Làm thế nào giúp trẻ hòa nhập với môi trường học đường?

Children in school

Vấn đề khác biệt văn hóa và ngôn ngữ là rào cản lớn nhất đối với trẻ em di dân Source: Getty Images

Con cái của các gia đình có nguồn gốc di dân thường vấp phải một số rào cản trong những ngày đầu mới đến trường, do đó các bậc cha mẹ có một vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp con hội nhập với môi trường mới, và các chuyên gia thì khuyến khích cha mẹ phải chủ động tìm hiểu và cùng tham gia vào việc học tập tại trường của con em mình.


Phúc trình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2015 đã cho thấy việc học tập tại trường đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình giúp trẻ có nguồn gốc di dân hội nhập với cộng đồng mới.

Theo bản phúc trình này, những học sinh có nguồn gốc di dân thuộc thế hệ thứ hai tại Úc có kết quả học tập ở các môn học về giải quyết vấn đề, làm tính và đọc hiểu tốt hơn những học sinh được sinh ra tại Úc, và thậm chí tốt hơn mức trung bình của tổ chức OECD rất nhiều.

Phúc trình cũng cho thấy thời gian học tập tại trường và sự giúp đỡ của các cộng đồng địa phương đóng vai trò quyết định tạo ra sự vui vẻ hạnh phúc của những học sinh gốc di dân, giúp các em có thể vượt qua các trở ngại trong việc học tập cũng như hòa nhập cuộc sống mới.

Tại một đất nước đa văn hóa và đa sắc tộc như nước Úc, các gia đình di dân có thể vấp phải những khó khăn khi bắt đầu ổn định việc học tại ngôi trường mới.

Chị Thu, một người mẹ có hai con gái, vừa mới đến sinh sống ở Úc chưa đầy một năm, đã chia sẻ về những khó khăn về văn hóa mà các con của chị gặp phải trong những ngày đầu đến trường.

"Chị có hai đứa, con lớn học lớp 9 còn bé nhỏ học lớp 4. Việc tìm trường thì rất đơn giản và dễ dàng vì thông tin được đăng trên website của trường và trường cũng hỗ trợ mình rất nhiều. Tuy nhiên có một vấn đề về rào cản văn hóa là, đối với bạn lớn thì việc kết bạn gặp khó khăn hơn, không dễ như các bạn nhỏ. Điều này khiến cháu không thích thú với trường học.

"Còn bé thứ hai thì gặp sự khác biệt trong việc giao tiếp với các bạn. Thường trẻ em ở đây rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm, trong khi trẻ em Việt Nam thường giữ lại trong lòng không nói ra, nên bé cũng có tâm lý lo lắng không biết xử lý thế nào."

Một ý kiến được chia sẻ từ anh Thái, anh cùng gia đình sang Úc sinh sống khi cô con gái đầu ở tuổi học childcare

"Có một rắc rối trong việc nhập học cho bé vì sự khác biệt trong hệ thống ở Việt Nam và Úc. Ở Úc nhà trường yêu cầu bé phải được chích ngừa trước khi đi học, mình không biết điều này nên không chuẩn bị giấy tờ, nên đã phải yêu cầu bên bệnh viện Việt Nam trích lục hồ sơ, cũng phải mất một thời gian."
“Vấn đề thường gặp nhất là rào cản ngôn ngữ. Nhưng bên cạnh đó là việc hiểu các quy tắc ứng xử trong hệ thống giáo dục Úc," Parenst Victoria.
Tổ chức Parents Victoria là một tổ chức đại diện cho các phụ huynh có con học tại các trường công lập ở tiểu bang Victoria.

Giám đốc điều hành, bà Gail McHardy giải thích một số những khó khăn mà các gia đình gốc di dân thường gặp

“Vấn đề thường gặp nhất là rào cản ngôn ngữ. Nhưng bên cạnh đó là việc hiểu các quy tắc ứng xử trong hệ thống giáo dục Úc. Và tôi cho rằng đó là lý do mà các trường học phải luôn ý thức rằng lúc nào cũng có các học sinh thuộc nguồn gốc khác nhau trong trường, đồng thời trường học không chỉ bảo đảm việc đăng ký học cho học sinh mà còn phải tạo điều kiện cho phụ huynh cùng tham gia với các em.”

Trong quá trình hội nhập tại trường học cũng như cuộc sống thì phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng, đó là tích cực và chủ động tham gia vào sự nghiệp học tập của các em nhỏ.

Qúa trình đăng ký học cho các em bắt đầu bằng việc liên lạc với trường. Sau khi gửi đơn đăng ký chính thức và được trường học gửi thư xác nhận kết quả hồ sơ, phụ huynh sẽ có cuộc hẹn đầu tiên với nhà trường

Thông thường các trường học không phải lúc nào cũng giải thích, hướng dẫn đầy đủ những quy tắc cho những học sinh mới hoặc các gia đình tị nạn, chẳng hạn như việc các gia đình phải chuẩn bị phần ăn trưa cho các em, hoặc phải đưa đón các em đúng giờ.

Do đó các bậc cha mẹ phải bảo đảm rằng mình đã thông suốt về tất cả những yêu cầu từ phía nhà trường, đồng thời phải luôn trao đổi với giáo viên để nắm rõ tình hình học tập của con cái.

Ông Alor Deng, một người gốc Sudan và hiện đang làm nhân viên đại diện liên lạc cho một số trường học ở Melbourne, giúp các phụ huynh và học sinh có thể liên lạc với giáo viên khi cần để vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, về văn hóa cũng như kinh tế - xã hội.

Ông cho biết nhiều em học sinh có thể mất niềm tin khi đi học

“Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều em học sinh không biết chính xác mình đang làm gì ở trường, đặc biệt là đối với những bài tập mà các em được giao. Nếu như các em không nói ra, không nói với thầy cô rằng các em không biết làm, các em cần giúp đỡ, thì có thể các em sẽ bỏ học vì cảm thấy mình bị tụt lại. Cho nên, nếu như các em gặp khó khăn và cần giúp đỡ, thì các em phải cho mọi người biết, chứ không nên bỏ học. Và vì nhiều lý do mà các em đã không hề biết đến sự có mặt của chúng tôi và những tổ chức sẵn sàng giúp đỡ các em và có thể liên lạc với cha mẹ các em.”

Như trường hợp chị Thu, chị cho biết cha mẹ có gốc di dân cũng có thể gặp phải rào cản khi muốn giúp đỡ con trong quá trình học tập.

"Khi sang Úc con phải học những môn học mới như lịch sử Úc hay văn hoá Thổ dân, đó là sự khác biệt trong chương trình giáo dục.

Mình có thể giúp con học ở những môn tính toán hoặc khoa học, nhưng đối với những môn về văn chương thì không thể nào giúp con hiệu quả được, nên chỉ khuyến khích con phải đọc thêm sách." 

Giải quyết vấn đề đa văn hóa trong lớp học cũng là một việc khó đòi hỏi sự chuẩn bị từ phía giáo viên và tất nhiên là cả sự tham gia của phụ huynh.

Hầu hết phụ huynh sẽ được nhà trường mời đến để có cuộc họp với giáo viên hoặc các buổi trao đổi.

Các buổi trao đổi, thường được tổ chức ít nhất một lần trong năm, giữa giáo viên với một phụ huynh nhằm thảo luận về quá trình học tập cũng như những vấn đề của trẻ ở trường.
Tổ chức Parents Victoria khuyến khích cách dễ nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm đó là tham gia vào Hội Phụ huynh. Và ngoài ra còn rất nhiều hoạt động khác chẳng hạn như đến nghe con đọc sách trong lớp, hỗ trợ căn tin trường học nếu có, tình nguyện tham gia các hoạt động làm vườn, hoặc hỗ trợ các hoạt động thể thao của trẻ ở trong trường.
Bà Gail McHardy, giám đốc tổ chức Parents Victoria nói rằng đây là cách trao đổi hiệu quả nhất.

“Không phải gia đình nào cũng hiểu đầy đủ về ý nghĩa của buổi trò chuyện giữa phụ huynh và giáo viên, kỳ vọng kết quả đạt được sau buổi trao đổi là gì. Lời khuyên tốt nhất mà tổ chức Parents Victoria có thể đưa ra cho các gia đình thuộc các cộng đồng đa sắc tộc là phải bảo đảm rằng trường học đã cung cấp thông tin đầy đủ rõ ràng về tập quán của Úc, cách thức vận hành trong hệ thống trường học và các nghi thức. Việc trường học tổ chức các buổi trao đổi với phụ huynh là rất quan trọng, và họ không nên mặc định rằng các gia đình đã thông suốt mọi vấn đề.”

Và tổ chức cũng đưa ra lời khuyên rằng các phụ huynh nên tham dự buổi hỏi chuyện với một tâm thế cởi mở và chân thành.

Ông Alor Deng cho biết hầu hết phụ huynh thể hiện sự quan tâm rất lớn

“Các phụ huynh khi trò chuyện với giáo viên thì chắc chắn là họ luôn muốn biết con cái học hành như thế nào trong suốt học kỳ tại trường. Hầu hết phụ huynh đều muốn đến trường hỏi chuyện, muốn được ai đó giải thích và dịch lại chính xác những gì giáo viên nói, hơn là nghe con cái nói lại, bởi vì có thể đứa trẻ sẽ không nói lại chính xác những gì mà giáo viên nói. Và ở đây chúng tôi có thông dịch viên, có cả thông dịch viên cho những gia đình nói tiếng Somali và tiếng Ả Rập.”

Phần lớn các trường học đều có thông dịch viên bởi lý do đa sắc tộc trong cộng đồng.

Nhưng tham gia vào việc học với con trẻ thì đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với việc tham dự cuộc họp với giáo viên.

Bà Gail McHardy nói rằng cha mẹ có thể tình nguyện tham gia hoạt động trong lớp học hoặc các hoạt động ở trường.

Có rất nhiều cách để phụ huynh có thể tham gia vào hệ thống trường học ở đây. Tổ chức Parents Victoria khuyến khích cách dễ nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm đó là tham gia vào Hội Phụ huynh. Và ngoài ra còn rất nhiều hoạt động khác chẳng hạn như đến nghe con đọc sách trong lớp, hỗ trợ căn tin trường học nếu có, tình nguyện tham gia các hoạt động làm vườn, hoặc hỗ trợ các hoạt động thể thao của trẻ ở trong trường.

Câu chuyện của gia đình cô Ahod Guargis, một di dân người Iraq đến Úc bốn năm trước cùng chồng và ba đứa con với hi vọng có một tương lai tốt đẹp hơn.

“Chúng tôi rời bỏ quê hương với mục đích đem đến những gì tốt nhất cho bọn trẻ. Đối với chúng tôi con cái là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã kỳ vọng rất nhiều. Và khi bắt đầu cuộc sống mới nơi đây, sống trong một hệ thống xã hội mới, mọi thứ đều mới mẻ, chúng tôi đã rất lo lắng. Nhưng cảm ơn Chúa, tôi có ba đứa con, hai trai và một gái, chúng dần dần cũng đã hòa nhập được.”

Cô Ahod Guargis cho biết việc chủ động tham gia vào quá trình học tập của con cái là chìa khóa dẫn tới thành công

“Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ khác cũng làm điều tương tự. Tin tôi đi, nếu không có sự giúp sức của cha mẹ và gia đình, thì một mình trường học không thể đào tạo các em nên người. Hiện tôi đang hỗ trợ vấn đề đa văn hóa ở trường Roxburgh College và các con tôi đều cùng với tôi làm việc này. Tôi đang hỗ trợ các gia đình đến từ Ả Rập, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.”

Hướng dẫn cho phụ huynh của Chính phủ Úc có tại trang mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

 

 

 

 


Share