony Abbott anh chỉ có giảm bớt di dân có tay nghề cao, và chỉ còn đa số là di dân đoàn tụ gia đình, vốn cuối cùng tạo thêm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội."
Bộ trưởng Nội Vụ Peter Dutton, vẫn đang cố gắng thúc đẩy để Thượng viện thông qua dự luật tu chính quốc tịch vốn gây nhiều tranh cãi.
Ông muốn kéo dài thời gian chờ đợi đối với thường trú nhân muốn xin quốc tịch, ngoài ra còn muốn nâng cao yêu cầu về trình độ tiếng Anh và tự cho bản thân mình nhiều quyền lực hơn.
Tuy nhiên nói chuyện tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia ở Canberra, ông Dutton đã bác bỏ đề nghị của ông Tony Abbott.
"Đánh giá của tôi là chúng ta có chính sách đúng đắn. Tôi muốn nhận di dân càng trẻ càng tốt, càng có tay nghề cao càng tốt, để họ đóng thuế lâu dài hơn, để họ đóng góp cho xã hội và xây dựng đất nước.
Kinh tế Úc cần có di dân mới hoạt động được. Tuy nhiên nhiều di dân sẽ gây sức ép cho hạ tầng cơ sở, nhất là tại các thành phố lớn. Giáo sư Mary Crock
Chương trình di trú của Úc gồm có ba diện: tay nghề, đoàn tụ gia đình và diện đặc biệt. Diện nhân đạo là một chương trình riêng.
Ông Tony Abbott đúng khi nói rằng con số di dân tăng kể từ thời chính phủ Howard. Năm 1996 con số di dân đến từ ngoại quốc là 104 ngàn người. Năm 2009 tăng lên 300 ngàn người.
Năm ngoái con số này là 186,000 người, đa số là diện tay nghề cao. Giáo sư Mary Crock thuộc khoa Luật của Đại học Sydney nói di dân quyết định tương lai của nước Úc.
"Nói cho cùng Úc cần di dân. Chúng ta rõ ràng cần họ. Kinh tế Úc cần có di dân mới hoạt động được. Tuy nhiên nhiều di dân sẽ gây sức ép cho hạ tầng cơ sở, nhất là tại các thành phố lớn."
Dân biểu Lao Động, Peter Khalil sinh ra trong một gia đình di dân đến từ Ai Cập cách đây 50 năm. Ông nói rằng ông Abbott nêu lên quan ngại chính đáng đó là sự tập trung quá nhiều di dân ở Sydney và Melbourne, nhưng có nhiều giải pháp chứ không cần hạn chế di dân đến Úc.
"Tôi không nghĩ là di dân sẽ cảm thấy bị hất hủi đâu, nhưng chúng ta cần bàn đến những nơi nào di dân có thể lập nghiệp, chứ không nên đơn giản cắt giảm con số di dân."
"Chính phủ cần sáng tạo hơn. Họ cần tìm cách khuyến khích di dân dọn về vùng quê, về các thành phố khác như là Adelaide, Hobart, Darwin, Brisbane và Perth, để cho kinh tế của những nơi đó được phát triển."