Công nghệ 5G là gì?
5G là thế hệ thứ năm của công nghệ kết nối internet di động, cung cấp tốc độ download và upload nhanh hơn, và kết nối đáng tin cậy hơn trên điện thoại thông minh và các thiết bị khác.
Công nghệ này sử dụng phổ tần số radio hiệu quả hơn, và cho phép nhiều thiết bị hơn truy cập internet di động cùng một lúc.
Ông Dennis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam & Myanmar nói với báo Dân Trí rằng:
“Công nghệ 5G sẽ cung cấp tốc độ dữ liệu nhanh hơn tới 100 lần, độ trễ mạng được hạ thấp tới 5 lần. Lượng dữ liệu di động tăng lên tới hàng nghìn lần, tuổi thọ pin tốt hơn hàng chục lần. Điều đó đồng nghĩa với việc 5G mang lại cơ hội kinh doanh to lớn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, công nghệ 5G cũng cho phép triển khai các dịch vụ tiên tiến dành cho người dân, từ việc tiếp cận các dịch vụ y tế được tăng cường và cải thiện trên cả nước đến tiếp cận hệ thống giao thông thông minh, bao gồm xe ô tô tự lái và những sáng tạo mới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, năng lượng và an toàn xã hội.”
Theo như nhận định của giới công nghệ ở thời điểm hiện tại, thì tốc độ download tối đa của 5G sẽ đạt 20Gbps, và 10Gbps đối với upload. Điều này có nghĩa là bạn có thể tải về một bộ phim Full HD chỉ trong vòng vài giây, trong điều kiện hoàn hảo.
Công nghệ 5G sẽ cho phép chúng ta làm gì?
Ông Ian Fogg đến từ công ty phân tích dữ liệu di động OpenSignal chia sẻ với đài BBC:
“Bất cứ điều gì mà chúng ta hiện đang làm với điện thoại di động, chúng ta sẽ có thể làm điều đó nhanh hơn và tốt hơn. Hãy nghĩ đến những chiếc kính thông minh tích hợp công nghệ thực tế ảo, video chất lượng cao hơn, mạng lưới Internet of Things giúp cho các thành phố trở nên thông minh hơn. Nhưng điều thực sự thú vị là tất cả những dịch vụ mới mà chúng ta không thể đoán trước được.”
Chẳng hạn như những toán drone phối hợp cùng nhau để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn, đánh giá hỏa hoạn và giám sát giao thông, tất cả đều liên lạc với nhau và với các trạm điều hành trên mặt đất thông qua mạng 5G.
Tương tự như vậy, nhiều người cho rằng công nghệ 5G là tối quan trọng đối với các loại xe tự lái, giúp chúng liên lạc với nhau, đọc bản đồ và dữ liệu giao thông theo thời gian thực. Các cuộc gọi video sẽ trở nên rõ nét và ít bị giật hơn. Các thiết bị đeo tay có thể theo dõi sức khỏe người dùng trong thời gian thực và cảnh báo cho bác sĩ trong những trường hợp nguy cấp.
Ông Magnus Ewerbring, Giám đốc Công nghệ khu vực châu Á của Ericsson cho biết, “Theo báo cáo di động mới nhất của Ericsson, công nghệ 5G đang phát triển nhanh chóng và sẽ có hơn 500 triệu thuê bao vào năm 2022. Sự phát triển công nghệ 5G sẽ mang lại những cơ hội mới rất khác biệt cho con người, doanh nghiệp và xã hội tương lai. Dự báo tiềm năng doanh thu của công nghệ 5G trên toàn cầu là 582 tỷ USD vào năm 2026.”
Mạng 5G hoạt động như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn cố định cho công nghệ 5G, mặc dù một vài công nghệ mới có khả năng sẽ được áp dụng.
Thông thường, điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác hoạt động ở dải tần số dưới 6GHz, và sự phổ biến của các thiết bị thông minh trong những năm gần đây khiến cho dải tần này gần như bị quá tải. Các dải tần số cao hơn – từ 3.5GHz đến 26GHz và cao hơn nữa – vẫn có rất nhiều tiềm năng, song chúng lại có bước sóng ngắn hơn, dẫn đến phạm vi nhỏ và dễ bị chặn bởi các vật thể vật lý.
Vì thế, mạng 5G có thể sẽ sử dụng các trạm phát sóng cỡ nhỏ, được đặt ở nhiều địa điểm khác nhau như trên cột điện, trên nóc các tòa nhà cao tầng, hay trên những chiếc đèn đường. Càng nhiều trạm phát sóng, thì chất lượng hoạt động của mạng 5G sẽ càng ổn định và mạnh mẽ hơn. Thế nhưng việc lắp đặt các trạm phát sóng này sẽ rất tốn kém, và các công ty viễn thông vẫn chưa hoàn toàn đồng ý.
Tại Hội chợ triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng 2017 ở Las Vegas, Giám đốc điều hành Telstra, ông Andy Penn nói với News Corp, ông muốn thúc giục các nhà lãnh đạo về công nghệ trên thế giới cùng đẩy nhanh sự phát triển của tiêu chuẩn mạng 5G.
“Úc là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và chúng tôi muốn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu. Chúng tôi từng sử dụng mạng 3G, và hiện nay 4G đã rất phổ biến, và trong tương chúng ta sẽ có mạng 5G.”
Vì sao chúng ta lại cần mạng 5G?
Thế giới đang chuyển sang sử dụng các thiết bị di động nhiều hơn bao giờ hết, và chúng ta đang tiêu thụ nhiều dữ liệu hơn mỗi năm, nhất là với sự phổ biến của các dịch vụ xem phim và nghe nhạc trực tuyến. Các dải tần số hiện nay đang trở nên quá tải, dẫn đến việc rớt mạng khi nhiều người trong cùng một khu vực cùng truy cập mạng di động. Công nghệ 5G có thể xử lý hàng ngàn thiết bị cùng một lúc, từ điện thoại di động đến máy quay video và đèn đường thông minh.
Khi nào thì mạng 5G được triển khai?
Hầu hết các quốc gia sẽ không triển khai mạng 5G trước năm 2020, thế nhưng Qatar cho biết họ đã ra mắt một dịch vụ thương mại sử dụng công nghệ này, trong khi ba nhà mạng lớn nhất tại Nam Hàn dự định sẽ triển khai cùng lúc vào năm 2019. Trung Quốc cũng đang chạy đua để ra mắt mạng 5G trong năm sau.
Mặc dù 5G được coi là một bước tiến lớn so với mạng 3G và 4G, nhưng nó không thể ngay lập tức thay thế các công nghệ cũ, mà sẽ được phát triển và tồn tại song song với các loại mạng này, nhằm bảo đảm người dùng luôn có thể kết nối với internet khi ở ngoài vùng phủ sóng của mạng 5G.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và công ty cũng cần phải thay đổi các trang thiết bị và hạ tầng cơ sở để thích nghi với công nghệ mới này, vì thế việc triển khai mạng 5G sẽ là một quá trình lâu dài.