Nuôi con ở Úc: Cha mẹ cũng có lúc nói dối, sao lại muốn con luôn thành thật?

pinochio

Pinocchio. Source: Pixabay

Bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng muốn con có tính trung thực, nhưng bản thân vẫn có những lúc không nói thật với con. Vì sao lại như vậy? Liệu các bậc cha mẹ có chấp nhận con mình nói dối, dù chỉ là nói dối vô hại?


Chị Hồng Vân là một giáo viên và cũng là chuyên gia nghiên cứu về phát triển ngôn ngữ và lời nói của trẻ em Việt Nam ở Úc. Chị cũng là mẹ có 3 đứa con đang ở độ tuổi từ 6 đến 16.

Chia sẻ quan điểm dạy con về nói dối và tính trung thực, chị Hồng Vân cho biết bản thân chị cũng đã từng nói dối con. Nhưng chị nhìn nhận rằng đó là những lời nói dối vô hại, chỉ vì chị muốn tốt cho con hoặc là không muốn con lo lắng.

Một lần nọ chị bị ốm nặng phải nhập viện, dù rất lo về tình trạng sức khỏe của mình, chị vẫn nói với con rằng “mẹ mệt nhưng mẹ sẽ ổn thôi”. Bởi lúc đó chị chỉ muốn các con không phải buồn và quá lo lắng về sức khỏe của mẹ.

Một vài lần khác, khi con hỏi một kiến thức nào đó, chị biết rõ nhưng vẫn giả vờ nói là không biết. Lý do đơn giản là vì chị muốn nghe con giải thích những gì con đã học hỏi được.

Chị Hồng Vân chia sẻ rằng chị có nói dối con. Nhưng đối với chị, những lời nói mang tính khích lệ, động viên con nếu không đúng sự thật thì cũng là lời nói dối vô hại. Và chị tin rằng khi con biết được nguyên nhân như vậy thì con sẽ hiểu vấn đề và không cảm thấy mất lòng tin với cha mẹ.

Vì sao cha mẹ cũng có lúc nói dối, nhưng lại luôn muốn con thành thật?

Chị Hồng Vân tin rằng mọi người nói chung đều hướng thiện, và tất cả các bậc cha mẹ cũng vậy, luôn muốn điều tốt đẹp cho con. Và có những điều cha mẹ không làm được nhưng vẫn muốn con cái làm, vì những điều đó sẽ giúp con trở nên tốt hơn. Có lẽ vì thế mà người làm cha mẹ thường mong muốn con có những tính tốt như trung thực, siêng năng, thật thà…
Chị Hồng Vân và con gái.
Chị Hồng Vân và con gái. Source: Tran Hong Van
Liệu có những lời nói dối chấp nhận được?

Theo chị Hồng Vân thì nói dối có nhiều loại. Cha mẹ cần xem xét loại nào là tuyệt đối không thể chấp nhận và loại nào có thể chấp nhận được.

Từ trải nghiệm của mình, chị nghĩ rằng các con có thể quan sát và biết một số điều chị nói là không đúng. Nhưng khi con hiểu rõ lý do, chị tin rằng con có thể chấp nhận những lời nói dối vô hại, hoặc những lời nói tránh để không khiến người khác phiền lòng.

Bên  cạnh đó chị không khuyến khích những lời nói dối vì sĩ diện, chẳng hạn như nói dối về thành tích. Còn loại nói dối mà chị nghĩ rằng con tuyệt đối không nên làm là nói dối vì sợ trách nhiệm, hoặc là nói dối để lừa gạt người khác.
“Nếu mình không thành thật mà muốn con thành thật thì cũng rất khó. Vì thế chị nghĩ là cha mẹ cần làm tấm gương tốt cho con. Vì vậy những loại nói dối mà tuyệt đối không nên thì cha mẹ phải làm gương cho con.” – chị Hồng Vân chia sẻ.
Chị cũng nghĩ rằng các hình thức nói dối vô hại thì có thể chấp nhận được ở một mức độ nào đó.

Mong muốn con luôn thành thật với gia đình

Với mong muốn các con luôn thành thật với gia đình, chị Hồng Vân tạo điều kiện để các thành viên trong nhà chia sẻ với nhau, cảm thông và hiểu nhau hơn.  Chị tập cho con thói quen kể lại mọi chuyện theo đúng sự thật, và cha mẹ luôn là người làm gương trước.

Một giải pháp khác của chị là không nghiêm trọng hóa các lỗi lầm của con, tránh quở phạt nặng nề để con không cảm thấy sợ hãi mà giấu diếm cha mẹ. Điều này chị cố gắng tập cho con từ bé để trở thành một thói quen tích cực.

Dạy con cách “nói tránh” đối với người ngoài

Chia sẻ quan điểm dạy con ứng xử đối với người ngoài gia đình, chị Hồng Vân nghĩ rằng những người có mối quan hệ càng thân thiết thì càng thành thật với nhau hơn, còn những người lạ thường giữ một khoảng cách nào đó và không phải lúc nào cũng cần nói thật hết mọi chuyện.

Chị tin rằng mọi người trong gia đình nên thành thật với nhau càng nhiều càng tốt, còn đối với người ngoài thì chị nghĩ rằng nếu không thể nói sự thật mất lòng thì có thể dùng cách nói tránh, nhìn vào điểm tích cực để nhận xét và tránh nói về những khuyết điểm, đồng thời không nên khen một cách giả dối.

Cư xử khi phát hiện con nói dối

Chia sẻ về một lần con phạm lỗi và nói dối vì sợ bị trách mắng, chị Hồng Vân cho biết chị không dùng cách dọa nạt con mà thay vào đó là giải thích, thuyết phục con nhận ra lỗi của mình. Chị nói rằng chị  không dồn con vào chân tường và cho con thời gian để suy nghĩ và hối lỗi.

“Việc nói dối hoặc là ăn cắp đối với trẻ con không phải là hành động tệ hại như người lớn nghĩ. Trẻ chỉ ăn cắp vặt vì thích hoặc chỉ nói dối vì sợ bị phạt, và chưa hiểu hết mức nghiêm trọng của vấn đề. Vì thế từ khi con còn bé, cha mẹ nên dạy cho con biết dần dần những gì nên và không nên làm. Thường trẻ nói dối vì sợ bị mắng, vì thế người lớn không nên làm nghiêm trọng hóa vấn đề để trẻ sợ mà không dám nói ra sự thật.”-  chị Hồng Vân chia sẻ.

chi Hong Van
Chị Hồng Vân. Source: Tran Hong Van


Với quan điểm cho rằng đôi khi mọi người chấp nhận nói dối để sống hòa hợp với nhau hơn, chị Hồng Vân cũng xem đó là ý kiến hay. Tuy nhiên chị nghĩ là trẻ con hàng ngày học cách ứng xử qua việc quan sát cha mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc người thân. Vì thế những người xung quanh là chính là tấm gương và trẻ có thể chọn lựa để noi theo. Nếu những người xung quanh cư xử chân thành và trung thực thì trẻ chắc hẳn sẽ học được những điều tốt đẹp đó.

“Thay vì cho rằng con có thể nói dối để thể hiện sự đồng cảm, cha mẹ nên dạy con biết cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ, khi đó con sẽ tự tìm ra cách để thể hiện sự đồng cảm với người khác.” – chị Hồng Vân nói.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe cuộc trò chuyện với chị Hồng Vân. 

 

 

 


Share