Qantas cho biết hành động nói trên theo đúng chính sách của chính phủ Úc được gọi là Chính Sách Một Nước Trung Quốc.
Thế nhưng chính phủ liên bang cho rằng các doanh nghiệp không nên là đối tượng trước các áp lực chính trị như vậy.
Chuyện tưởng như là một chi tiết nhỏ trên trang mạng của hãng hàng không Qantas, thế nhưng nó đủ sức để gây ra một vụ tranh cãi khá lớn.
Kể từ nay, trang mạng của Qantas sẽ ghi là "Đài Loan, Trung Quốc".
Tổng Giám Đốc Qantas Alan Joyce hiện tìm cách làm giảm nhẹ vai trò cuà Qantas trong một vấn đề không chỉ đơn thuần là tranh cãi về mặt địa lý.
"Đó không phải là chuyện một hãng hàng không định ra các quốc gia khác như thế nảo, chính nước Úc đã có chính sách Một Nước Trung Quốc."
"Có rất nhiều hãng hàng không trên khắp thế giới đã điều chỉnh chuyện nầy, cũng như thay đổi trên trang mạng của họ và chúng tôi sẽ làm tương tự thôi," Alan Joyce.
Trong khi đó Đài Loan tự cai trị, tự xem là một quốc gia độc lập, còn Trung Quốc luôn nhấn mạnh Đài Loan là một phần thuộc lãnh thổ của họ.
Còn chính sách Một Quốc Gia Trung Quốc của Úc có nghĩa là, việc đồng ý rộng rãi với lập trường của Trung Quốc.
Đó là một chính sách của Liên Đảng, mà Thủ Tướng Malcolm Turnbull tái xác nhận.
"Chúng ta đã có Chính Sách Một Nước Trung Quốc trong nhiều thập niên qua và mối quan hệ của chúng ta là với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc".
Cơ quan Hàng Không Dân Sự Trung Quốc đã thông báo cho hàng chục hãng hàng không trên khắp thế giới trong đó có Qantas, có thời hạn là ngày 25 tháng 5, để thay đổi cách thức mà họ đề cập đến Đài Loan trên trang mạng.
Qantas sẽ thua thiệt nhiều nếu họ làm cho Trung Quốc mất lòng, với các chuyến bay hàng ngày từ Sydney đến Bắc kinh, và ngược lại, cũng như các chuyến bay đến Thượng Hải và Hongkong.
Qantas cũng có hợp đồng với các hãng hàng không như China Airlines, China Eastern Airlines và China Southern Airlines.
Chính phủ Mỹ thì cho rằng tối hậu thư của Trung Quốc là vô nghĩa.
Còn chính phủ Úc vốn đã chịu nhiều áp lực trong mối quan hệ với Trung Quốc, và mối quan hệ này càng trở nên tệ hơn trong thời gian gần đây và không muốn dính líu vào chuyện nầy.
Tuy nhiên sau lời tuyên bố của Qantas, ngoại trưởng Úc Julie Bishop bày tỏ quan ngại về cố gắng của Trung Quốc, khi tạo áp lực lên một doanh nghiệp Úc.
Trong một thông cáo, bà Bishop cho biết, các công ty tư nhân nên được để yên điều hành công việc của họ, mà không bị bất cứ áp lực chính trị nào từ các chính phủ.
Thế nhưng bà nói rằng, đường lối mà Qantas qui định trên trang mạng của mình, là việc riêng của công ty nầy.
Tình cảm nầy cũng được ông Bill Shorten, lãnh tụ đối lập nhắc lại.
"Tôi nghĩ đó là một vấn đề khá phức tạp, tôi có lẽ mong muốn nó không xảy ra là hơn thế nhưng như đã nói, mọi quyết định tùy thuộc Qantas, vì tôi không quyết định thay cho họ được".
Còn ông Peter Jennings thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc châu, nói rằng hành động mới nhất nầy của Trung Quốc, là một phần trong cách thức bành trướng của Trung Quốc đối với Đài Loan.
"Đây là một phần của kiểu mẫu bành trướng của Trung Quốc, nhằm bóp nghẹt Đài Loan".
"Tôi nghĩ về mặt thực tế thì các hãng hàng không sẽ chấp nhận việc nầy, thế nhưng đó là một hình thức ngoại giao cưỡng bách khác mà Trung Quốc đang dùng và tôi nghĩ thực lòng, là không thể chấp nhận được một cách rộng rãi", Peter Jennings.
Chẳng thể chấp nhận được hay không, ông James Laurenceson thuộc đại học Kỹ Thuật Sydney nói rằng, chính phủ Úc và các doanh nghiệp Úc hiện lâm vào một tình thế khó khăn.
"Nước Úc cần cân bằng mối quan hệ nầy. Liên minh quân sự với Mỹ rõ ràng là điều rất quan trọng và đồng thời chúng ta có mối quan hệ thiết yếu về kinh tế với Trung Quốc, mà thực sự sẽ không tốt đẹp vào lúc nầy", James Laurenceson.
Qantas vẫn chưa định ngày, cho việc thay đổi trên trang mạng của mình.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại