Trong bài diễn văn được chờ đón tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Scott Morrison đã bào chữa cho chính sách khí hậu của Úc.
"Hôm nay tôi muốn có cơ hội trình bày cách nước Úc đối phó với những thách thức về môi trường toàn cầu. Bảo vệ các đại dương là một trong những thách thức bức bách nhất của chúng ta."
Ông Morrison tập trung vào những hành động cụ thể của Úc đang làm.
"Để bảo vệ cạc đại dương của chúng ta, Úc đang dẫn đầu việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa, tình trạng đánh bắt cá quá mức, bảo vệ sinh thái biển, và có hành động ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Gần đây tôi đã loan báo Úc sẽ ngưng xuất cảng chất thải nhựa, giấy, thủy tinh và vỏ xe, bắt đầu từ năm sau 2020."
Nhưng Giáo sư Steven Sherwood của Trung tâm Nghiên cứu về Biến đổi Khí hậu nói rằng những chuyện đó không giúp thế giới đạt được mục tiêu phi khí thải vào năm 2050, một cam kết hơn 60 quốc gia đã đưa ra trong cuộc họp đặc biệt của LHQ mà ông Morrison vắng mặt.
"Cũng tốt khi ông ấy quan tâm đến chất thải nhựa đang làm ô nhiễm đại dương, nhưng chuyện đó không liên quan gì đến khí thải, thán khí và ấm nóng địa cầu, cho nên theo tôi nghe như ông ấy đánh trống lãng. Ý tôi là làm những chuyện đó cũng tốt thôi, nhưng nó không liên quan gì đến chuyện khí hậu địa cầu sẽ như thế nào trong vài chục năm nữa nếu chúng ta không nhanh chóng cắt giảm khí thải."
Trong bài diễn văn ông Morrison nói Úc đang làm tốt trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm với tinh thần trách nhiệm cao, và đóng góp cụ thể cho việc ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Nếu như chúng ta quyết định không quan tâm lắm đến khí thải thì các nước khác cũng sẽ bắt chước chúng ta.
Ông Morrison thông báo Úc đang trên đường đặt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 cắt giảm khí thải từ 26-28 phần trăm, tức dưới mức khí thải của năm 2005.
"Những người chỉ trích Úc, trong nước cũng như ở ngoại quốc, đã cố tình không màng đến những thành tựu của chúng tôi, bởi vì nó không phù hợp với những gì họ muốn nói về những đóng góp của chúng tôi. Úc chỉ chịu trách nhiệm cho 1,3 phần trăm khí thải của toàn cầu. Úc đang làm phần việc của mình và tôi phản bác mọi đánh giá ngược lại."
Ông Morrison nói thế giới ngày nay phức tạp và đầy thách thức.
"Nhiều người chấp nhận việc các nước bị ép phải ký kết này kia. Nhưng nước Úc sẽ tiếp tục chống lại khuynh hướng đó.”
Số liệu của bộ môi trường cho thấy lượng khí thải của Úc đã gia tăng kể từ năm 2014.
Theo thỏa thuận Paris, mọi quốc gia dự kiến phải gia tăng chỉ tiêu cắt giảm khí thải khi họp tại Glasgow ở Scotland trong năm sau. Nhưng ông Morrison tỏ dấu hiệu vào lúc này Úc không có ý định đó.
Giáo sư Sherwood sợ rằng việc ông Morrison không đề cập đến chuyện cắt giảm khí thải trên diễn đàn LHQ có thể là tấm gương xấu cho thế giới.
"Tại cuộc họp của Liên hiệp quốc, Trung Quốc đã không đưa ra cam kết nào mới. Họ nói rằng đó là bởi vì các nước phát triển – tôi nghĩ họ hàm ý đặc biệt là Úc và Mỹ - cần phải làm nhiều hơn nữa. Vì vậy những nước như Úc, dù chúng ta không phải nước lớn, nhưng cũng làm gương cho các nước khác. Nếu như chúng ta quyết định không quan tâm lắm đến vấn đề này thì các nước khác cũng sẽ bắt chước chúng ta."