Chị Hoàng Hằng đang làm trợ giảng (teacher’s assistant) ở một trường tiểu học thuộc hệ thống Sydney Catholic Schools. Công việc chính của chị là dạy những nhóm học sinh hoặc các cá nhân cần được giúp đỡ thêm trong học tập; thường là trong các môn toán, đọc hiểu, viết, và kỹ năng giao tiếp xã hội. Chị hiện là mẹ của hai cô con gái: con gái lớn đang học lớp Ba ở trường công và con gái nhỏ 14 tháng tuổi đang đi nhà trẻ.
SBS Vietnamese: Qua công việc của mình và trực tiếp hỗ trợ con học tại nhà, chị thấy khi chuyển qua học từ xa, các bé tiểu học thường gặp phải khó khăn gì?
Hoàng Hằng: Qua kinh nghiệm công việc cũng như kinh nghiệm giúp con học ở nhà, mình thấy có hai trở ngại chính mà các bé thường gặp phải:
Một là, trở ngại trong việc sử dụng các thiết bị và ứng dụng phần mềm cần thiết trong việc học trực tuyến. Các bạn nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, lớp Một, và lớp Hai chưa có thói quen và kỹ năng sử dụng các ứng dụng web và các phần mềm hỗ trợ học trực tuyến.
Đối với các bé, có được kỹ năng đó không phải dễ dàng, ngay cả khi có sự tận tâm hướng dẫn, giải đáp của trường, của thầy cô giáo, và sự hỗ trợ từ gia đình. Các bạn nhỏ chưa có khả năng ghi nhớ, xử lý nhanh các lỗi kỹ thuật của thiết bị hoặc phần mềm hỗ trợ để bắt kịp hoặc duy trì trong những giờ học online hiệu quả. Khắc phục khó khăn này cần cho các bạn một khoảng thời gian nhất định.
Hai là, còn thiếu những kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp trực tuyến, kỹ năng đánh máy, khả năng nghe hiểu, ghi nhớ và làm theo hướng dẫn của thầy cô giáo... Có vẻ như các bạn nhỏ học và làm bài trực tuyến theo cảm tính nhiều hơn. Theo đó nhiều bạn nhỏ coi việc học trực tuyến là không quan trọng, học chơi vui thôi chứ không phải học thật như khi đến trường nên các bạn không tham gia học hoặc không làm bài.
Ngược lại, có không ít các bạn nhỏ căng thẳng, lo lắng vì không hiểu bài, không thể hoàn thành các phần việc mà thầy cô giao. Khó khăn này đến từ những rào cản về ngôn ngữ, không gian, và thời gian của việc học trực tuyến. Việc giao tiếp với thầy cô không dễ dàng như khi học mặt đối mặt ở trường.
SBS Vietnamese: Vai trò của cha mẹ trong việc hỗ trợ con học trực tuyến sẽ như thế nào? Chúng ta có thể thay thế vai trò người thầy của con không?
Hoàng Hằng: Trước hết, xin được gởi lời chia sẻ và cảm thông đến các bậc cha mẹ. Mình thấu hiểu sự căng thẳng, lo âu, cũng như sự hy sinh và nhẫn nại của cha mẹ các bé. Ngoài công việc hàng ngày như giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, và chăm sóc, giờ đây các cha mẹ còn phải mày mò suy nghĩ, lo làm sao cho con mình theo kịp chương trình và học có hiệu quả trong môi trường học tập mới.
Tâm lý tự nhiên của các bạn nhỏ là có xu hướng nghe lời và tin tưởng lời của thầy cô giáo của mình hơn là của ba mẹ. Cha mẹ thường đóng vai trò hỗ trợ chứ khó có thể thay thế vai trò của thầy cô giáo.
Quả thực, với cuồng quay của công việc, của cuộc sống, với ngân quỹ thời gian hạn hẹp, việc hỗ trợ con cái như trong tình hình hiện nay là một việc không mấy dễ dàng đối với nhiều người.
Ở một khía cạnh khác, kỹ năng giảng dạy là một vấn đề lớn trong việc hỗ trợ con em học tại nhà. Ngay cả khi cha mẹ có học vấn cao, hiểu biết rộng, kỹ năng đó không đến một cách tự nhiên. Việc giảng bài, giải thích bài vở sao cho đơn giản, dễ hiểu lại thuộc về một kỹ năng khác, của một vai trò khác.
Thêm vào đó, tâm lý tự nhiên của các bạn nhỏ là có xu hướng nghe lời và tin tưởng lời của thầy cô giáo của mình hơn là của ba mẹ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy cha mẹ thường đóng vai trò hỗ trợ chứ khó có thể thay thế vai trò của thầy cô giáo, trừ những trường hợp rất đặc biệt.
Cha mẹ thường đóng vai trò hỗ trợ chứ khó có thể thay thế vai trò của thầy cô giáo, trừ những trường hợp rất đặc biệt. Source: Supplied
SBS Vietnamese: Phương pháp mà chị đang áp dụng để con tiếp thu, học hiệu quả hơn, tập trung hơn?
Hoàng Hằng: Từ khi con mình còn nhỏ xíu, mình đã hướng bé vui chơi, học hành, tham gia các hoạt động khác theo một kế hoạch, lịch trình được chuẩn bị trước để rèn cho bé tính tuân thủ giờ giấc, tính tự lập, biết lên dự định, lập kế hoạch và khơi gợi sự tò mò, đam mê khi các hoạt động được lặp đi lặp lại.
Khi con vào tiểu học, mình và con gái cùng nhau thiết kế một thời gian biểu các hoạt động diễn ra từng giờ, từng ngày trong tuần. Cứ vậy mỗi ngày, con gái mình làm theo lịch trình đã định.
Tuy nhiên, từ khi chuyển qua học trực tuyến, bé không thể tuân theo một thời gian biểu cố định như đã từng áp dụng. Bé phải thay đổi các hoạt động cho phù hợp với bài vở mà cô giáo cho trong ngày. Thường là, khi học trực tuyến, bé cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành những học phần và những bài tập được giao.
Nhưng, nói chung, hàng ngày mình vẫn yêu cầu con thức dậy đúng giờ cố định như trước đây dù con không phải đến trường. Mình muốn con mình hiểu là việc học là quan trọng và vẫn phải diễn ra đều đặn, dù học trực tuyến hay trực tiếp. Mỗi ngày, bé vệ sinh cá nhân, ăn sáng, và sửa soạn quần áo và tóc tai phù hợp, và ngồi vào bàn chuẩn bị cho một ngày học trực tuyến. Trong lúc chờ cô giáo vào dạy, mình cho bé coi qua một số tin tức để có hiểu biết tình hình xã hội hoặc nghe những bài hát mà bé yêu thích để tinh thần thư thái trước khi tập trung vào việc học.
Cha mẹ ít nhiều nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu của con để có những định hướng tiếp theo hay có những biện pháp can thiệp, giúp đỡ kịp thời.
Hiện tại có nhiều công cụ khác nhau được sử dụng trong giảng dạy trực tuyến. Mỗi trường và giáo viên chọn những tiện ích ứng dụng mà họ thấy phù hợp. Vì vậy, để giúp con học hiệu quả, mình đề nghị bé chia sẻ với mình những ứng dụng trực tuyến, những trang mạng mà cô giáo sử dụng.
Qua đó, một mặt, mình tìm hiểu cách sử dụng để giúp con bất cứ khi nào con cần; mặt khác, mình có thể biết con đang học gì, con phải làm gì trong ngày để khuyến khích, nhắc nhở con theo sát bài học và hoàn thành bài tập mà cô giáo đưa ra mỗi ngày.
Mỗi sáng trước khi đi làm, mình đều kiểm tra các thiết bị bé dùnghọc trực tuyến để đảm bảo không có vấn đề gì. Khi học ở nhà, nếu cần giúp, mình vẫn có thể hướng dẫn qua điện thoại. Nếu quá bận, mình sẽ giải thích cho bé hiểu khi đi làm về.
SBS Vietnamese: Bé nhà chị nhận xét thế nào khi phải học qua màn hình như vậy, bé có nhớ trường lớp, thầy cô và không khí lớp học không?
Hoàng Hằng: Cũng như rất nhiều các bạn nhỏ cùng lứa tuổi khi phải học ở nhà, bé thường thủ thỉ với mình là con cảm thấy buồn chán, vì coronavirus mà phải học ở nhà nên con cảm giác virus này rất nguy hiểm, dễ bị lây nhiễm. Bé than phiền là phải làm quen và sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng học trực tuyến; nhiều project phải làm và cần có sự tham gia hỗ trợ của ba mẹ trong khi ba mẹ phải đi làm; việc trình bày một vấn đề nào đó với cô giáo không dễ dàng như khi trao đổi trực tiếp tại lớp.
Theo mình, tùy tính cách của từng bạn nhỏ mà có cách giải thích phù hợp. Riêng mình, mình luôn thể hiện cho con biết là mình yêu thương và quan tâm đến con. Tuy nhiên, có những mong muốn đem lại niềm vui cho con hiện tại là điều không thể thực hiện được.
Cách tốt nhất để con chấp nhận hoàn cảnh hiện tại là bằng cách yêu cầu và khuyến khích con tìm đọc, coi các tin tức cập nhật tất cả các vấn đề liên quan đến đại dịch: tỉ lệ tăng/giảm số người nhiễm, những quy định mới nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, cách tốt nhất có thể để phòng ngừa cho mình và những người xung quanh... Nhờ đó bé hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, hiểu mình cần phải làm gì trong thời điểm này, và mình phải biết chấp nhận hoàn cảnh hiện tại. Mình vui vì con gái mình đã làm được điều này.
Chính vì có cơ hội tham gia vào việc học, cha mẹ ít nhiều nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu của con để có những định hướng tiếp theo. Source: Supplied
SBS Vietnamese: Việc học từ xa là điều không thể tránh khỏi trong đại dịch. Tuy nhiên con sẽ thiếu đi một vài kỹ năng quan trọng so với học cùng bạn bè trong môi trường lớp học? Ví dụ như kỹ năng tương tác, giao tiếp với thầy cô, bạn bè, các lớp thể dục thể thao, tính cạnh tranh lành mạnh… Chị bù đắp những kỹ năng này cho con như thế nào?
Hoàng Hằng: Như mình vừa chia sẻ, giúp con hiểu và chấp nhận hoàn cảnh hiện tại là cách tốt nhất để con duy trì sự đam mê trong học tập trong giai đoạn này.
Ngoài ra, để giúp cuộc sống của con không bị thay đổi, xáo trộn nhiều, mình đã và đang làm một số việc sau đây:
- Khuyến khích con trao đổi với cô giáo bất cứ điều gì bé thấy cần qua private comment trên Google Classroom, Zoom, Meet, Google Hangouts, Flipgrid, v.v… Ngoài việc trao đổi bài vở với cô giáo, hoạt động này giúp bé rèn luyện kỹ năng gửi tin, nói chuyện trực tuyến, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để trình bày một vần đề, v.v…
- Cho phép con duy trì những hoạt động ngoại khóa như học dance, piano, và tiếng Việt qua hình thức trực tuyến. Cho phép con video chat với những người bạn thân vào cuối tuần hay những dịp đặc biệt.
- Khuyến khích con đọc các sách, đọc các bài viết hay có liên quan đến những gì con đã và đang học, coi các chương khoa học, sau đó yêu cầu con tổng hợp, phân tích, và chia sẻ lại bằng chính ngôn ngữ của con bằng văn viết hoặc văn nói. Qua đó, không chỉ học được cách tìm kiếm, chọn lọc tài liệu, thông tin để đọc mà bé còn phát triển được khả năng viết theo từng thể loại: book review, persuasive writing, narrative writing, khả năng lập luận và nói chuyện trước công chúng. Đây cũng những kỹ năng quan trọng giúp ích cho việc học.
- Tranh thủ mọi khoảnh khắc bên con, cùng con thực hiện những điều con thích làm mà trước đây con hiếm có cơ hội. Chẳng hạn như làm video clip về public speaking, trình diễn piano, dance; thiết kế các trò chơi và chơi cùng ba mẹ và em gái nhỏ.
Thầy cô giáo có trách nhiệm và sẵn lòng hướng dẫn tận tâm đến từng học sinh và cả quý vị phụ huynh làm thế nào để giúp con em mình học tại nhà.
Mình nghĩ quan trọng là giúp con bằng chính sự quan tâm, yêu thương của mình. Với sự hỗ trợ phù hợp, con sẽ chủ động và dễ dàng hơn khi giải quyết các vướng mắc trong khi học.
SBS Vietnamese: Chia sẻ của chị cho các bậc phụ huynh khác?
Hoàng Hằng: Mình nghĩ là, các bậc cha mẹ đều có cách hỗ trợ phù hợp cho con cái, phù hợp với quan niệm và hoàn cảnh của gia đình cũng như tính cách, khả năng, và sở thích của từng em nhỏ. Mình chỉ xin nhấn mạnh thêm hai khía cạnh sau:
Việc hỗ trợ con cái học tập trong tình hình hiện nay rõ ràng là một thách thức lớn đối với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, theo mình, đây cũng là một cơ hội hiếm có để quý vị phụ huynh hiểu rõ, trực tiếp chứng kiến, và tham gia vào việc học của con; để hiểu hơn công việc giảng dạy của thầy cô giáo.
Từ việc hiểu những gì có liên quan, các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy dễ dàng trong việc hướng dẫn, chia sẻ, và giám sát việc học hành của con em. Ngoài ra, chính vì có cơ hội tham gia vào việc học, cha mẹ ít nhiều nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu của con để có những định hướng tiếp theo hay có những biện pháp can thiệp, giúp đỡ kịp thời.
Mặt khác, để chương trình học trực tuyến được vận hành thông suốt là cả một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn từ phía nhà trường và thầy cô giáo. Dù có sự quy cũ hay chưa quy cũ, tiến hành nhanh hay chậm tùy vào nguồn lực mỗi trường, năng lực của thầy cô giáo; nhưng sau tất cả các thầy cô giáo đã và đang dốc hết thời gian và tri thức để mong truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả nhất đến từng học sinh.
Thầy cô phải đảm bảo mỗi một học sinh không bị thiếu hụt hoặc hổng kiến thức khi quay trở lại chương trình học bình thường. Vì vậy, thầy cô giáo có trách nhiệm và sẵn lòng hướng dẫn tận tâm đến từng học sinh và cả quý vị phụ huynh làm thế nào để giúp con em mình học tại nhà. Quý vị phụ huynh có thể gọi điện thoại đến trường và nối máy nói chuyện trực tiếp với giáo viên để quý vị hoặc con của quý vị hỏi những gì chưa rõ; hoặc bằng cách gửi tin nhắn trực tiếp trên trang học trực tuyến của con em quý vị.
--